Hàn Quốc: Người trẻ muốn nghỉ hưu sớm, người già chật vật đi làm bồi bàn, bán hàng thuê để kiếm thêm thu nhập

Thứ Năm, 12/01/2023 16:39 GMT+7

Google News

Hàn Quốc có hơn 9 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 17,6% dân số. Dù đã vào tuổi nghỉ hưu nhưng nhiều người trung niên vẫn tích cực đi làm thêm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Những người lớn tuổi đang ngày càng thay thế công việc của nhóm người trẻ trong các cửa hàng tiện lợi, quán rượu và quán cà phê tại Hàn Quốc.

Trước đây, các việc làm bán thời gian phổ biến ở xứ củ sâm vốn chủ yếu dành cho những người ở độ tuổi từ thanh, thiếu niên đến 30 tuổi. Giờ đây, những công việc mang tính chất lao động chân tay lại càng thu hút thế hệ trung niên, những người cần kiếm thêm thu nhập.

Người già đổ xô đi làm thêm

Ở tuổi 69, bà Kim Jung-mi cùng lúc làm ba công việc. Bà dành đến ba giờ những ngày trong tuần để đưa đón một bé hai tuổi đi học mẫu giáo và được trả công 9 đô la mỗi giờ, sau đó bà đến rửa rau tại một cửa tiệm bán kim chi. Thỉnh thoảng, bà nhận dắt chó đi dạo cho hàng xóm.

Người trẻ muốn nghỉ hưu sớm, người già chật vật đi làm bồi bàn, bán hàng thuê để kiếm thêm thu nhập - Ảnh 2.

Tại các cửa hàng tiện lợi hay quán rượu ở Hàn Quốc, chuyện khách hàng được phục vụ bởi các bồi bàn người cao tuổi ngày càng phổ biến. Ảnh: Insight KR

"Tôi biết mình bị trả lương thấp hơn so với một số người trẻ hơn trong khu vực. Nhưng tôi biết làm gì nếu không nắm lấy cơ hội này", bà Kim cho biết. Bà nói bà hạnh phúc với việc làm hiện tại, dù chỉ là người quét dọn.

Với những công việc như vậy, bà Kim không được hưởng bất kỳ phúc lợi xã hội nào hoặc được tăng lương khá một chút. Những công việc như vậy cũng không giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân của Hàn Quốc, vì nhiều người trong độ tuổi như bà Kim đang làm việc để thoát nghèo. Với họ, ráo mồ hôi thì hết tiền.

Gần đây, một quán bia ở Gangman-gu, Seoul, địa điểm ăn uống được nhiều người trẻ tìm đến, đã thuê người đàn ông 54 tuổi và phụ nữ 63 tuổi làm bảo vệ, phụ bếp bán thời gian, với mức lương 12.500 won (235.000 đồng) mỗi giờ.

Ông Lee (45 tuổi) chủ cửa hàng nói rằng đây là lần đầu thuê nhân viên ngoài 50 tuổi làm việc. "Nhiều người trẻ đã nghỉ sau khi làm 1-3 tháng. Họ không còn muốn làm công việc bán thời gian, điều này khiến tôi phải đăng tin tuyển người không yêu cầu độ tuổi", ông Lee nói.

Anh Jo, 30 tuổi, chủ một cửa hàng tiện lợi ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi, nói rằng đã thuê một người đàn ông 67 tuổi làm ca đêm.

"Người trẻ có xu hướng nghỉ làm ngay khi tìm được công việc toàn thời gian, nhưng người già lại trách nhiệm và làm việc lâu hơn. Nếu có thể, tôi sẽ thuê thêm một nhân viên lớn tuổi khác", người này nói.

Lee Chang-ho, thành viên của Hiệp hội các chủ quán rượu và nhà hàng, nói: "Cứ 5 quảng cáo việc làm được đăng lên thì có 4 ứng viên ứng tuyển là người cao tuổi".

Người trẻ muốn nghỉ hưu sớm, người già chật vật đi làm bồi bàn, bán hàng thuê để kiếm thêm thu nhập - Ảnh 3.

Những người trung tuổi và cao tuổi tham dự 'Hội chợ việc làm người cao tuổi Busan 2022' hồi tháng 9/2022 - Ảnh: Kim Dong-hwan

Người trẻ trốn việc, người già cần tiền để sống

Theo báo cáo của nền tảng môi giới làm việc bán thời gian Albamon hôm 8/1, gần 3,4 triệu quảng cáo làm việc bán thời gian cho người cao tuổi được tải lên website trong 8 tháng đầu năm 2022. Con số này tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước, và tăng hơn 184% so với năm 2020.

Còn theo thống kê của Alba Heaven, công ty cung cấp thông tin việc làm bán thời gian của Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của những người xin việc ngày càng già đi. Theo đó, nhóm người ở độ tuổi 50 tuổi đi xin việc tăng 62,5%, còn với độ tuổi từ 60 là hơn 82%, so với năm 2021. Con số này trái ngược với mức tăng hơn 26% ở tất cả các nhóm tuổi.

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cũng cho thấy, số người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng 3,1% từ nửa cuối năm 2019 cho đến cuối năm 2022. Lao động trẻ giảm từ 638.000 người xuống còn 610.000, trong khi những người trên 50 tuổi tăng từ 1,4 triệu đến hơn 1,5 triệu.

Người trẻ muốn nghỉ hưu sớm, người già chật vật đi làm bồi bàn, bán hàng thuê để kiếm thêm thu nhập - Ảnh 4.

Tỷ lệ người già nghèo ở Hàn Quốc trên 40%, do đó họ mong mỏi có việc mà làm đến chí ít là năm 73 tuổi

Sự gia tăng của số lao động là người trung niên và cao tuổi có liên quan đến thực tế là lớp trẻ đang trốn tránh các công việc bán thời gian, ưu tiên giờ giấc linh hoạt như shipper giao hàng cho các ứng dụng đồ ăn. Trong khi đó, lớp người về hưu muốn thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Điều này khiến các nhà hàng, quán cà phê không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuê người già làm việc.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng dần nhận lợi thế của việc thuê lao động lớn tuổi, do nhóm này đáng tin cậy, làm việc điềm tĩnh và tỉ mỉ hơn.

Hiện, các cổng tìm kiếm việc làm cũng nhanh chóng thay đổi để phục vụ cho những người già có nhu cầu đi làm. Quảng cáo tìm việc làm bán thời gian không giới hạn độ tuổi xuất hiện thường xuyên, trong khi ngày càng có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Một nhân viên tại cổng thông tin việc làm cho biết: "Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số thường được giáo dục tốt. Điều này giúp họ có thể xử lý nhiều loại công việc hơn so với thế hệ trước, trong khi các vị trí yêu cầu giao tiếp với khách hàng như bồi bàn hoặc công việc văn thư đang trở nên dễ dàng hơn với ứng viên lớn tuổi".

Lý do giới trẻ Hàn Quốc thay đổi thị hiếu lựa chọn việc làm

Nguyễn Phượng (Theo Chosun Ilbo)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›