(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin Sputnik (Nga), trên trường quốc tế, năm 2020 là một năm thực sự đặc biệt đối với Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nước nhà, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Năm 2020 cũng là năm đầy thách thức đối với Việt Nam vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của toàn thế giới.
Sau khi điểm lại những sự kiện nổi bật của ngoại giao của Việt Nam trong năm 2020, hãng tin của Nga đánh giá với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên lĩnh vực ít được bàn đến như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng…
Nổi bật nhất là Việt Nam đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ thông qua nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm làm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”. Đây cũng là ngày sinh của nhà bác học Pháp Louis Pasteur (27/12/1822), người đã phát minh ra vaccine phòng chống bệnh dại, mở đường cho sự ra đời của hàng loạt vaccine phòng chống dịch bệnh khác.
- Dịch COVID-19: Quảng Ninh củng cố 3 tuyến phòng chống dịch
- Quảng Bình kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 sau ca tái dương tính
Đánh giá về vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, hãng tin Sputnik nhấn mạnh điểm đặc sắc nhất của Năm ASEAN 2020 là các hội nghị trực tuyến. Trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, chỉ duy nhất có Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN hồi tháng 2/2020 là cuộc họp tiếp xúc trực tiếp duy nhất ở cấp cao tại Hà Nội. Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng không gian mạng để tổ chức các hội nghị trong kế hoạch của Năm ASEAN theo hình thức trực tuyến và được tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác của ASEAN hưởng ứng. Nó chứng minh đại dịch COVID-19 không thể phá vỡ sự gắn kết của toàn khối ASEAN và cũng không có một thế lực bên ngoài nào phá vỡ được khối gắn kết đó.
Chủ đề ”Gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN do Việt Nam đề xuất ban đầu để đối phó với sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng cũng như tạo lập sự gắn kết chặt chẽ hơn trong nội khối về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh nay lại được bổ sung và nhấn mạnh thêm vấn đề an ninh, y tế-sức khỏe mới phát sinh là phòng chống đại dịch COVID-19.
Cũng theo hãng tin Sputnik, một thành công lớn của Năm ASEAN 2020 là việc 10 nước ASEAN cùng với 5 đối tác đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mặc dù Ấn Độ, một trong các đối tác lớn của ASEAN “rút lui” vào phút chót, nhưng việc ký kết RCEP vẫn là thành công vượt lên trên sự hy vọng của ASEAN nói riêng và các bên đối tác nói chung. RCEP mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế, thương mại mới đầy hứa hẹn. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Hãng tin Sputnik kết luận trong việc “đóng” hai “vai” quan trọng trong năm 2020, vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam luôn gắn kết chặt chẽ với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Trên cả hai cương vị này, lập trường của Việt Nam luôn giữ thái độ nhất quán, kiên định về nguyên tắc, nhưng hết sức mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp và ứng xử.
TTXVN
Tags