Hang động Sterkfontein nổi tiếng thế giới, thuộc khu Di sản thế giới UNESCO - cái nôi của nhân loại ở Nam Phi - mở cửa trở lại vào ngày 15/4. Hang đã buộc phải đóng cửa từ tháng 7/2022 vì lũ lụt.
Theo tiến sĩ Beverley Damonse của Đại học Witwatersrand (Nam Phi), các hoạt động cải tạo bao gồm khôi phục lối vào bị hư hại do lũ lụt và các công việc bảo trì khác, bao gồm cả hàng rào mới.
Chìa khóa của lịch sử loài người
Sterkfontein (trong tiếng Afrikaans có nghĩa là "dòng suối mạnh mẽ") là quần thể hang động đá vôi có giá trị rất lớn trong ngành cổ nhân loại học. Hang nằm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi.
Sterkfontein được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2000. Khu vực mà nó tọa lạc được gọi là "cái nôi của nhân loại", bao gồm nhiều địa điểm khảo cổ nổi tiếng khác như Swartkrans và Kromdraai.

Địa điểm khai quật Sterkfontein phơi bày các trầm tích cổ xưa và chứa hóa thạch Australopithecus
Ngày nay, Sterkfontein là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã châu Phi, bao gồm Belonogaster petiolata - một loài ong bắp cày nguyên thủy. Ngược lại nhiều triệu năm trước, đây là nơi sinh sống của nhiều giống người tiền sử, bao gồm Australopithecus (chi vượn người phương Nam), Homo (chi người) và Paranthropus (chi vượn người cổ đại) thời kỳ đầu.
Hành trình khai quật Sterkfontein theo phương pháp hiện đại bắt đầu vào cuối những năm 1890, khi những người thợ mỏ đá vôi phát hiện ra hóa thạch của nhiều loài động vật khác nhau. Việc thu thập hóa thạch khi này diễn ra tản mát, chưa có hệ thống.
Bước ngoặt diễn ra vào năm 1924. Khi đó, nhà cổ sinh vật học Raymond Dart, là giáo sư tại Đại học Witwaterrand, đang trên đường đến dự một đám cưới thì nhận được 2 chiếc hộp từ một người quản lý mỏ đá tại thị trấn Taung, Nam Phi.
Những chiếc hộp này chứa hàng loạt hóa thạch, trong đó có hộp sọ sau này được gọi là "đứa trẻ Taung", ra đời từ khoảng 2,8 triệu năm trước. Mặc dù hóa thạch này có những đặc điểm giống vượn, nhưng vị trí của lỗ chẩm, cho phép tủy sống và não gặp nhau, đã thuyết phục Dart rằng đứa trẻ này đã đi thẳng đứng như con người.

Giáo sư Raymond Dart cầm trên tay hộp sọ của đứa trẻ Taung
Dựa theo phân tích men răng, đứa trẻ này khoảng 3 hoặc 4 tuổi. Dựa theo những tổn thương ở hộp sọ và hốc mắt, đứa trẻ này có thể đã bị một con đại bàng hoặc một loài chim săn mồi lớn quắp đi rồi để rơi xuống mạng lưới các hang động đá vôi ngầm.
Trên tạp chí Nature vào năm 1925, giáo sư Dart miêu tả đây là loài mới, đặt tên là Australopithecus africanus (chi vượn người phương Nam ở châu Phi), và coi đó là mắt xích còn thiếu giữa vượn và người.
Ngày nay, hộp sọ Taung được coi là "hóa thạch nhân chủng học quan trọng nhất của thế kỷ 20", được lưu giữ tại Đại học Witwatersrand. Nhưng thời điểm đó, tuyên bố của Dart đã vấp phải nhiều sự hoài nghi, vì người ta vẫn tin rằng loài người có nguồn gốc từ châu Âu hoặc châu Á.
Năm 1936, tại Sterkfontein, tiến sĩ Robert Broom từ Đại học Witwatersrand, người từng là sinh viên của giáo sư Dart, đã bắt đầu các cuộc khai quật phối hợp. Trong các hang động, ông đã tìm thấy hóa thạch xương chậu người Australopithecine trưởng thành đầu tiên, xác nhận rằng Australopithecus africanus thực sự đã đi thẳng.
Điều này giúp củng cố tuyên bố của thầy ông rằng hộp sọ của đứa trẻ Taung là tổ tiên của loài người và đưa châu Phi vào bản đồ của hominin (tông người) săn bắn thời kỳ đầu.
Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện ra hàng trăm hóa thạch hominin ở Taung và Sterkfontein, càng làm vững mạnh cho lý thuyết rằng con người và tổ tiên của họ có nguồn gốc từ châu Phi.
Năm 2000, UNESCO đã công nhận khu vực này là Di sản thế giới, gọi đây là "cái nôi không thể tranh cãi của nhân loại".

