Việc U23 Việt Nam để thủng lưới tới 7 bàn sau 2 lượt trận trước các đối thủ là hệ luỵ tất yếu bởi chiến thuật thiên về kiểm soát bóng và lựa chọn con người chưa hợp lý.
Sau 2 trận đấu tại Doha Cup 2023, U23 Việt Nam đang để thủng lưới tới 7 bàn mà chưa ghi được bàn thắng nào. Dù đây mới chỉ là giải đấu giao hữu nhưng điều này nói lên nhiều vấn đề của "những chiến binh sao vàng" dưới triều đại HLV Troussier, đặc biệt là hàng thủ.
Hệ luỵ của chiến thuật kiểm soát bóng
Ở 2 trận đấu gặp U23 Iraq và U23 UAE, U23 Việt Nam không thua thiệt quá nhiều về chỉ số cầm bóng. Thậm chí, thầy trò HLV Troussier còn nhỉnh hơn so với đối thủ về thời lượng kiểm soát bóng. Nhưng trái ngược với nó là hiệu quả của những đường chuyền cũng như sức sát thương lên hàng thủ đối phương là quá yếu.
U23 Việt Nam di chuyển nhiều, thực hiện pressing liên tục trong trận đấu với tần suất cao. Đây là tín hiệu tích cực về mặt chiến thuật, tư tưởng khi bóng đá Việt Nam đang gần tiệm cận với nhịp độ thi đấu, xu hướng, chiến thuật bóng đá thế giới. Những thay đổi này cần thiết, sau quãng thời gian HLV Park Hang Seo gần như chỉ chơi "thủ phản" ở mọi cấp độ đội tuyển.
Nhưng mặt trái của việc áp dụng chiến thuật này là nền tảng thể lực của các cầu thủ nhanh bị bào mòn nếu không tính toán thời điểm hợp lý. U23 Việt Nam thường xuyên bị đuối sức trong hiệp 2 trận đấu do cường độ vận động, tiết tấu trận luôn đẩy lên cao trong suốt thời gian thi đấu hiệp 1.
Được biết, trong thời gian tập luyện tại VFF, HLV Philippe Troussier luôn có 1 buổi tập thể lực và 1 buổi tập chiến thuật. Tuy nhiên, cường độ vận động không lớn. Các buổi tập chiến thuật, bài tập với bóng thường xuyên bị ngắt quãng giữa chừng để ông giảng giải, chỉ đạo.
Nền tảng thể lực không phù hợp với chiến thuật đề ra dẫn đến hệ luỵ cho hàng phòng ngự. Cường độ vận động cao kết hợp với việc bị đuối sức khiến các tuyến không còn giữ được liên kết cũng như khoảng cách hợp lý. Khi đó, bộ ba trung vệ sẽ phải đối mặt gần như 1 đối 1 với các đối thủ to cao, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.
Lựa chọn nhân sự chưa hợp lý
Ở thời điểm hiện tại, khi U23 Việt Nam để thua 2 trận liên tiếp với tỉ số đậm, các điểm yếu về chiến thuật, cách vận hành dễ dàng được chỉ ra. Nhưng đây đều là vấn đề có thể khắc phục được bằng cách thay đổi, lựa chọn tiết tấu chơi bóng hợp lý hơn. Tuy nhiên, "những chiến binh sao vàng" lại đang tồn tại điểm yếu khó khắc phục được trong một sớm một chiều, đó là nhân sự hàng thủ.
Sở dĩ nói vậy bởi trong hệ thống phòng ngự, những Lương Duy Cương, Phan Tuấn Tài, Trần Quang Thịnh đều có màn trình diễn dưới sức và không có thể hình lý tưởng. Về phần Tuấn Tài, đường chuyền ngang chết người của cầu thủ này là hệ luỵ đem đến tấm thẻ đỏ cho Vũ Tiến Long.
Trong tình huống dẫn đến quả penalty trong trận gặp U23 Iraq, hậu vệ thuộc biên chế CLB Viettel không truy cản dứt khoát, giúp tiền đạo đối phương có cơ hội băng xuống. Trận đấu thứ 2 gặp U23 UAE, Tuấn Tài cải thiện được rất nhiều nhưng vẫn mắc nhiều lỗi không đáng có.
Về phía Lương Duy Cương, trung vệ thòng của Đà Nẵng có chiều cao lý tưởng nhưng không tỏ ra vượt trội ở khả năng chuyền bóng, điều tiết từ hàng thủ lẫn bọc lót cho đồng đội. Bàn thua đầu tiên trong trận gặp U23 UAE đến từ việc cầu thủ này chọn sai vị trí cắt bóng khiến đồng đội phía sau bị động trong việc theo kèm.
Tính thông tin và khả năng chỉ huy hàng thủ của Duy Cương cũng là dấu hỏi khá lớn mà HLV Troussier cần khắc phục. Về phía Quang Thịnh, trung vệ thuộc biên chế CLB CAHN không để lại dấu ấn lớn trong lối chơi, cách phòng ngự của U23 Việt Nam. Cầu thủ sinh năm 2001 không dứt khoát trong việc phá bóng hay kiểm soát quả bóng trong chân.
Cuối cùng là hạn chế về chiều cao. HLV Troussier lựa chọn hàng thủ không có chiều cao tốt để chống các tình huống bóng bổng từ đối phương. Việc chỉ có Lương Duy Cương với chiều cao 1m81 là không đủ để ngăn chặn những tình huống tạt bóng, câu bóng cố định.