(Thethaovanhoa.vn) - Hallelujah không toả sáng rực rỡ theo kiểu một bản hit càn quét bảng xếp hạng, một hiện tượng âm nhạc gây chấn động toàn cầu. Nó lặng lẽ tồn tại như một di sản vô giá, ngọn lửa âm ỉ sưởi ấm lịch sử âm nhạc thế giới.
- Bob Dylan đạo văn để viết diễn từ nhận giải Nobel văn học
- Bob Dylan 'cấm cửa' truyền thông khi nhận giải Nobel Văn học
- Bob Dylan ra mắt ba album hát lại những ca khúc kinh điển của Mỹ
Phong cách sáng tác của Leornad Cohen dễ làm người ta liên tưởng đến người bạn vĩ đại của ông, vị nhạc sĩ đầu tiên đạt giải Nobel văn học Bob Dylan. Cả 2 chia sẻ với nhau thứ âm nhạc xoáy mạnh vào chiều sâu ca từ, dẫn dụ người nghe bước vào cuộc hành trình mà ở đó, giai điệu mộc mạc đóng vai trò như cầu nối truyền tải thông điệp của lời ca.
Và Hallelujah, ca khúc tiêu tốn của Leornad Cohen những 5 năm “thai nghén” và còn hơn thế nữa để tìm được điểm chạm tới khán giả, chính là một bảo chứng hoàn hảo cho quan điểm âm nhạc kể trên.
Đập đầu xuống sàn, gần như phát điên vì bất lực
Thời điểm sáng tác Hallelujah, sự nghiệp của Leornad Cohen đang ở thời kỳ xuống dốc sau khoảng thời gian dài xa rời ánh hào quang. Album Death Of A Ladies' Man hợp tác với nhà sản xuất Phil Spector năm 1977, cũng như album tiếp theo Recent Songs không đạt được thành công cao về mặt thương mại.
Có lẽ cũng chính bởi vậy mà Leornad Cohen cầu toàn đến gần như tiêu cực với sản phẩm tiếp theo. Hallelujah được ông ấp ủ đến tận 5 năm, khoảng thời gian mà về sau này nghĩ lại, Leornad Cohen không che giấu nổi nỗi hổ thẹn.
“Tôi nhớ rằng mình nằm trong phòng khách sạn Royalton Hotel, ngay trên thảm trải sàn chỉ với đồ lót, đập đầu liên tục xuống sàn và lẩm bẩm: Sẽ không bao giờ xong được bài này mất!” -Leornad Cohen kể.
5 năm, viết kín 2 cuốn sổ và sản phẩm cuối cùng mà Leornad Cohen có được là tận 80 đoạn thơ khác nhau. Ông lựa chọn, lắp ghép và cuối cùng rút lại còn 4 phiên bản, trong đó bản đầy đủ nhất gồm 15 khổ thơ. Trên thực tế, ông vẫn tận dụng mọi đoạn thơ đã viết bằng cách lắp ghép trong những phần biểu diễn sau này để đa dạng hoá, như cái cách một nghệ sĩ phối quần này áo nọ mỗi khi lên sân khấu.
Hallelujah phiên bản đầu tiên được hát bởi chính Leornad Cohen. Vẫn là chất giọng nam trầm ám khói đầy mê hoặc trên nền hoà âm chậm mà chắc khiến cho bài hát không khỏi gợi liên tưởng đến một bản thánh ca.
Cộng hưởng vào đó, phần lời của bài này Leornad Cohen sử dụng rất nhiều điển tích từ Kinh thánh như: câu chuyện về vua David, chuyện tình yêu của David với nàng Bathsheba,… Mỗi đoạn thơ là một câu chuyện, gồm cả đích danh, cả ẩn ý và vu vơ, với điểm chung là đều hướng đến mô tả tình yêu cùng những mâu thuẫn, nghịch lý.
Dù tỏ ra khá khiên cưỡng khi được hỏi về ý nghĩa thông điệp, Leornad Cohen cũng đưa ra câu trả lời như sau: “Sự mâu thuẫn giữa vạn vật có thể biến mất, nhưng đó sẽ không còn là nơi chúng ta sống nữa. Thế giới này đầy rẫy những nghịch lý không thể hoá giải. Bạn không thể hoà giải nó theo cách nào khác, ngoài quy phục và chấp nhận. Đó chính là điều tôi muốn nói qua bài hát này”.
Hallelujah có thể dịch là “Tán dương Chúa trời”. Và lời giải thích như trên đã càng làm rõ dụng ý của Leornad Cohen khi để cụm từ này lặp lại như một cách giải quyết cho những nghịch lý ông đưa ra.
Cuộc hành trình của những người giữ lửa
5 năm “thai nghén” Hallelujah có lẽ chưa là gì so với khoảng thời gian gần 20 năm mà Leornad Cohen phải chờ để bài hát này thực sự chạm đến được đông đảo công chúng.
Leornad Cohen thu âm Hallelujah vào năm 1984. Theo thói quen từ những sản phẩm trước, ông mang bản thu thử đến hãng thu âm CBS. Nhưng cái ông nhận lại, chỉ là một “gáo nước lạnh”.
