Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kết quả một cuộc khảo sát do Viện Chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc (NYPI) công bố ngày 10/3 cho thấy hơn 20% thanh thiếu niên ở Hàn Quốc đã từng bị quấy rối trên không gian mạng, đáng chú ý là tình trạng bắt nạt và lạm dụng bằng lời nói.
Trong cuộc khảo sát, 20,1% số người được hỏi thừa nhận đã trở thành mục tiêu của những nhận xét xúc phạm, xa lánh hoặc bị tổn thương về mặt tinh thần trong không gian mạng ít nhất một lần trong 6 tháng qua. Trong số họ, 3% cho biết họ đã bị quấy rối như vậy hơn 10 lần.
12,2% số người được hỏi cho biết các email, tin nhắn hoặc tương tác trên mạng xã hội không mong muốn liên tục xuất hiện. Hơn 10% tiết lộ các trường hợp bị ngăn thoát khỏi nhóm trò chuyện trong KakaoTalk và các dịch vụ khác. 10% khác cho biết họ bị ép giao nộp tài sản chơi game trực tuyến. Báo cáo kết quả khảo sát nhấn mạnh rằng 32,8% nạn nhân xác định bạn bè của họ là thủ phạm chính, tiếp theo là người lạ với 29,4% và những cá nhân họ gặp trực tuyến với 13,1%.
Sự phổ biến của những nội dung có hại trên không gian mạng là một mối lo ngại khác được nêu trong kết quả khảo sát, với 61,5% số người được hỏi cho biết họ dễ dàng tiếp xúc với nội dung bạo lực trên YouTube. Ngoài ra, hơn một nửa số người được hỏi cho biết đã gặp phải nội dung tục tĩu hoặc lời nói căm thù nhắm mục tiêu vào các nhóm cụ thể trên nền tảng đó. Thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh từ 3 đến 4 giờ mỗi ngày vào các ngày trong tuần và trung bình 6 giờ vào cuối tuần chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 21,5% và 40,1%. Các tác giả của cuộc khảo sát chỉ ra rằng thanh thiếu niên từ các hộ gia đình có thu nhập thấp có ít sự tham gia của cha mẹ vào thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của họ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị của họ.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị: "Để giảm thiểu tác hại cho thanh thiếu niên từ nội dung có hại trên không gian mạng, giáo dục kiến thức về truyền thông nên được tiến hành ngay từ khi còn nhỏ. Đồng thời, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nên được sử dụng để ngăn chặn việc tiếp xúc với nội dung có hại và cần tăng cường giáo dục truyền thông nhắm vào phụ huynh".
NYPI đã tiến hành khảo sát tổng cộng 1.038 thanh thiếu niên, bao gồm 508 học sinh trung học cơ sở, 507 học sinh trung học phổ thông và 23 thanh thiếu niên ngoài nhà trường vào tháng 11/2023.
Tags