Trong 9 hạng mục của Giải Âm nhạc Cống hiến năm nay, Nghệ sĩ mới của năm được xem là hạng mục chứa đựng nhiều sức sống, sự tươi mới của những người trẻ. 5 nghệ sĩ trẻ gồm Mỹ Anh, Madihu, Wren Evans, Mono và Tăng Duy Tânđang trong cuộc đua để đi đến chiến thắng cuối cùng ở hạng mục này.
Khi những người trẻ đang bước vào thế giới âm nhạc muôn màu sắc với nguồn năng lượng dồi dào và tư duy sáng tạo, họ không chỉ đem đến cho người nghe những xu hướng hiện đại của âm nhạc mà còn biết cách truyền cảm hứng cho thế giới xung quanh từ chính cách mà họ thể hiện.
Nghệ thuật đến từ "gốc"
Về 5 đề cử của hạng mục này, một điểm chung dễ nhận thấy là các nghệ sĩ trẻ đều được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục hoàn hảo từ gia đình đến nhà trường. Bên cạnh đó là sự thừa hưởng mang tính "kế thừa" dòng máu nghệ thuật từ truyền thống gia đình.
Có thể kể đến Mỹ Anh - con gái nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh, Madihu - cháu ruột nhạc sĩ Giáng Son hay Wren Evans - cháu trai của NSƯT Phan Muôn. Mono hay Tăng Duy Tân cũng vậy - cả hai đều sống trong những gia đình theo truyền thống âm nhạc. Tất cả các nghệ sĩ trẻ đã có một điều kiện cơ bản và một nền tảng tốt giúp cho họ phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp ngay từ những bước chân đầu tiên vào nghề.
Nhưng bên cạnh đó, họ cũng phải vận động bản thân rất nhiều để tạo dựng cái tôi riêng, không bị trộn lẫn vào một "rừng cây".
Mono dù có một sản phẩm debut gây chú ý không có nghĩa anh nhanh chóng được công chúng đón nhận. Thời gian đầu, đi đâu anh cũng chỉ được giới thiệu là "em trai Sơn Tùng M-TP". Với MV Waiting for you, Mono nhận về những ý kiến trái chiều khi bị cho rằng âm nhạc và hình ảnh chưa ăn "khớp". Nhưng chính từ sự tranh cãi đó, anh đã khiến khán giả lắng nghe ca khúc của mình nhiều hơn và từng bước chinh phục các bảng xếp hạng, các giải thưởng từ sản phẩm này.
Cũng như Mono, Mỹ Anh - nữ ca sĩ - nhạc sĩ đa tài đã nhận về những đánh giá khắt khe từ công chúng từ những ngày đầu ra mắt cũng chỉ bởi âm nhạc mà cô theo đuổi chưa thực sự thịnh hành và trở nên "quen tai" ở Việt Nam.
Hóa ra, không phải cứ con nhà nòi là được ưu ái như mọi người "tưởng". Ở một góc độ nào đó, sự "soi xét" của cả khán giả và giới chuyên môn dành cho những nghệ sĩ nàygây áp lực lớn cho họ. Nhưng với bản lĩnh, họ vẫn tiếp tục tạo dựng con đường riêng của mình. Chính vì thế, dù không cho ra mắt nhiều sản phẩm nhưng kể từ MV đầu tay You got, vị trí á quân tại The Heros cho đến MV mới nhất: Mỗi khi anh nhìn em, Mỹ Anh đã có những bước tiến mới khiến người nghe có thể thấy "lạ" nhưng "chất".
Với Tăng Duy Tân, từ một hiện tượng mạng, trở thành một ca sĩ triển vọng là một hành trình không dài nhưng không quá ngắn. Trước đó, anh cũng đã từng phải theo chân người anh họ - ca sĩ Tùng Dương - để học hỏi nhiều năm. Nhưng khi ra sản phẩm đầu tay, Tăng Duy Tân vẫn gần như mờ nhạt.
Chỉ sau những ca khúc đạt triệu view như Tình đầu, Ngây thơ (2020), Tăng Duy Tân mới thực sự được chú ý. Đỉnh cao là ca khúc Bên trên tầng lầu đã gây sốt toàn mạng xã hội với hàng chục triệu view trên nhiều nền tảng số trong thời gian ngắn và bây giờ là con số hàng tỷ view, nếu tính trên tất cả các nền tảng. Các sản phẩm của Tăng Duy Tân đã dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc từ trong nước đến thế giới như Top Vietnamese Songs, Hot 100 của Billboard Việt Nam, Top thịnh hành YouTube thế giới…
Nói như vậy để thấy hành trình đến với thành công ở từng nghệ sĩ trẻ không phải diễn ra "chớp nhoáng". Nhưng như một hệ quả tất yếu, khi các nghệ sĩ trẻ đã chinh phục được nhiều đối tượng thì không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế cũng sẵn sàng lắng nghe và dành những đánh giá tích cực cho họ.
Để có được những thành công như vậy, những người trẻ đã phải lao động với số thời gian hầu hết dành cho âm nhạc. Việc họ "chìm đắm" trong âm nhạc đến mức sống khép kín, không ra ngoài, ít giao du, không sử dụng mạng xã hội là có thật.
