Cuối cùng thì mọi nỗ lực đều vô ích
... Khi phong trào phản đối, nghi ngại, kháng án và đơn xin ân xá đều bị bộ máy tư pháp và chính quyền gạt bỏ. Trước nửa đêm 22/8/1927 Thống đốc Massachusetts, Alvan T. Fuller, quyết định không hoãn xử tử Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti. Đao phủ bắt tay vào vụ hành hình lúc chuyển sang ngày mới.
Sacco và Vanzetti lần lượt được điều ra khỏi xà lim tử tù. “Chế độ vô chính phủ muôn năm!”, Sacco còn kịp hô trên ghế điện. “Vĩnh biệt vợ con và các bạn tôi!”, nói xong rồi Sacco quay sang các nhân chứng: “Kính chào quý vị”. Đao phủ sập cầu dao, dòng điện phóng qua cơ thể tội nhân chưa tròn 40 tuổi. Đúng 0h19, bác sĩ chứng nhận Nicola Sacco đã chết. Mấy phút sau đến lượt Bartolomeo Vanzetti được nói lời cuối cùng: “Thưa các quản giáo, tôi muốn nói là tôi vô tội. Tôi không phải là người lương thiện, nhưng chưa hề phạm trọng tội nào. Cảm ơn tất cả vì những gì đã làm cho tôi. Tôi thực sự hoàn toàn vô tội”. Rồi Vanzetti bắt tay mọi người xung quanh. “Tôi muốn tha lỗi cho một số người đã buộc tội tôi”. Lần thứ hai rạng sáng hôm ấy, dòng điện lại giết chết thêm một mạng người nữa lúc 0h27.
Vì sao Sacco và Vanzetti chết, mãi mãi sẽ là một cuộc tranh luận vô tận. Cả hai là dân nhập cư từ Italy, hai kẻ du thủ du thực nghèo kiết xác, ngày ngày vắt mồ hôi trong xưởng máy hoặc bán cá ngoài chợ. Nhưng, theo lời cáo trạng của công tố viên Frederick G.Katzmann: họ chỉ là hai kẻ sát nhân không hơn không kém.
Ngày 15/4/1920 có vụ tấn công hai nhân viên của nhà máy giày. Một thủ quỹ và một bảo vệ có nhiệm vụ đưa số tiền lương là 15.776 USD sang một văn phòng gần đó. Thủ phạm là hai đàn ông, sau khi bắn gục nạn nhân chúng tẩu thoát trên một chiếc ô-tô xanh mà trong đó có ba người nữa ngồi. Liệu thủ phạm, hoặc trong số ba đồng lõa, có đúng là Sacco và Vanzetti?
Chỉ cần biết
… Là họ có vũ khí trong người khi rơi vào tay cảnh sát. Đã vậy lại còn cung khai lủng củng và mâu thuẫn. Rốt cuộc cả hai bị buộc tội giết người sau phiên xử chóng vánh ở Dedham. Và như đã nói, đây là vụ điển hình trong trang sử đen tối của ngành tư pháp nước Mỹ.
Thẩm phán Webster Thayer được biết là một người kỳ thị ngoại kiều, đặc biệt là những người theo đường lối chính trị đáng nghi. Sau Thế chiến 1, bầu không khí chính trị ở Mỹ cũng giống quan điểm của vị quan tòa này, những người theo chủ nghĩa cộng sản hay cánh tả nói chung đứng đầu danh mục bị ngờ vực và đàn áp. Công tố viên Katzmann cũng là một người bị thúc đẩy bởi ý chí đó, ông ta nỗ lực thuyết phục bồi thẩm đoàn tin vào tiến trình gây án do ông nghĩ ra. Các lời khai thiếu thống nhất của nhân chứng buộc tội, bản giám định quá yếu cũng như có cả người cung cấp bằng chứng ngoại phạm - không có giá trị gì đối với Katzmann. Cuối bản luận tội, ông hét lạc giọng: “Kính thưa quý bà quý ông trong bồi thẩm đoàn, các vị hãy tuân thủ nghĩa vụ của mình!”. Họ lui vào phòng nghị án. Ngày 14/7/1921 Sacco và Vanzetti bị tuyên án tử hình.
