(Thethaovanhoa.vn) - TP. HCM vừa yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các thủ tục để khởi công chỉnh trang khu công viên 23- 9 vào đầu năm 2020 tới.
Nằm giữa thành phố, chạy dài hơn 1 km, công viên 23 - 9 từ lâu vẫn được xem như dải xanh quan trọng gắn với “mặt tiền” của đô thị. Tiền thân của nó vốn là ga xe lửa từ thời Pháp. Sau một thời gian dài gần như bị bỏ hoang, vào năm 2002, phần hàng rào bao quanh công viên được gỡ bỏ để biến nó thành một không gian mở với cây xanh nhằm phục vụ cộng đồng.
Từ chuyện cũ, tôi lại nhớ về một vấn đề từng gây tranh cãi: có nên bỏ hàng rào bảo vệ tại các công viên?
Cho đến trước thập niên 2000, rất nhiều công viên lớn trên cả nước vẫn được phân cách rõ ràng với phần không gian bên ngoài bằng một lớp hàng rào sắt. Tùy từng nơi, mỗi công viên có thể được bố trí từ 2 – 4 cổng để phục vụ người ra vào (đa phần sẽ thu vé).
Thậm chí, giai đoạn trước chuyển sang rào sắt, một số công viên còn xây tường gạch cao quá đầu người để bảo vệ. Đó là trường hợp của đoạn tường rào công viên Thống Nhất giáp với phố Nguyễn Đình Chiểu hiện nay, hoặc đoạn tường chắn giữa công viên Bách Thảo và phố Hoàng Hoa Thám.
Tình trạng ấy là hệ quả của một giai đoạn tất yếu trong quá khứ - khi việc bảo vệ trật tự, an ninh trong lòng các công viên luôn là một áp lực lớn với phía quản lý. Ngoài ra, thẳng thắn, việc xây rào cho công viên cũng là một phần của giải pháp bán vé, thu tiền ra vào tại những không gian này.
Để rồi, trong rất nhiều cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ rõ: việc xây hàng rào bao quanh như vậy chính là một cách hạn chế lượng người vào công viên – trong khi bản thân không gian bên trong cũng dễ trở nên mất an toàn, khi kẻ xấu có thể an tâm vì người bên ngoài không thể… can thiệp vào hành động của mình. Và ở một góc độ khác, là công trình phúc lợi công cộng, công viên không nên bán vé, bởi nó chỉ phát huy giá trị với xã hội khi được nhiều người sử dụng.
***
Những thống kê hiện tại cho thấy việc dỡ bỏ các rào chắn công viên bắt đầu diễn ra tại TP.HCM vào đầu thập niên 2000. Ngoài trường hợp công viên 23- 9, điều này còn diễn ra ở nhiều công viên như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ…
Như phân tích của nhiều chuyên gia quy hoạch, khi mà mảng xanh ở các khu vực trung tâm đô thị không thể … mở rộng thêm, việc tạo điều kiện để cộng đồng từ nhiều hướng đều có thể dễ dàng tiếp cận với công viên chính là lựa chọn duy nhất để phát huy giá trị từ những không gian này. Và, dần dần, việc gỡ bỏ hàng rào quanh công viên cũng xuất hiện tại một số đô thị khác – mà gần nhất là việc “mở cửa” cho các công viên ven sông Hương tại cố đô Huế vào năm 2017.
Còn tại Hà Nội, việc thu tiền vé vào công viên đã được điều chỉnh trong thời gian qua. Ngoại trừ những công viên giải trí chuyên biệt, rất nhiều công viên trên thành phố đã mở cửa tự do cho người dân ra vào (hoặc chí ít là miễn phí trong buổi sáng để vào tập thể dục). Tuy nhiên, việc gỡ bỏ hàng rào vẫn chưa được thực hiện.
Như phân tích của nhiều chuyên gia, “nút thắt” trong vấn đề này nằm ở việc bảo vệ và giữ an ninh trong công viên. Rõ ràng, khi hàng rào, việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cũng như giữ gìn an ninh cho công viên sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều – trong khi với việc bỏ bán vé ra vào lại ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của đơn vị quản lý.
Bài toán ấy chỉ có thể xử lý bằng những cơ chế phù hợp, để thu hút nguồn lực xã hội hóa. Nói cách khác, để phá bỏ hàng rào và “mở cửa” công viên cho cộng đồng, mô hình quản lý theo kiểu bao cấp đã phần nào không còn phù hợp. Trách nhiệm giữ trật tự, tôn tạo và bảo vệ công viên cũng cần được nghiên cứu và “san sẻ” cho các nhà đầu tư để đổi lấy quyền khai thác các dịch vụ trò chơi, giải trí hoặc kinh doanh – miễn là mọi thứ phải được thực hiện một cách minh bạch và khoa học.
Cúc Đường
Tags