(Thethaovanhoa.vn) - Tiền đạo Việt kiều chưa đáp ứng được yêu cầu và chuyện trở về hay không vẫn “mù tăm”, cánh cửa cho chân sút nhập tịch cũng đóng lại, trong lúc các trung phong nội gặp vấn đề về phong độ, HLV Park Hang Seo hẳn sẽ có lý do để lo lắng khi đội tuyển Việt Nam hội quân vào đầu tháng 6 tới.
Nói rằng hàng công của đội tuyển Việt Nam khủng hoảng cũng chỉ đúng phần nào. Chính xác hơn, con người đang đá vị trí đó không thiếu. Cái thiếu chỉ nằm ở chỗ, họ đang “cùn” đi, bởi nhiều lý do. Chấn thương gặp phải, phong độ trồi sụt. Đấy mới làm ông Park đau đầu.
Cuối tuần vừa rồi, Nguyễn Tiến Linh ra sân chơi được gần 1 giờ đồng hồ trong trận HAGL - B.Bình Dương. Lúc rời sân, tiền đạo này để lại nỗi thất vọng hiện rõ trên gương mặt của trợ lý Lee Young Jin trên khán đài.
Còn chấn thương âm ỉ đã khiến Hà Đức Chinh vẫn được sử dụng mà như Đà Nẵng đá chấp người trên sân. 10 trận, Đức Chinh cũng chỉ có 1 pha lập công. Trong khi đó, tại Incheon United, Công Phượng gần như mất dạng vì làm quen với băng ghế dự bị nhiều hơn. Thi thoảng những lần ra sân, Công Phượng được kéo về tuyến giữa, chứ không được chơi ở vị trí tiền đạo quen thuộc.
Với cặp “song Đức” (Nguyễn Anh Đức - Phan Văn Đức) thì người đã nói lời chia tay đội tuyển, người chưa biết khi nào trở lại với sân chơi V-League. Tín hiệu vui, chỉ còn có ở Văn Toàn.
Nỗi lo của ông Park là có thực, khi không chỉ hàng công bỗng dưng mất vuốt. Ở đó, nhiều trụ cột của đội tuyển cũng tự dưng bỏ quên phong độ của mình đâu đó sau vài tháng về chơi giải quốc nội.
Câu hỏi được đặt ra lúc này, liệu khi trở lại dưới trướng của HLV người Hàn Quốc, những cái tên vừa kể, sẽ bật vọt trở lại? Hay ông Park đang có những phương án thủ sẵn để giải quyết câu chuyện này?
Thời gian qua, dù cho quân đá theo sơ đồ chiến thuật nào (3-4-3 hay 3-5-2), HLV Park Hang Seo luôn sử dụng một trung phong cắm với nhiệm vụ "chim mồi" để càn lướt, quấy rối trước hàng phòng ngự đối phương và làm tường cho đồng đội.
Nhưng với thực tế phong độ của các chân sút nói trên, ai sẽ làm thay nhiệm vụ của họ ở King's Cup 2019? Có thể, đội tuyển sẽ chơi khác đi, với những miếng đánh khác đi, nhằm tìm đáp án hữu hiệu. Đội tuyển quốc gia hay U23 thời gian qua, vẫn có bàn thắng đến từ tuyến 2 hoặc trung vệ lên tham gia ghi bàn đấy thôi.
Điều này cho thấy sức công phá của đội tuyển Việt Nam trải đều ở các tuyến mà không tập trung vào một vị trí nào. Xu thế hiện nay của bóng đá thì việc ghi bàn không chỉ gói gọn ở các tiền đạo mà được mở rộng cho tiền vệ lẫn hậu vệ.
Dưới thời ông Park Hang Seo, xu thế ấy từng nhiều lần được phát huy. Biết đâu đấy, đó cũng là yếu tố bất ngờ mà ông Park sẽ mang đến. Và lúc này, với một Văn Toàn biết cách ghi bàn, cũng là giải pháp căn cơ cho toan tính của đội tuyển.
Trong quá khứ, khi làm việc với đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam, ông Park từng nhiều lần đối mặt với việc các trung phong đánh rơi phong độ, tậm tịt trong việc ghi bàn.
Và ông Park giải bài toán khó ấy bằng cách đề ra lối chơi thiên về tính tập thể. Đá phòng ngự phản công dựa trên sự đa dạng và biến hóa của các nhân tố xuất sắc nơi hàng tiền vệ. Phối hợp nhóm hoặc ghi bàn từ các tình huống cố định. Chúng ta có thể tin rằng “trong cái khó, ló cái khôn”, để ông Park cùng học trò đa dạng trong mảng miếng với những phương án như thế.
King’s Cup, suy cho cùng, cũng chỉ giải đấu giao hữu. Không loại trừ khả năng HLV Park Hang Seo sẽ có thử nghiệm mới cho những con người mới cùng vị trí mới.
Đặt giả thiết, nếu có thất bại, đội tuyển Việt Nam cũng chưa hẳn đã mất gì. Nhưng qua đó, đằng sau thử nghiệm, biết đâu tìm ra nhân tố phù hợp, đội bóng của ông Park sẽ được lợi rất nhiều cho chiến dịch vòng loại World Cup 2022 cùng SEA Games sau đó không lâu.
Với ông Park và đội tuyển, mọi thứ sẽ lộ dần ra sau bản đá nháp lần này.
Trần Tuấn
Tags