Khi án được công bố
... Một làn sóng phản đối rào rào nổi lên. Hàng trăm ngàn người tin chắc là Sacco và Vanzetti vô tội và bị giết vì lý do chính trị. Trước tòa đại sứ Mỹ ở Paris nổ ra một cuộc biểu tình lớn đến nỗi tòa thị chính phải cầu viện binh lính và cảnh sát. Nhiều vụ bạo động xảy ra ở Copenhagen, London và hàng trăm cuộc diễu hành phản đối được ghi lại ở Italy, Thụy Sĩ, Bỉ, Bồ Đào Nha và Đức. Giới trí thức, chính khách và nhà thờ hiệp lực xin ân xá cho hai kẻ đợi chết. Thomas Mann, Albert Einstein, Quốc hội Đức và cả giáo hoàng cũng lên tiếng. Nhưng mọi nỗ lực kháng án đều bị gạt bỏ và đơn xin giảm tội không hề được phản hồi.
Có tội hay vô tội - cho đến nay chưa ai chứng minh được tuyệt đối, nhưng riêng các chứng cứ gỡ tội đã đủ biến vụ xử này thành huyền thoại hắc ám cho hệ thống luật pháp Mỹ. Năm 1977, 50 năm sau cái chết của Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti, Thống đốc đương nhiệm của Massachusetts là Michael Dukakis tuyên bố phục hồi danh dự cho hai tội nhân ngày nào. Không phải chứng minh được họ vô tội, mà vì một cuộc điều tra muộn mằn cho thấy bộ máy công tố đã “cố tình đưa ra chứng cứ vô lý và sai lạc”, ngoài ra, vụ án diễn ra trong bầu không khí kỳ thị ngoại kiều đến cực điểm và thẩm phán là người nặng thành kiến.
Theo thông tin từ Amnesty International (Tổ chức Ân xá quốc tế), một thành viên tiểu ban luật trong Nghị viện Mỹ thú nhận năm 1977: “Chúng ta có một hệ thống bảo đảm phức tạp và tốt nhất thế giới, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có một hệ thống tuyệt đối không oan sai”.
Những lầm lẫn chết người
... Được một số người coi là lỗi mặc định của hệ thống, theo tư duy “giết lầm hơn bỏ sót” và đó chính là khẩu hiệu của phe chống đối án tử hình ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Vì nếu một người vô tội bị xử tử thì không bao giờ sửa được lỗi đó nữa.
Từ năm 1973 nước Mỹ đã ân xá cho 124 ứng viên ghế điện hoặc mũi tiêm thuốc độc, vì gia đình họ hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền chứng minh được họ vô tội. Vẫn theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, nỗ lực đó đến quá muộn với tối thiểu 23 trường hợp trong thời gian 1900-1984! Nhưng cả trong thế kỷ trước lẫn thế kỷ này nước Mỹ chưa bao giờ chính thức công nhận là hệ thống tư pháp của họ có lỗi hoặc thú thực hình thức tử hình chỉ nhằm thỏa mãn ý chí trả thù.
Nhưng một hy vọng vẫn lớn dần: một số người ủng hộ tử hình đã chuyển biến tư duy khi biết có người vô tội bị chết, hay đúng hơn là bị nhân danh nhân dân cướp mạng sống. Trường hợp Sacco và Vanzetti có lẽ là lý do nổi tiếng nhất khiến người ta nghĩ lại, cho dù còn một đoạn đường dài phải đi, cho đến khi tư tưởng “mắt đổi mắt, răng đổi răng” không còn chiếm thế thượng phong. Năm 1899, trước thềm thế kỷ 20, chỉ có 3 quốc gia không áp dụng tử hình là Costa Rica, San Marino và Venezuela. Hôm nay đã có 98 nước bãi bỏ xử tử, 7 nước chỉ tử hình các tội nặng như phản quốc, 35 nước chưa bỏ nhưng cũng không thực thi.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags