Họa sĩ bày tranh thường thích một mình. Nhưng triển lãm Ngẫu nhiên 62 lại là “song kiếm hợp bích”, giữa một họa sĩ nhà giáo Nguyễn Chí Cường, tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Hàn lâm quốc gia Moscow (Học viện Surikov) và Nguyễn Tuấn Thịnh, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, làm việc bên điện ảnh.
Một bên nhẹ nhàng man mác chất thơ, bên kia băm bổ như thợ đấu. Nói thế không ngoa, Tuấn Thịnh sức vóc như chiến binh La Mã, còn Chí Cường lại có vẻ nghiêm cẩn của một nhà giáo. Hai họa sĩ đã nghỉ hưu, gặp nhau ở tuổi 62, rủ nhau bày tranh, nên “đẻ ra” cái tên triển lãm chẳng giống ai, mà đầy ngẫu hứng nghệ thuật!
Đi từ cõi khỏa thân
Về tranh Tuấn Thịnh tôi đã theo dõi anh vẽ, đưa lên Facebook mấy năm gần đây, anh lột xác nhanh đến bất ngờ. Mải miết làm công ăn lương điện ảnh, anh rất ít thì giờ dành cho vẽ. Nếu như cách nay dăm sáu năm, còn ngập ngừng, đôi lúc ngơ ngác như người dừng giữa ngã tư, thì hôm nay, anh hiện ra rắn rỏi, chững chạc trên từng nhát bút mảng màu, rất tự tin như người kể câu chuyện của chính mình, mà âm hưởng của nó đã nẫu trong người cứ thế tuôn trào ra.
Kia, những đường bút tự tin hào sảng nhặt thưa chạy như sóng biển mềm mại mà đầy nội lực, cảm xúc nóng hổi trên những tranh anh vẽ còn đọng lại trên từng hình khối, đường nét và mảng màu dào dạt đầy chất dã thú.
Lần bày này anh có mấy tranh khỏa thân khá “nóng” trong các khối tròn chắc, dư thừa hơi thở giao hòa của tình yêu. Anh bảo thích vẽ người, và người thì thích vẽ khỏa thân. Thật ra, vẽ người là cái khó nhất trong hội họa, nhiều người lảng tránh còn anh thì anh lăn vào. Nhưng đó cũng là cái duyên, anh đã bước qua được cái khó đó. Bởi anh khá vững hình họa! Chân dung chỉ nhõn mấy bức vẽ bố, vẽ vợ, tự họa nhưng bức nào cũng xuất sắc. Bức ông lão mù thổi kèn thì quá tinh tế, như có âm thanh réo rắt thoát ra đâu đó.
Hỏi tranh phong cảnh, anh bày cho xem và lắc đầu: không thích vẽ phong cảnh! Nhưng thật bất ngờ, bức Nhà sàn, bức Đi lễ chùa làm tôi ngỡ ngàng. Ở Nhà sàn, anh đưa vào trung cảnh, cận cảnh là bờ rào, gam màu lam sạm ngả lạnh của vách liếp trong không gian chiều muộn. Xem tranh thảng thốt thấy mùi phân, mùi rác quen thuộc của bản làng trên núi mà mình đã từng đi qua. Còn bức Đi lễ chùa bán siêu thực hy hữu của anh mới tuyệt vời làm sao. Một không gian mơ hồ huyền ảo mông lung chỉ qua mấy mảng xám, vàng mơ, ghi lạnh và trắng sữa, người ta đọc được ra trong không gian ấy lòng thành tín đang gửi về nơi cửa Phật với tất cả cõi lòng. Tôi lặng trước bức tranh mà tôi nghĩ chỉ có thể được tạo ra trong lúc xuất thần, ở trạng thái shaman, mới được như thế.
Tôi nhận ra tranh phong cảnh nếu anh bước vào sẽ có duyên hơn cả tranh khỏa thân, thứ mà anh cho là mình mang duyên nợ với nó. Tôi nói vậy vì tranh khỏa thân rất hữu hạn, ở xứ mình nó cạn nhanh như mạch nước chẳng chiều giếng nông. Còn tranh phong cảnh là cái mỏ vàng đồ sộ trong anh mà anh chưa đụng vào khai thác. Tranh đẹp, vẽ hay nhưng Tuấn Thịnh dường như chưa hẳn minh định đường đi của mình. Anh đang loay hoay dò tìm trên những cái đẹp anh để thể nghiệm và chắc chắn chẳng mấy lúc anh sẽ tìm thấy đúng mình.
Đó là tất cả những gì hàm súc trong các tranh trưng bày đợt này của Tuấn Thịnh, nó dào dạt đem lại cho tôi cảm xúc yêu thương cuộc sống, yêu con người và thiên nhiên và mình cảm thấy cùng nhịp thở với nó.
Đến cõi thiên thai
Rời bỏ không gian bốc lửa của Tuấn Thịnh, bước sang phần tranh của Nguyễn Chí Cường thì cảm giác khác hẳn. Đó là thiên thai. Anh vẽ mềm mại, dịu dàng, đề tài anh đề cập đến cũng là những gì rất giản dị quanh ta, đó sen, là phong cảnh và đàn bà. Có cả khỏa thân và cũng rất “nóng”, nhưng không ồ ạt, xốc xáo như Tuấn Thịnh.
Con người và cảnh vật trong tranh Chí Cường hiền lành, êm dịu từ màu sắc, dung dị từng nét vẽ. Không đi đâu mà vội, anh luôn đưa tranh về không gian bình yên với những mảng màu nhã nhặn, mực thước. Dù có tranh ba bốn nhân vật, nhưng không ồn ào, mà vẫn bình lặng như nước mặt nước hồ, điềm đạm và hiền hậu như tiểu thư con nhà khuê các.
- Triển lãm 'Tỏa IV': Khi nghệ thuật suy nghiệm về thiên nhiên
- Triển lãm về những gánh hàng rong cách đây gần 100 năm
- Triển lãm 'Truyền thống hiếu học': Những 'lớp học' của lý tưởng và hy vọng
Tôi mới chỉ xem tranh Chí Cường, chưa từng gặp anh trò chuyện, nhưng chất nền nếp của nhà giáo khá rõ dàn lên mặt tranh. Tuy vậy, nó vẫn không che lấp được chất lãng mạn.
Hai tác giả, hai giọng điệu gặp nhau trong một triển lãm tôn vinh nhau, mỗi tác giả một sắc thái cho người xem các cảm giác cân bằng thú vị. Ở triển lãm này, người xem sẽ thấy cái đa dạng và khác biệt trong tạo hình là sự khám phá của mỗi họa sĩ với cảm quan của mình đã đem lại cho công chúng nghệ thuật thêm nhiều cảm xúc khác biệt, dù cho đề tài có giống nhau.
Triển lãm Ngẫu nhiên 62 diễn ra tại Nhà triển lãm (16 Ngô Quyền, Hà Nội), từ ngày 15/10 đến 24/10/2022.
Họa sĩ Đỗ Đức
Tags