Nữ họa sĩ trẻ Hải Tú cẩm tinh con cọp. Và cô đón tết Giáp Thìn 2024 bằng bức tranh rồng. Con rồng hội họa ấy của Hải Tú cũng thật trẻ…
1. Bạn có thể gặp trên facebook của Hải Tú lời chào bán sản phẩm mỹ thuật - thể thao dành cho dân trượt ván. Hải Tú nhận trang trí ván trượt cho dân chơi môn thể thao này. Bộ tranh vẽ trên mặt ván trượt của cô đã có hơn 30 mẫu khác nhau, từ những ông hổ dữ dằn đến các thiếu nữ mềm mại đội nón lá, từ những căn phố rất thực mà ta vẫn nhìn thấy ở TP.HCM đến cổ tích xửa xưa kể trong một điển cố Trung Hoa, có ông Thọ trán sói chơi với các kim đồng, ngọc nữ…
Ở mẫu mới nhất trong bộ tranh trang trí này, Hải Tú vẽ rồng để dân chơi ván trượt cùng linh vật năm Thìn đón Tết 2024. Con rồng của Hải Tú thật trẻ, đội nón thể thao và cũng đang trượt ván. Hai chân trước của rồng bám vào mặt ván trượt như các vận động viên vẫn làm. Tưởng như chính tốc độ từ các bánh xe của ván trượt sẽ đưa rồng cùng người trượt bay lên giữa các đám mây.
Chính Hải Tú hiện cũng là tay chơi ván trượt có hạng! Sở trường của cô là trượt bowl, và cô thường bay trên ván ở Saigon Outcast. Những bức tranh chuyển động, không treo mà trượt, lướt kia giúp Hải Tú có thu nhập, để từ đó trang trải phí tổn bút mực cho những bức tranh treo tường triển lãm, định hình phong cách nghệ thuật của mình. Đấy là một lối vẽ có phần siêu thực, nghiêng về biểu ý chứ không nệ hình, diễn hình, nịnh hình.
Chính tên tranh Cô gái tuổi dần của Hải Tú, giúp người xem tranh hiểu ra, vì sao cô thiếu nữ Á Đông cầm tinh con cọp lại có cặp mắt xanh biếc thế kia! Lại thêm nụ cười thấp thoáng đôi "nanh khểnh" của một thanh nữ nhà chúa sơn lâm! Cặp mắt biếc ấy thắp sáng, làm đẹp bức tranh, khơi gợi, khuyến khích người xem tranh cùng trôi nổi với người đẹp trong tranh trên vuông chiếu cói truyền thống giữa đầm sen thiên nhiên bên cầu tre trăm đốt, nghìn đốt - để rồi vượt thoát khỏi khung tranh, tìm tới khoái cảm nghệ thuật được sống cùng sen ấy, tre ấy trong cảm giác bồng bềnh.
2. Tháng 6/2023 vừa qua, Hải Tú là họa sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất tham gia Liên hoan nghệ thuật quốc tế Naju lần thứ nhất tại Hàn Quốc. (Một họa sĩ khác từ TP.HCM có gửi tác phẩm tham dự). Như lời kể, một người thầy Hàn Quốc giới thiệu Tú với Ban tổ chức Liên hoan, cô nộp hồ sơ và trúng tuyển. Cùng xuất hiện với Tú là một số nghệ sĩ quốc tế khác. Và trong khi tuổi trung bình của các nghệ sỹ được mời tới liên hoan là 50 tuổi, Hải Tú là trường hợp "út ít" vì mới hết tuổi sinh viên tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM được vài năm.
Tại Liên hoan, Tú vẽ 2 tranh tường. Bức thứ nhất tên là Nhìn về tương lai của văn hoá và nghệ thuật, 4m rộng, 8m cao, trên tranh có chữ @ của công nghệ thông tin, có các màn hình, để người đẹp bay trong tranh có thể nhìn thấy tương lai kia. Bức thứ hai có tên Linh Ngưu an nghỉ, cao 4m, dài 8m gắn với sự kiện lịch sử của Hàn Quốc vào những năm 30 của thế kỷ XX diễn ra tại một nhà máy ở thị trấn Hwanam Industry thuộc Naju...
Theo Ban tổ chức liên hoan, bức Nhìn về tương lai của văn hoá và nghệ thuật sẽ ở đấy mãi. Còn bức Linh ngưu an nghỉ thì cứ "an nghỉ" chỗ ấy, cho đến khi có bức tường mới thay thế bức từng đã thành tranh. Trong chuyến đi này, Hải Tú còn tham gia 2 cuộc triển lãm tranh với 2 bức Cô gái tuổi Dần và Tự nương đã vẽ ở Việt Nam từ trước.
3. Hải Tú là con gái út của cặp đôi nghệ sĩ quê Đồng Tháp, chồng là họa sĩ Việt Hải (1959 - 2003) vợ là nhà thơ Thu Nguyệt. Gia đình họ 5 người thì 3 người từng làm ở Sở Văn hóa tỉnh Đồng Tháp, Hội văn nghệ Đồng Tháp và báo Tuổi trẻ. Trong thư viện nhà Tú, sách chất ngất, cao đụng trần vì người cha Việt Hải không tiếc tiền mua sách - chưa kể vô vàn cuốn là do chính ông vẽ bìa.
Ở thư viện này có lọai sách quý hiếm mà ít thư viện có được. Đó là loại sách "cả nhà cùng làm", vợ ngẫu hứng thì chồng định hình, mẹ viết thì con vẽ, vợ rút ruột ý tứ, đợi chồng bao bìa hoàn thiện tác phẩm… Sách ấy là các tập thơ Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường… của mẹ Tú, nhà thơ Thu Nguyệt.
Ngày Tết dương lịch vừa qua, tôi được nhà thơ Thu Nguyệt mẹ Hải Tú mời lên vườn thiền Thong Dong (Bảo Lộc - Lâm Đồng), nơi bà đang nghỉ hưu, để xem tranh "cô cọp hiền" Hải Tú vẽ trên đá. Về loại tranh này, xin hầu chuyện bạn đọc ở một bài báo khác!
Bài thơ đặc biệt
Người cha Việt Hải trước khi qua đời vì tai nạn giao thông đã kịp đưa tranh của bé út Hải Tú bốn tuổi lên bìa trước trong một tập thơ của mẹ em. Ông kịp làm thơ kể chuyện con mình học vẽ: "Thầy cho đề "Tết đến"/ Biết vẽ gì bây giờ/ Rợp đỏ là màu cờ/ Mấy cành mai vàng nở/ Trái dưa hấu vừa bổ/ Ngon mắt ơi là ngon/ Hay thật nhiều xe cộ/ Đang bon nhanh trên đường/ Và rồi còn pháo nổ/ Rơi đầy nhà mới sơn… / Ôi bạn vẽ hết rồi/ Thầy lại giảng một hồi/ Hay là em vẽ cọp / Cùng đàn con vui chơi/ Bài vẽ nhanh như chớp/ Thầy khen em hết lời/ Chỉ có điều đặc biệt/ Cọp… hiền quá đi thôi!
Tags