(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, ở vùng giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, cụm kiến trúc cổ Hải Vân Quan, nơi từng được gọi là đệ nhất hùng quan trên đỉnh đèo Hải Vân giờ đây đang rơi vào cảnh hoang phế, không được bảo tồn và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Trở lại chốn này, chúng tôi không khỏi xót xa cho một cụm di tích không được quan tâm vì cảnh “một vợ, hai chồng” - nằm ở địa giới mà Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng chưa phân giải chủ quyền!Hải Vân Quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 năm 1826, ở độ cao 490 mét so với mực nước biển. Hệ thống phòng thủ quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công...Với vị thế nằm trên một thắng cảnh nổi tiếng, Hải Vân Quan là báu vật lẽ ra cần phải được gìn giữ cẩn thận.
“Trơ gan cùng tuế nguyệt”
Một ngày cuối tháng 10 chúng tôi chạy xe máy thăm Hải Vân Quan. Đường lên đỉnh Hải Vân sương giăng bảng lảng. Những cung đèo thoắt ẩn thoắt hiện, này lau, hoa đỗ quyên, cỏ dại, này tiếng chim hòa tấu vào núi rừng khiến Hải Vân đẹp đến sững sờ.
Không gian vỡ òa khi đệ nhất hùng quan hiện ra trước mắt. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bắt gặp rất đông du khách đang tham quan tại đây. Có cả một số cặp đôi chụp ảnh cưới.
Như một lẽ tự nhiên, khi thấy cảnh thiên nhiên hùng vĩ hẳn ai cũng muốn lựa cho mình một vị trí đẹp mắt để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Bởi, từ di tích Hải Vân Quan nhìn về phía Bắc có thể ngắm bãi biển Lăng Cô tuyệt đẹp của Thừa Thiên - Huế và ngoái lại hướng Nam là thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.
Di tích lịch sử là để tham quan và tìm hiểu, tất nhiên không thể không chụp hình. Thế nhưng, hình ảnh một số người dân Việt Nam lẫn du khách nước ngoài thản nhiên trèo, ngồi lên di tích, ăn uống và xả rác ngay tại chỗ, mặc dù đã được bố trí thùng rác xung quanh đã cho thấy ý thức tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ các di tích lịch sử đang bị con người xem nhẹ.
Lối nhỏ lên cổng thành sỏi đá lởm chởm, cỏ dại mọc um tùm và ngổn ngang vỏ chai nước. Tình trạng di tích không ai quản lý; không có người trông coi giữ gìn cảnh quan; không có một tấm biển nhắc nhở giữ gìn văn hóa, di sản; không có bãi đậu xe và thậm chí không có cả WC… nghiễm nhiên đã khiến di tích vô cùng đáng “thương cảm”!
Tất nhiên, không thể trách du khách bởi một khi chẳng ai giám sát, xử phạt nếu vi phạm, thì việc kêu gọi khách ý thức bảo vệ tối đa cho di sản là không thể.
Hải Vân Quan “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đỉnh đèo Hải Vân
Chờ ngã ngũ địa giới di tích đã thành hoang phế?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di tích bị bỏ bê và không ai chịu trách nhiệm quản lý là bởi cụm kiến trúc Hải Vân quan nằm ở vùng giáp ranh địa phận, bị tranh chấp dai dẳng giữa TT- Huế và Đà Nẵng hàng chục năm nay.
Nhìn từ góc độ địa lý, bia đánh dấu “Địa phận Thừa Thiên - Huế” và Đà Nẵng phân chia Hải Vân Quan thành hai phần. Trong đó, một phần nhỏ là bậc thang lên xuống di tích và cổng Hải Vân Quan nằm về phía Nam Đà Nẵng, và còn phần còn lại nằm ở địa phận Thừa Thiên - Huế.
Trước tình trạng di tích bị bỏ hoang nhiều năm liền, lãng phí tài nguyên văn hóa lịch sử, cả Thừa Thiên - Huế lẫn Đà Nẵng đều khao khát được chính danh địa phận để trùng tu di tích này. Cũng không ít tập đoàn, doanh nghiệp du lịch làm việc với lãnh đạo hai tỉnh để xin được cấp phép đầu tư, rốt cuộc nguyện vọng không thành vì đấy là của chung hai tỉnh.
Trước đó, ngày 17/9, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định 6573/QĐ-UBND phê duyệt một số chỉ tiêu cơ bản cho công tác đấu thầu, để mời gọi các nhà đầu tư triển khai phát triển du lịch trên đỉnh đèo Hải Vân.
Tuy nhiên, đại diện Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết tất cả những vấn đề liên quan đến khu vực đỉnh đèo Hải Vân thì phải do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Đà Nẵng) và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Thừa Thiên - Huế) có trách nhiệm kiểm tra xác định, triển khai xây dựng, phát triển ở địa điểm đó, có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng hay không. Sau khi kiểm tra, xem xét xong thì phải có báo cáo ra Bộ Quốc phòng, khi đó mới quyết định dự án đó có được làm hay không.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Trung tâm quản lý Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Về mặt di tích, Hải Vân Quan chưa thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý nên chúng tôi không có ý kiến gì.
Giờ mà thành phố hay Bộ VH,TT&DL xếp hạng và giao cho Đà Nẵng quản lý thì mình mới có nhiều biện pháp như giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị. Còn Hải Vân Quan cứ đứng giữa trời như vậy, hai tỉnh thành cứ giằng co chuyện ranh giới không biết tỉnh nào quản lý tỉnh nào không thì mình có muốn cũng phải chịu chung số phận như thế chứ không thể quản lý được”.
Thật ái ngại khi mùa mưa bão đang đến mà nhiều hạng mục ở đệ nhất hùng quan đã quá mỏng manh. Đến lúc phân định rõ cụm di tích Hải Vân Quan thuộc Thừa Thiên - Huế hay Đà Nẵng, e rằng di tích có nguy cơ đã trở thành phế tích!
Những hình ảnh về Hải Vân Quan:
Dù vẫn thu hút đông du khách đến tham quan, nhưng di tích này đang dần trở nên nhếch nhác.
Một chiếc lô cốt đã bị gãy đổ.
Một chiếc khác cũng đang có nguy cơ khi nhiều vị khách thiếu ý thức trèo lên di tích lịch sử.
Một khu quân sự khác cỏ mọc um tùm, không có lối vào.
Cổng trời khắc chữ “Hải Vân quan” đã bị lu mờ theo thời gian.
Hải Vân quan “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Nguyên nhân của tình trạng trên được lý giải là bởi cụm kiến trúc Hải Vân quan nằm ở vùng giáp ranh, bị tranh chấp dai dẳng giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Việc tranh chấp đã đẩy di tích thành nơi bỏ hoang.
Dưới chân di tích bị bủa vây bởi những hàng quán kinh doanh.
Không có bãi đậu xe, cũng không có nhà vệ sinh công cộng khiến cho đỉnh đèo lộn xộn mỗi khi khách du lịch đổ về.
Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa
Tags