Tượng tạc giáo sư Robert Broom cầm trên tay hộp sọ bà Ples
Khó có nơi nào sánh bằng
Quá trình khai quật Sterkfontein từng gián đoạn trong Thế chiến II. Tới năm 1947, tiến sĩ Broom lại tiếp tục công cuộc. Một trong những phát hiện lớn nhất của ông khi đó là hộp sọ của một cá thể cái trưởng thành, nay thường được biết đến với cái tên "bà Ples", có niên đại khoảng 2,35 triệu năm.
Do sử dụng thuốc nổ và cuốc chim khi khai quật, hộp sọ bà Ples bị nổ thành nhiều mảnh và một số mảnh đã mất. Tuy nhiên, hộp sọ này hiện vẫn là 1 trong những hộp sọ tiền con người "hoàn hảo" nhất từng được tìm thấy. Nó hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Ditsong ở Pretoria, Nam Phi.
Hộp sọ của bà Ples có dung tích nhỏ, dù bà đi thẳng, cho thấy rằng việc di chuyển bằng 2 chân đã có từ trước khi kích thước não tăng lên.

Nhà cổ nhân loại học Ronald J. Clarke bên bộ xương bàn chân nhỏ
Một trong những di chỉ rất nổi tiếng nữa được tìm thấy tại Sterkfontein là "bàn chân nhỏ", niên đại có thể lên tới 3,67 triệu năm. Đây là bộ xương hóa thạch Australopithecus gần như hoàn chỉnh, được nhà cổ nhân loại học nổi tiếng Ronald J. Clarke tìm thấy trong giai đoạn 1994 - 1998.
Các cuộc khai quật vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hiện tại, ở Sterkfontein, tổng cộng đã tìm thấy hơn 800 hóa thạch loài người, đưa Sterkfontein trở thành 1 trong những địa điểm phong phú nhất trên thế giới về lịch sử loài người thời kỳ đầu.
Quỹ khoa học nhân chủng học cổ đại (PAST), một quỹ tín thác phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1993, là nơi tài trợ cho hơn 90% nghiên cứu được thực hiện tại Sterkfontein và đóng vai trò quan trọng trong việc đề cử nơi này thành Di sản thế giới.
Các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ra hơn 300.000 hóa thạch từ các loài động vật khác, bao gồm linh trưởng, động vật ăn thịt, trâu bò, động vật có vú nhỏ, chim, voi và một số loài động vật lớn đã tuyệt chủng.
Gỗ và các vật liệu hữu cơ khác hiếm khi tồn tại trong hồ sơ khảo cổ học, nhưng các điều kiện tại Sterkfontein đã cho phép khoảng 300 mảnh gỗ còn sót lại. Sau khi nghiên cứu gỗ hóa thạch, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định rằng môi trường sống tại Sterkfontein khoảng 2,6 triệu năm trước bao gồm sự kết hợp giữa rừng nhiệt đới và môi trường sống thảo nguyên.
Sự đa dạng tại Sterkfontein là vô song, đưa nơi đây trở thành địa điểm có tầm quan trọng đặc biệt trong cả lịch sử loài người lẫn tự nhiên. Với một chuỗi các trầm tích có niên đại từ cách đây 3,67 triệu năm đến 250 ngàn năm trước, nơi đây ghi lại sự tiến hóa của cảnh quan, môi trường, động vật và con người.
Dominic Stratford, 1 trong những nhà nghiên cứu chính tại Sterkfontein, cho biết: "Thực sự không có địa điểm nào khác giống như nơi này, ở bất kỳ đâu".
Tham quan Sterkfontein
Với bề dày lịch sử như vậy, Sterkfontein là điểm thu hút hàng chục ngàn khách du lịch tới tham quan mỗi năm. Tới đây, du khách có thể đến thăm nơi đã tìm ra bàn chân nhỏ, bà Ples cùng nhiều hóa thạch nổi tiếng khác. Ngoài ra, tại Trung tâm Maropeng gần đó, du khách có thể tham dự nhiều triển lãm về lịch sử sự sống, từ vụ nổ lớn đến quá trình tiến hóa của loài người, khám phá ra lửa và sự lan rộng của con người trên khắp các châu lục.
Trước đây, không có nhiều báo cáo về tình trạng an toàn ở Sterkfontein. Tuy nhiên, tới tháng 7/2022, do lượng mưa lớn, các lo ngại về an toàn được đặt ra. Do đó, Sterkfontein đã đóng cửa và chỉ vừa mở lại vào ngày 15/4 vừa qua.
Tags