(Thethaovanhoa.vn) – Man United hiện tại đang sở hữu hàng công được đánh giá cao với những cái tên gồm Romelu Lukaku, Anthony Martial, Marcus Rashford và Zlatan Ibrahimovic. Nhưng ở những giai đoạn trước, hàng công của họ còn đáng sợ hơn.
- Man United cần làm gì trong những ngày cuối thị trường chuyển nhượng?
- Ibrahimovic trở lại, Man United càng thêm lợi hại
- Man United sẽ đá với đội hình nào khi Ibra trở lại?
Sau 3 vòng đầu tiên ở Premier League mùa này, Man United đã ghi tới 10 bàn thắng, nhiều nhất tính tới hiện tại. Kết quả này đến từ sự đầu tư 75 triệu bảng để chiêu mộ Romelu Lukaku từ Everton. Tiền đạo người Bỉ đã đóng góp 3 bàn thắng. Cùng với đó, “Quỷ đỏ” còn có sự bùng nổ của Martial và Rashford. Chưa kể thời gian tới, đội chủ sân Old Trafford sẽ có sự phục vụ trở lại của Ibrahimovic. Tiền đạo người Thụy Điển vừa ký vào bản hợp đồng gia hạn hợp đồng 1 năm với Man United.
Lúc này, hàng công Man United là sự kết hợp của kinh nghiệm và sức trẻ. Trước đây, “Quỷ đỏ” cũng luôn khiến đối thủ khiếp sợ khi có trong đội hình những sát thủ đẳng cấp thế giới.
1992-1994: Cantona/Hughes/McClair
Quay trở lại thời kỳ đầu những năm 90 khi Sir Alex Ferguson đoạt 2 danh hiệu Premier League đầu tiên ở các mùa 1992-93 và 1993-94. Tiền đạo chính của họ khi đó là Mark Hughes. Ông đóng góp lần lượt 15 và 12 bàn thắng vào 2 chức vô địch Premier League kể trên của Man United.
Scot Brian McClair khi đó là một tiền đạo dự bị. Vào tháng 11/1992, HLV Ferguson chiêu mộ Eric Cantona từ Leeds. Sau này, Cantona được đánh giá là vụ chuyển nhượng thành công nhất của HLV người Scotland.
Tiền đạo người Pháp chỉ ghi vỏn vẹn 9 bàn trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho Man United nhưng lập công tới 25 lần ở mùa giải tiếp theo. Thành tích của Cantona đồng thời cũng giúp Man United đăng quang tại FA Cup.
Đánh giá: 7,5/10
1998-1999: Yorke/Cole/Sheringham/Solskjaer
Mùa giải 1998-99 sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ Man United. Đó là năm “Quỷ đỏ” có cú ăn 3 lịch sử, Premier League, FA Cup và Champions League. Họ đã ghi hàng tá bàn thắng với phong cách tấn công nhanh đầy hấp dẫn.
Trong đội hình của họ, Andy Cole đã gia nhập đội bóng từ Newcastle vào tháng 1/1995. Ở mùa giải 98-99, anh đã ghi tổng cộng 24 bàn thắng. Andy Cole là cặp bài trùng ăn ý với Dwight Yorke. Tiền đạo người Trinidad và Tobago gia nhập Man United từ Aston Villa vào đầu mùa giải với mức giá 12,6 triệu bảng. Mùa giải năm đó, Yorke ghi tới 29 bàn.
Trên băng ghế dự bị, Man United còn có 2 sự lựa chọn chất lượng là Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer. Với 4 tiền đạo, HLV Ferguson khi đó dễ dàng thực hiện chính sách xoay tua. Thậm chí, Solskjaer và Sheringham còn là hai người ghi bàn trong cuộc lội ngược dòng thần kỳ của Man United trước Bayern Munich ở trận chung kết Champions League.
