Tổ chức Nông Lương (viết tắt là FAO) là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, được thành lập ngày 16/10/1945 tại Hội nghị Quebec (Canada). Kể từ năm 1981, Liên hợp quốc đã lấy ngày 16/10 làm Ngày Lương thực thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.
Ngày này hàng năm là dịp để thế giới kêu gọi hợp tác và đoàn kết, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất vượt qua khủng hoảng.
Sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Hàng năm, Ngày Lương thực thế giới (World Food Day) đều được tổ chức vào ngày 16/10 trên khắp thế giới và cũng là dịp để kỷ niệm Ngày thành lập Tổ chức Nông lương (FAO) (16/10/1945). Trên thực tế, các sự kiện kỷ niệm Ngày thành lập FAO diễn ra hằng năm đã khẳng định tầm quan trọng của tổ chức này, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về “tính thiết yếu” của các chính sách nông nghiệp thành công-được triển khai bởi Chính phủ nhiều nước trên thế giới để bảo đảm lượng lương thực dồi dào và sẵn có cho mọi người.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhân Ngày lương thực thế giới 16/10, Liên hợp quốc muốn nâng cao nhận thức của mọi người về những vấn đề nghèo, đói cũng như sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, đặc biệt là trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Mỗi năm, Liên hợp quốc sẽ lấy một chủ đề khác nhau cho ngày này, trên tinh thần hợp tác nông nghiệp là chìa khóa nuôi sống thế giới.
Kể từ năm 1981 trở lại đây, Ngày Lương thực thế giới đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên, nhằm kêu gọi mọi người dồn tâm điểm chú ý vào những khía cạnh khác nhau của an ninh lương thực và nông nghiệp, bao gồm các cộng đồng ngư dân, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Trong những năm qua, Ngày Lương thực thế giới đã được tổ chức với nhiều chủ đề, dựa trên các vấn đề cấp bách và tầm nhìn của năm diễn ra sự kiện, trong đó có một số chủ đề đáng chú ý như: Thời tiết đang thay đổi. Lương thực và nông nghiệp cũng phải thay đổi; Bảo vệ xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ chu kỳ nghèo đói ở nông thôn…
Với tầm quan trọng đặc biệt, Ngày Lương thực thế giới 16/10 hàng năm đã trở thành một sự kiện không chỉ của Tổ chức Nông Lương (FAO) mà còn được nhiều tổ chức khác của Liên hợp quốc như: Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Chương trình Lương thực thế giới (WFP)…, cùng nhiều doanh nghiệp tại nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, bằng những nỗ lực không mệt mỏi nhằm chống lại nạn đói và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột, năm 2020, Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình. Theo Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá, WFP xứng đáng được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2020 vì những nỗ lực không ngừng của Tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó còn là những nỗ lực của WFP trong việc ngăn chặn tình trạng lợi dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột.
Có thể khẳng định, đây là những điều đáng khích lệ bởi sự chung sức của cộng đồng đã chứng minh rằng nếu sự đoàn kết và hợp tác càng mạnh mẽ, thì những kết quả về cải thiện an ninh lương thực, giảm số người nghèo đói trên thế giới sẽ càng trở nên rõ nét.
Bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách
Năm 2022, thế giới đang chứng kiến những biến động vô cùng khó lường. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã bị gián đoạn vì các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực ở những nước nghèo. Năm nay, cùng với hạn hán và mưa lũ, căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực thế giới khi giá năng lượng, thực phẩm và phân bón liên tục tăng cao.
Mặc dù hiện nay hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen đã được nối lại, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các “cú sốc” thời tiết. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Theo bà Corinne Fleischer, Giám đốc khu vực Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi, lên 345 triệu người ở 82 quốc gia, kể từ năm 2019 cho đến tháng 6/2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc thì ước tính tình hình xung đột tại Ukraine đã đẩy thêm 47 triệu người vào cảnh “đói nghèo cùng cực”…
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã liên tục đưa ra cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine cùng với tác động kéo dài do COVID-19 gây ra đối với thương mại sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có.
Đứng trước bối cảnh đó, Ngày Lương thực thế giới năm nay đã được Liên hợp quốc chọn chủ đề là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Leave NO ONE behind) với mục đích kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay xây dựng một thế giới bền vững, nơi mà mọi người, ở mọi nơi đều được tiếp cận thường xuyên với đủ thực phẩm bổ dưỡng, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đây được xem là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực, hồi tháng 4/2022, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần đầu tiên đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu.
Tiếp đó, vào ngày 21/9, các tổ chức này một lần nữa đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Và thực tế đã có những tiến bộ đáng kể. Các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện ở tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên nhờ những sáng kiến khác nhau. Hiện nay, WB đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Trong khi đó, IMF đề xuất biện pháp giảm "cú sốc" lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp. Còn FAO đã đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách và đưa ra bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón…
Ngoài ra, bảo đảm an ninh lương thực cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất tại Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, vừa diễn ra tại New York (Mỹ) vào cuối tháng 9 vừa qua. Tại đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, nước này sẽ đóng góp 2,9 tỷ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Tổng thống Mỹ hy vọng khoản hỗ trợ này sẽ giúp những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới tránh khỏi nạn đói. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cam kết nước này sẽ tài trợ chuyến tàu vận chuyển bột mì của Ukraine tới Somalia-quốc gia đang đối mặt với nạn đói.
- Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 6 liên tiếp
- Giải pháp nào cho khủng hoảng lương thực toàn cầu?
- Đức cảnh báo giá lương thực tăng cao nhất từ trước tới nay
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định sẽ không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại. Indonesia-quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á-đã chuẩn bị ngân sách 95 nghìn tỷ Rupiah (khoảng 6,32 tỷ USD), sẵn sàng đối phó nguy cơ khủng hoảng lương thực vào năm 2023. Bộ Tài chính Indonesia nhấn mạnh, gói ngân sách khổng lồ được sử dụng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, phòng ngừa những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy ra…
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa kết thúc, những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, việc giải bài toán mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.
Tuy nhiên, để duy trì động lực và xây dựng khả năng phục hồi hệ thống an ninh lương thực cho tương lai đòi hỏi những nỗ lực phối hợp toàn diện liên tục nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại hiệu quả; Cải thiện tính minh bạch; Đẩy nhanh đổi mới và lập kế hoạch chung; Đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực.
Phước An/TTXVN (tổng hợp)
Tags