Xu hướng độc lập, tự chủ
Âm nhạc mà thế hệ trẻ trong Top 5 Đề cử Nghệ sĩ mới của năm khá sôi động, mạnh mẽ và hiện đại với sự đa dạng đến từ nhiều thể loại, nhiều dòng nhạc khác nhau như pop, R&B, funk, acoustic, disco, boogie, bossa nova,…
Việc không cố định theo đuổi một dòng nhạc nào đã giúp cho họ phát huy được khả năng sáng tạo của mình mà không bị giới hạn vàocác thể loại. Với một thị trường rộng mở, khán giả cũng đa dạng và nhiều "đòi hỏi" như hiện nay thì đây là một sự lựa chọn tối ưu của các nghệ sĩ trẻ.
Tuy nhiên, việc "làm dâu trăm họ" cũng là thử thách dành cho các nghệ sĩ trẻ. Nhất là khi cái tôi của lứa tuổi này rất dễ "trỗi dậy". Thường họ sẽ chọn làm những điều mình muốn và thích, nhưng cũng rất mừng là ở những đề cử này, họ đã biết cách cân bằng giữa khán giả và bản thân.
Các gương mặt như Tăng Duy Tân, Mono, Madihu đều chọn cách viết lời sao cho dễ nhớ, viết nhạc sao cho dễ thuộc. Việc các ca khúc tiếng Việt nhưng có một vài từ quốc tế hay cách diễn đạt âm nhạc bằng lối sống tiêu dùng, thói quen sinh hoạt hàng ngày của người trẻ hiện nay cho thấy những nghệ sĩ đã "hóa thân" làm nhà tâm lý học,vô cùng hiểu khán giả, giúp khán giả nhớ đến mình lâu hơn. Còn với các khâu khác để cho ra một sản phẩm âm nhạc thì họ lại thể hiện cái tôi rất mạnh.
Nghe như một sự tương phản nhưng lại khá thú vị: Trong khi sản phẩm của các nghệ sĩ trẻ chứa đựng yếu tố phức hợp của âm nhạc thì cách mà họ thực hiện lại khá độc lập và "cô đơn".
Như Mỹ Anh, đề cử nữ duy nhất trong hạng mục Nghệ sĩ mới của năm, cũng là một nghệ sĩ trẻ đa tài, cô chọn hành trình mở đầu và kết thúc cho một sản phẩm ra mắt công chúng trong một quy trình "khép kín", tự mình làm chủ, từ việc viết nhạc, sáng tác ca từ, làm beat, hát, dựng sản phẩm cho đến sản xuất…
Wren Evans hay Mono và Madihu cũng vậy. Các nghệ sĩ gần như làm hết các công đoạn và chỉ bắt tay cùng với một producer hoặc một ê-kíp để đưa sản phẩm ra mắt thị trường. Đó là sự chuyên nghiệp "đúng lúc, đúng chỗ". Họ biết cách tạo ra giá trị riêng cho mình, đồng thời biết cách tìm đường ra hiệu quả cho sản phẩm.
Chưa dừng ở đó, với người trẻ, đam mê không phải là một tính từ xa lạ nhưng kỷ luật thì có vẻ như ít được gắn liền với họ bởi có những mặc định ở tuổi trẻ như tự do, phóng khoáng… Song, nhìn vào hoạt động của các đề cử tại hạng mục này, có lẽ tự do chính là kỷ luật. Như Wren Evans hay Madihu luôn đặt ra những kỷ luật khi làm việc như đưa ra số lần thực hiện các bản demo hay deadline để hoàn thành các mục tiêu trong thời gian nhất định.
Từ cách làm việc đến ý thức làm nghề chuyên nghiệp như vậy khiến họ còn tự chủ khi mở ra các phòng thu và làm việc như một ông chủ. Nếu không, những công ty, các hãng sản xuất âm nhạc cũng luôn để mắt tới và đề nghị họ "đầu quân" cho mình. Nhờ đó, cơ hội để những nghệ sĩ trẻ tiệm cận với thị trường thế giới là trong tầm tay.
Người xưa có câu "con hơn cha" rất đúng cho lớp thế hệ trẻ này bởi những gì họ làm được thời gian qua đã khiến nhiều bậc cha chú phải thừa nhận: Họ đã có những sự bứt phá so với lớp đàn anh, đàn chị.
Sự hoàn thiện của tuổi trẻ
Trở lại bảng đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm tại Cống hiến 2023, 5 gương mặt nghệ sĩ thế hệ Gen Z cho thấy họ hội tụ rất nhiều tố chất của những ngôi sao tương lai trong thị trường âm nhạc Việt thời gian tới.
Sự tự chủ của họ trong âm nhạc chính là cách mà họ dẫn dắt công chúng. Bản sắc của họ là thứ giúp họ chiếm lĩnh được thị trường. Và cuối cùng, tạo ra xu hướng, họ mở rộng con đường của mình không giới hạn. Nhưng điều đáng ngưỡng mộ là: Tuy đang trên bước đà của thành công nhưng những người trẻ vẫn biết lắng nghe, khiêm tốn và chịu học hỏi.
Công chúng tiếp tục bầu chọn Cống hiến 2023
Giải Cống hiến Âm nhạc 2023 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã công bố 45 đề cử trên 9 hạng mục. Trong đó, các đề cử của 5 hạng mục (MV của năm, Bài hát của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm, Nữ ca sĩ của năm) tiếp tục lấy "sao" bình chọn của công chúng trên Bvote, để kết hợp với phiếu bầu của các nhà báo nhằm tìm ra người chiến thắng cuối cùng.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài đến Lễ trao giải (dự kiến cuối tháng 3). Chi tiết xem trênhttps://giaithuongconghien.bvote.vn/
Giải thưởng năm nay có sự đồng hành của Công ty CP Truyền thông Havis Việt Nam.
Tags