Ngày Rằm tháng Giêng năm nay (ngày 15 Âm lịch) rơi vào dịp cuối tuần nên hầu hết đơn vị kinh doanh từ nhà bán lẻ đến hàng quán phục vụ món chay đều tăng cường nguồn cung hàng hóa để đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.
Đồng thời, nhiều nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng ẩm thực... còn đa dạng hoạt động kích cầu tiêu dùng, cũng như những thực đơn hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Cụ thể, ngay từ sáng ngày 4/2 (ngày 14 Âm lịch), số lượng khách đổ về những hàng quán kinh doanh món chay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đông gấp hai và ba ngày thường. Đặc biệt, một số điểm kinh doanh điểm tâm sáng cũng chuyển sang phục vụ thực đơn chay trong hôm nay và ngày mai (ngày 15 Âm lịch), thay vì bán món mặn như ngày thường.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Thái Hà, chủ cửa hàng ẩm thực trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dịp Rằm tháng Giêng năm nào cũng phục vụ thực đơn chay trong hai ngày 14 và 15 Âm lịch. Nếu ngày thường, cửa hàng chuyên các món mặn như bánh canh sườn, nui giò heo, hủ tiếu thập cẩm... thì thực đơn chay tập trung vào những món như bún xào giòn, bánh ướt, bún chả, bánh hỏi, chả giò...
Còn ghi nhận tại những nhà hàng kinh doanh món chay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Heal & Celeb Vegan Restaurant, METTA Vegetarian, Thiện Duyên Vegetarian Restaurant... thực khách sẽ được thưởng thức hàng trăm món chay từ Á sang Âu. Bên cạnh phục vụ khách hàng gọi món theo yêu cầu, thì hầu hết nhà chuyên kinh doanh món chay đều tung ra chương trình buffet chay vào buổi trưa và tối để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng, với không gian sang trọng, hài hòa cùng thiên nhiên.
Với thực đơn hơn 60 món chay độc đáo, buffet chay Thiện Duyên phục vụ trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng Âm lịch; còn nhà hàng Cỏ Nội giới thiệu buffet chay có hơn 40 món chay mang hương vị đặc sắc... Riêng tại khu vực phục ẩm thực nằm trong khuôn viên hay liền kề địa điểm tâm linh, chùa... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường sự phong phú món chay so với thực đơn ngày thường như gỏi cuốn, bì cuốn, cơm chiên dương châu, cà ri, lagu, gỏi ngón sen, bánh tét, bánh ú... nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân và du khách.
Theo đại diện các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng ẩm thực, lợi thế của thị trường năm nay là ngày Rằm tháng Giêng (ngày 15 Âm lịch) rơi vào dịp cuối tuần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ăn ngoài gia đình, vừa thưởng thức món chay, vừa gặp gỡ người thân, bạn bè... Về phía đơn vị kinh doanh, muốn nắm bắt cơ hội tăng doanh thu trong dịp này thìnên chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu thiên nhiên, rau củ sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như không sử dụng thực phẩm công nghiệp.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại quận 7, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ Tết Nguyên đán 2023 đến nay chưa thưởng lãm cảnh chùa, nên dịp Rằm tháng Giêng này cả gia đình đến Việt Nam Quốc Tự, quận 10, tham quan và thưởng thức món chay. Vì là thời điểm cuối tuần, nên gia đình có thể tham gia đủ thành viên và cùng nhau ăn uống đa dạng món chay thanh lọc cơ thể, từ đó lấy lại sự cân bằng trong tiêu thụ thực phẩm khi trong kỳ nghỉ Tết đã sử dụng quá nhiều thịt, cá và tinh bột.
Cùng quan điểm, bạn Gia Hân, sinh viên Trường Đại học RMIT Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài khoảng hai tuần, nên khi trở lại thành phố tiếp tục học tập thì sinh viên có nhu cầu gặp gỡ bạn bè cùng ăn uống và lì xì may mắn cho nhau. Do đó, tranh thủ dịp cuối tuần này được nghỉ học và lịch học kỳ mới cũng chưa dày, nên cả nhóm rủ nhau đi thưởng thức lẩu chay tại nhà hàng trên đường Hoàng Diệu, quận 4, Tp. Hồ Chí Minh, cũng như bổ sung nguồn thực phẩm xanh như rau củ, quả...
Trong khi đó, bắt kịp xu thế tiêu dùng ngày càng ưa chuộng lối sống xanh và một bộ phận người dân chuyển sang "ăn thuần chay" sử dụng nguyên liệu thực phẩm thiên nhiên, tất cả nhà bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp tục đẩy mạnh nguồn cung thực phẩm tươi sống ra thị trường. Khảo sát tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm như Satramart, Co.opXtra, Co.opmart, MM Mega Market, Lotte Mart, Aoen Mall... đều có nguồn cung rau, củ, quả, trái cây; thực phẩm chay đóng gói, đông lạnh và chế biến... đa dạng chủng loại trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay.
Mặt khác, hướng đến mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, một số nhà bán lẻ còn bổ sung sản phẩm nhập khẩu, chủ yếu là thực phẩm organic, thực phẩm có chứng nhận tiêu chuẩn thiên nhiên (tự nhiên)... ra thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Điều này còn cho thấy, nhà bán lẻ của kênh phân phối hiện đại không chỉ ưu tiên phục vụ đối tượng khách hàng thân thiết là các bà nội trợ, gia đình Việt, mà còn mong muốn mở rộng tiếp cận khách hàng là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay giới trẻ đã và đang có lối sống xanh - sạch.
Theo đó, ngoài những mặt hàng phổ biến dùng chế biến món chay tại nhà có nguồn gốc nội địa như nấm các loại, chả chay, cà rốt, khổ qua, cà tím; tàu hũ, tàu hũ ki, chả chay... thì người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại hạt, xà lách, rau củ, trái cây nhập khẩu để chế biến những món chay như salad, áp chảo, nướng... Đối với những gia đình thường xuyên "ăn thuần chay" cũng có thể dễ dàng chế biến những món chay mới lạ để tiệc chay cùng thưởng thức với người thân, bạn bè... từ việc kết hợp nguyên liệu nội địa và nhập khẩu.
Với tín hiệu thị trường trong những ngày đầu tháng Giêng, nhất là ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kết thúc, người dân quay lại làm việc thì doanh số tại hầu hết điểm phục vụ món chay được kéo tăng lên từng ngày, cho phép đơn vị kinh doanh kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng cao trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay.
Một số đơn vị kinh doanh cũng dự báo, sau giai đoạn gián đoạn hoạt động vì dịch COVID-19 và người dân ưu chuộng ăn ở nhà, thì bước qua năm 2023 có thể người dân sẽ trở lại xu hướng ăn ngoài gia đình nhiều hơn do tâm lý đã thích nghi linh hoạt với tình hình dịch bệnh trong nước và toàn cầu.
Tags