Vào 20h ngày 20/8, Quảng trường Cách mạng tháng Tám và Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ trở thành một sân khấu đặc biệt trong chương trình nghệ thuật Đàn chim Việt - chương trình tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923 - 2023).
Như chia sẻ của nhạc sĩ Đức Trịnh, Đàn chim Việt là một chương trình nghệ thuật có quy mô lớn mà ê-kíp chương trình muốn thực hiện đêm nhạc với tinh thần vượt khỏi tầm của một đêm nhạc tôn vinh một nhạc sĩ thông thường.
Hàng trăm nghệ sĩ tham gia biểu diễn
Theo đó, chương trình quy tụ gần 1.000 người tham gia biểu diễn. Trong đó, có các đơn vị dàn nhạc lớn là Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc MUCA Trường Đại học VHNT Quân đội.
Hơn 300 nghệ sĩ biểu diễn với các tên tuổi như NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Ca sĩ Ánh Tuyết, nghệ sĩ Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng, cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và đặc biệt là sự tham gia của sinh viên học, học sinh các trường trong thành phố Hà Nội.
"Văn Cao - một tài năng nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, thơ ca đến hội họa mà ở lĩnh vực nào ông cũng thành công. Với âm nhạc, dù ở thể loại trữ tình, trường ca hay cách mạng, sự thành công của ông không chỉ để lại những tình cảm đẹp trong lòng người Việt Nam mà còn cả với bạn bè quốc tế.
Chính vì thế, chúng tôi muốn Đàn chim Việt không chỉ là chương trình tôn vinh tác giả mà còn tôn vinh nền âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi sẽ mang hết khả năng sáng tạo của mình trong vòng 90 phút để khán giả được nghe, xem một chương trình nghệ thuật đặc biệt. Chúng tôi hi vọng sẽ để lại những ấn tượng lạ trong lòng công chúng" - nhạc sĩ Đức Trịnh, đại diện đơn vị sản xuất, cho hay.
Cũng trong buổi giới thiệu chương trình, nhạc sĩ Đỗ Bảo - Giám đốc âm nhạc tiết lộ khá chi tiết về nội dung chương trình.
Theo đó, chương trình được dàn dựng phần lớn là hợp xướng, ngoài ra là các tiết mục hợp ca của từ 4-5 nghệ sĩ. Trong đó, 28 giọng ca nổi tiếng sẽ tham gia lĩnh xướng. Có những tác phẩm quy tụ hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn ở 3 sân khấu, tương ứng với 3 dàn nhạc được sắp đặt ở các không gian biểu diễn trong và ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận định, chương trình không làm khó các nghệ sĩ biểu diễn dù có khi mỗi người chỉ lên sân khấu hát 1 đến 2 câu. Cái khó chính là khâu biên tập và dàn dựng chương trình.
"Bởi với quy mô của biên chế dàn nhạc với số lượng kỉ lục gồm 4 tập thể dàn nhạc, sẽ rất phức tạp để diễn và phát sóng trực tiếp. Để có thể truyền tải qua sóng truyền hình chúng tôi đã phải thu âm gần nửa chương trình rất chặt chẽ, khoa học từ cuối tháng 5. Do đó, các nhạc sĩ tham gia phối khí trong chương trình này cũng là ... không đếm xuể" - nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ.
Ê-kíp thực hiện chương trình gồm: PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chỉ đạo nội dung), nhạc sĩ Đức Trịnh (Chỉ đạo nghệ thuật), Phạm Hoàng Nam (Tổng đạo diễn), nhạc sĩ Đỗ Bảo (Giám đốc âm nhạc), NSND Kiều Lê (Biên đạo múa), nhạc sĩ Đức Tân (Chủ nhiệm chương trình), luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Giám đốc Dự án) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.
Sân khấu không giới hạn
Cùng với quy mô của các nghệ sĩ tham gia chương trình, mô hình dàn dựng sân khấu của chương trình Đàn chim Việt cũng rất đặc biệt: một không gian mở.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam là người đã nhiều lần dàn dựng các chương trình về nhạc sĩ Văn Cao nhưng với Đàn chim Việt là một "bài toán" đầy thử thách dành cho anh. Vì thế, đạo diễn quyết định thực hiện chương trình này ở một sân khấu không giới hạn không gian.
"Tôi lựa chọn sân khấu cả ở trong và ngoài Nhà hát Lớn. Thậm chí, có những lúc, sân khấu chính sẽ ở phía bên ngoài Nhà hát Lớn. Do đó, nghệ sĩ có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào mà không thấy chật chội. Bên cạnh đó, điều bất ngờ và ấn tượng mà tôi muốn bật mí cho khán giả đó là công chúng có mặt tại khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám ngày diễn ra sự kiện đều có thể tham gia với chương trình.
Vì không gian biểu diễn ngoài trời của sự kiện là Quảng trường Cách mạng tháng Tám cũng chính là địa điểm mà chúng tôi muốn tái hiện lịch sử. Vì thế, ê-kíp mong muốn khán giả khắp nơi sẽ đến với chương trình, đặc biệt là khán giả trẻ. Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ quy tụ không chỉ hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn mà còn là hàng nghìn khán giả tham gia. Vì sẽ có một màn trình diễn đặc biệt để tất cả khán giả và nghệ sĩ cùng tham gia vào chương trình, tạo dựng hình ảnh và thể hiện thông điệp về Đàn chim Việt tại sân khấu đặc biệt này" - đạo diễn bày tỏ.
Nếu như nhạc sĩ Đỗ Bảo nói rằng, khi tham gia chương trình này, lúc đầu anh cực kì "choáng" với những yêu cầu của chương trình vì phải thực hiện một khối lượng lớn các tác phẩm cùng các dàn nhạc và nghệ sĩ thì đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao - họa sĩ Văn Thao - cũng cảm thấy khó có thể mường tượng được hết quy mô của chương trình.
"Nhưng chắc chắn để thực hiện được một chương trình tầm cỡ như Đàn chim Việt, tôi tin là phải dựa vào một ê-kíp giỏi"- họa sĩ Văn Thao nhận định - "Với gia đình tôi, bất cứ chương trình nào về bố, chúng tôi đều tự hào. Trước đây, đã có nhiều chương trình về bố tôi nhưng một chương trình như Đàn chim Việt thì trăm năm mới có một lần. Thế nên, chúng tôi rất xúc động trước đêm diễn này. Chúng tôi luôn tự hào và hạnh phúc khi tác phẩm nào của ông được mọi người, từ già đến trẻ đều đón nhận. Cũng phải nói thêm rằng, bố tôi dù tự học nhưng lĩnh vực nào ông cũng thể hiện sự sáng tạo, tìm tòi. Tôi tin, chính cái đẹp trong âm nhạc, hội họa đến ca từ của ông đã làm nên cái đẹp trong lòng công chúng".
Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Tags