Đánh giá: 9,5/10
2002-2004: Van Nistelrooy/Solskjaer/Forlan/Saha
Tiền đạo người Hà Lan Van Nistelrooy gia nhập Man United từ PSV năm 2001. Sau 219 lần ra sân, anh ghi được 150 bàn thắng. Ở mùa giải 2002-03, Van Nistelrooy đã ghi tổng cộng 44 bàn thắng trên mọi mặt trận cho “Quỷ đỏ”. Ở mùa giải tiếp theo, con số này của anh là 30 bàn.
Ở màu giải 2002-03, Solskjaer ghi được 15 bàn thắng nhưng tầm ảnh hưởng của anh ở Man United đã suy giảm nhiều khi đội bóng chiêu mộ thêm Diego Forlan và Louis Saha. Tuy nhiên, cả hai cầu thủ này đều không có khả năng ghi bàn ấn tượng như Van Nistelrooy.
Đánh giá: 7/10
2007-2009: Rooney/Ronaldo/Tevez/Berbatov
Đây được coi là hàng công xuất sắc thứ 4 của Man United dưới triều đại Sir Alex Ferguson. Với những cái tên này, Man United đã xưng vương ở cả châu Âu lẫn quốc nội. Chìa khóa quan trọng để dẫn tới thành công của “Quỷ đỏ” giai đoạn này chính là Cristiano Ronaldo. Siêu sao Bồ Đào Nha càng chơi càng hay và khiến mọi hàng thủ phải khiếp sợ.
Mùa 2007-08, Man United giành cú đúp Premier League và Champions League. Ronaldo đóng góp 42 bàn thắng trên mọi đấu trường. Ở mùa giải tiếp theo, anh ghi được 26 bàn. Chia sẻ trọng trách ghi bàn với Ronaldo còn có người bạn thân Wayne Rooney. Trong 2 mùa giải trên, Rooney lần lượt ghi được 18 và 20 bàn thắng. Trong khi đó, con số này của Carlos Tevez lần lượt là 19 và 15 bàn.
Mùa 2008-09 thì họ có thêm Berbatov, hàng công trở nên đa dạng hơn. M.U lại vô địch Premier League và lọt vào Chung kết Champions League, nhưng lại để thua Barca.
Đây là thế hệ hàng công đem lại lối chơi tốc độ và đầy phấn khích cho Man United. Họ có sức mạnh để loại bỏ mọi đối thủ.
Đánh giá: 9/10
2012-13: Van Persie/Rooney/Hernandez
Đây là hàng công cuối cùng của triều đại Sir Alex Ferguson. Đây cũng là đội hình gần nhất đem lại chức vô địch Premier League cho “Quỷ đỏ”.
Tân binh Van Persie khiến Man United phải bỏ ra 22,5 triệu bảng nhưng với 26 bàn thắng có được trong mùa giải đó, anh tự biến mình thành món hời của Man United. Trong khi đó, Wayne Rooney vẫn duy trì phong độ ổn định với 16 bàn thắng. Điều bất ngờ là Javier Hernandez hay còn gọi là Chicharito đã có tới 18 bàn thắng. Lúc anh mới đến Old Trafford, ít người biết đến anh. Nhưng Chicharito không mất nhiều thời gian để cho thấy mình là sát thủ đích thực.
Đánh giá: 8/10
2017-18: Lukaku/Ibrahimovic/Martial/Rashford
Thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson, đây là hàng công chất lượng nhất của Man United. Hàng công này loại Lukaku ra thì đã mang lại chức vô địch Europa League. Khi có thêm tiền đạo người Bỉ, sức cạnh tranh của Man United tại Premier League và Champions League tăng lên đáng kể.
Lukaku có thể hiện to khỏe. Anh cho thấy mình hoàn toàn có thể thay thể Ibrahimovic trong vai trò mũi nhọn của “Quỷ đỏ”. Trong khi đó, tốc độ của Rashford và Martial tăng khả năng chuyển hóa cơ hội của Man United lên rất nhiều trong những lúc Ibrahimovic vắng mặt.
Đánh giá: 8,5/10
Hiệp Hoàng
Tổng hợp
Tags