“Đây là cái gì? Đây đâu có phải nhạc pop. Chúng tôi sẽ không bao giờ phát hành nó. Thật thảm hoạ” - chủ tịch CBS đã dội vào Leornad Cohen những lời như vậy.
Thế rồi thì Hallelujah cũng được phát hành nhưng bởi một hãng thu độc lập nhỏ bé Passport Records, nằm trong album Various Position ra mắt tại châu Âu vào năm 1984 và tại Mỹ một năm sau. Đáng buồn thay, đĩa đơn này và cả album lại tái lập lịch sử của những sản phẩm trước khi thu về danh tiếng lẹt đẹt. Chỉ như một gợn sóng nhỏ trong đại dương âm nhạc rộng lớn thời điểm bấy giờ, Hallelujah đứng trước nguy cơ bị rơi vào quên lãng.
Người đầu tiên phát hiện ra giá trị tiềm tàng của Hallelujah, chính là Bob Dylan. Quen biết và nhiều lần qua lại trao đổi với Leornad Cohen về công việc sáng tác, Bob Dylan bị ấn tượng bởi cách dùng từ ngữ cũng như giai điệu mê hoặc của ca khúc này nên đã nhiều lần đưa nó lên sân khấu biểu diễn.
Có một giai thoại được Leornad Cohen khi sinh thời kể lại khá nhiều lần khi nhắc về mối tương giao với Bob Dylan. Đó là khi Bob Dylan hỏi ông sáng tác Hallelujah trong bao lâu, ông ái ngại nói là 2, 3 năm. Đến khi hỏi lại Bob Dylan đã viết I And I trong bao lâu, ông nhận được câu trả lời “khoảng mười lăm phút”.
Dù bị ấn tượng đầu tiên, nhưng Bob Dylan chưa từng thu âm chính thức Hallelujah. 2 cái tên quan trọng nhất giúp Hallelujah bước đến điểm toả sáng rực rỡ phải kể đến John Cale và Jeff Buckley. Trong khi phiên bản của John Cale không được chú ý nhiều, thì Jeff Buckley lại thành công khi biến Hallelujah trở thành sản phẩm để đời nhất trong sự nghiệp với hàng loạt thứ hạng chót vót.
John Cale tình cờ nghe Leornad Cohen hát live Hallelujah trong một buổi biểu diễn tại New York và quyết định ngay phải cover nó. John Cale trình bày ý tưởng này với Leornad Cohen, và nhận lại 15 trang giấy với đầy đủ toàn bộ lời bài hát. John Cale sau đó lựa chọn những khổ thơ táo bạo nhất đưa vào phiên bản của mình, nằm trong album I’m Your Fan, album bày tỏ niềm cảm mến đối với Leornad Cohen, phát hành năm 1991.
Thú vị thay, chính ý tưởng của John Cale lại dẫn đến phiên bản của Jeff Buckley khi anh nghe được album I’m Your Fan từ một người hàng xóm. Đặc biệt hơn nữa, phiên bản của Jeff lại được chính hãng thu âm CBS phát hành, cho thấy họ cuối cùng đã thay đổi thái độ và nhận thấy giá trị của ca khúc này, chưa quá muộn.
Cũng như bản gốc, Hallelujah của Jeff Buckley không được ra mắt dưới dạng đĩa đơn mà đơn thuần nằm trong album Grace, phát hành năm 1994. Với tiềm lực của CBS, đây là phiên bản cover ghi được nhiều danh tiếng nhất, dù phải chờ tận 9 năm sau đó. John Legend đã gọi đây là "một trong những bản thu âm đẹp nhất mà tôi từng nghe".
Không phải Leornad Cohen, mà chính Hallelujah của Jeff Buckley được đưa vào lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ với danh vị Bản thu âm quốc dân.
Theo ước tính, có tới trên 200 phiên bản của Hallelujah. Bài hát này cũng góp mặt trong số những soundtrack của phim hoạt hình Shrek vào năm 2001, nhờ đó mở rộng phạm vi đối tượng khán giả, đặc biệt là nhóm khán giả trẻ em.
Số lượng những phiên bản của nó nhiều đến mức, Leornad Cohen đã từng một lần thốt lên với báo chí: “Đây là bài hát hay. Nhưng nhiều người hát quá!”.
Cùng nghe lại ca khúc "Hallelujah":
Leornad Cohen, người duy nhất sánh ngang với Bob Dylan Leornad Cohen (1943-2006) là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ và tiểu thuyết gia người Canada. Sự nghiệp của ông là chuỗi những khám phá về tôn giáo, sự cô lập, bản năng giới tính và các mối quan hệ xã hội Cohen sinh ra trong gia đình Do Thái, sống ở Canada. Ông đến New York (Mỹ) từ năm 1966 để phát triển sự nghiệp. Nhiều sáng tác của ông như Hallelujah, Bird On The Wire, Suzanne, So Long Marianne... có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Cohen có tên trong Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll tại Mỹ lẫn Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc và Đại sảnh Danh vọng nhạc sĩ Canada. Ông cũng từng được trao danh hiệu Hiệp sĩ, danh tước cao nhất cho công dân Canada. Năm 2011, ông được tôn vinh tại Giải thưởng Hoàng tử xứ Asturias về những đóng góp văn học của mình. |
Hà My
Tags