Nhận xét này có hơi cường điệu, nhưng không phải là cá biệt. Lâu nay, vẫn có luồng ý kiến chê nhạc của Clayderman không đẳng cấp, là kiểu nhạc hay bật trong thang máy, với chất lượng nghệ thuật thấp.
Xấu hổ hay tự hào?
Có một thực tế là người hâm mộ Clayderman thường không thích nghe nhạc cổ điển. Họ mê thứ âm nhạc nhẹ nhàng của ông hơn các tác phẩm hàn lâm đỉnh cao.
Chính Clayderman từng kể: “Tôi thường chơi nhạc trong các khán phòng hòa nhạc và trước rất nhiều khán giả, tôi nghĩ đó là lần đầu họ đến một nơi như thế. Đôi khi tôi hơi xấu hổ lúc chơi nhạc của mình ở đó”.
Khi biết nhạc của mình được bật trong các thang máy, trên xe buýt và tại các trung tâm thương mại, Clayderman có cảm thấy bị xúc phạm? “Không, không” – ông nói - “Tôi thấy vui vì âm nhạc của tôi vang lên tại các nhà hàng, và mọi người buộc phải nghe chúng khi chờ điện thoại. Bạn có thể nghe chúng khắp mọi nơi. Nhạc không lời rất dễ nghe vì không có ngôn từ. Chúng được dùng làm nhạc đệm. Tôi rất vui vì mọi người có thể thư giãn nhờ tôi”.
Lần đầu tiên Clayderman nghe thấy nhạc của mình trong thang máy. “Đó là rất nhiều năm về trước. Và cả trên điện thoại nữa chứ. Khi tôi đang gọi điện thoại, người kia bận nên chuyển máy sang chế độ chờ, và lúc đó nhạc của tôi vang lên. Tôi phải nghe nhạc của chính mình. Tình huống đó thực sự rất buồn cười” – nghệ sĩ kể và cười lớn.
Hãnh diện với dòng nhạc riêng
Richard Clayderman cũng tiết lộ rằng ông chưa bao giờ có ý định thu âm một đĩa nhạc cổ điển. “Ở tuổi 15 tôi đã biết mình không muốn trở thành nghệ sĩ nhạc cổ điển” – Richard Clayderman nói với trang Complete France.
“Tôi muốn biểu diễn một thứ âm nhạc đại chúng phát trên đài phát thanh. Có rất nhiều nhạc công piano chơi nhạc chất lượng cao và tôi đã có thể là một trong số họ. Nhưng tôi tự hào vì mình đã có một dòng nhạc riêng dễ tiếp cận hơn đối với khán giả” - ông chia sẻ - “Thật là một phần thưởng khi những đứa trẻ say mê và bắt đầu học piano vì nghe nhạc của tôi. Tôi cũng thường mời các nhạc công trẻ lên sân khấu biểu diễn cùng mình. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm”.
Không nên đổ lỗi cho Clayderman về “âm nhạc thang máy” của ông, đặc biệt là khi thứ nhạc đó vẫn khiến nhiều người vui vẻ và thư thái. Thậm chí ông còn chẳng chủ động tìm kiếm danh tiếng. “Tôi từng rất hạnh phúc khi được làm một nhạc công hội nghị” – ông nói.
Ông mô tả chính mình: “Tôi dè dặt. Ngượng nghịu. Nhút nhát. Xấu hổ vì thành công của chính mình. Dường như thành công đó hơi quá. Nhưng trong các buổi hòa nhạc tôi lại thấy ổn. Khi bước lên sân khấu, tôi không còn ngượng nghịu nữa. Còn khi trở lại đời sống thực và được xin chữ ký, tôi lại ngượng nghịu tiếp”.
Những nhạc công nhạc cổ điển khác thường chế nhạo nhạc Clayderman là dễ nghe đến dễ dãi. Ông có cách rất khác để chống lại điều này: “Những người chơi trong các dàn nhạc giao hưởng thường chế nhạo khi bắt đầu chơi nhạc với tôi. Nhưng chỉ một lúc sau, khi tận mắt xem tôi biểu diễn, họ ngừng những lời chỉ trích. Họ thấy phản ứng của khán giả và thay đổi thái độ. Họ bắt đầu nghiêm túc hơn với công việc của mình”.
Nổi tiếng và bán được nhiều đĩa đến vậy tuy nhiên Clayderman không phải không có mối lo về tiền bạc. Ông kể: “Tôi vẫn kiếm được tiền, nhưng không đầu tư ra tiền. Tôi có vài vụ đầu tư ở miền Nam nước Pháp nhưng không thành công. Thuế thì quá cao nên tôi vẫn phải làm việc".
Một nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp là Gérard Depardieu từng rời khỏi đất nước để sang Nga vì Pháp đánh thuế thu nhập quá cao. Clayderman có tính đến nước này? “Tôi quý và thông cảm với Depardieu. Hay là tôi bỏ sang Trung Quốc” – ông đùa – “Nhưng tôi phải tìm hiểu về chính sách thuế của họ đã”.
Nổi tiếng với “Nhạc thang máy” |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Tags