Hành trình công lý - phiên bản làm lại TV series phim chính kịch The good wife (Người vợ tốt) của Mỹ - gây thất vọng khi không thể hiện được sự sắc sảo, hấp dẫn của nguyên tác.
Thay vào đó, bản phim Việt dề dà, sa đà vào những chuyện mâu thuẫn hôn nhân, gia đình.
Nguyên bản The good wife (Người vợ tốt) là một series truyền hình Mỹ lêm sóng đài CBS từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2016 sau 7 mùa. Tác phẩm lấy đề tài pháp luật và chính trị từng chiến thắng đến 5 giải Emmy và được mệnh danh là “tác phẩm truyền hình vĩ đại cuối cùng”.
Trong The good wife bản Mỹ, Alicia Florrick (Julianna Margulies) là vợ của một luật sư danh tiếng. Cô trở lại làm việc tại văn phòng luật sau khi chồng thân bại danh liệt vì dính vào một vụ scandal mại dâm và tham nhũng chính trị. Bản thân Florrick cũng là một nữ luật sư sáng giá, nhưng 15 năm trước đã quyết định tạm lui về hậu trường để chăm lo cho gia đình.
Tính đến hiện tại, The good wife đã được bảy quốc gia mua bản quyền làm lại, gồm Hàn Quốc, Nhật, Nga, Ireland, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Các bản làm lại dù đã được điều chỉnh một số yếu tố trong nội dung để hợp với bối cảnh văn hoá, xã hội tại mỗi quốc gia, nhưng vẫn bám sát cốt truyện một nữ luật sư tài năng trở lại thị trường lao động sau vụ bê bối của chồng.
Bản làm lại The good wife của Việt Nam với nhan đề Hành trình công lý từng được khán giả đón nhận khi mới lên sóng, nhưng nhanh chóng nhận về nhiều phản hồi trái chiều vì chất lượng kém xa nguyên tác.
Lãng phí thời gian, cốt truyện dài dòng
Phiên bản The good wife của Việt Nam sản xuất từng được giới thiệu với tên gọi Người vợ tốt (dịch sát nghĩa từ nguyên tác). Nhưng chỉ vài ngày trước khi lên sóng, phim đột ngột được đổi tên thành Hành trình công lý, có thể nhằm mục đích hướng sự quan tâm của khán giả nhiều hơn vào khía cạnh pháp đình trong cốt truyện cũng như tạo cảm giác phim khác biệt với chùm tác phẩm tâm lý, xã hội chiếm sóng “phim giờ vàng” những năm qua. Tuy nhiên, sự ứng biến này rõ ràng vẫn là chưa đủ.
Nhân vật nữ luật sư bị chồng phản bội được giao cho Hồng Diễm, một nữ diễn viên gắn liền hình ảnh với các vai dâu hiền vợ thảo nhưng phải gánh chịu số phận bất hạnh. Phương (Hồng Diễm) từng là một sinh viên ưu tú chuyên ngành luật, nhưng sau khi lấy Hoàng (Việt Anh) thì đã quyết định từ bỏ sự nghiệp, toàn tâm toàn ý làm một “người vợ tốt” để chăm lo cho gia đình.
Thế nhưng, chuỗi ngày làm “vợ tốt” của Phương vẫn bị đặt dấu chấm hết một cách đầy thô bạo khi chồng cô bị phanh phui chuyện ngoại tình, rồi lại trở thành nghi phạm giết người.
Không thể tha thứ cho chồng, Phương quyết định chia tay Hoàng, cùng hai con dọn ra ngoài và bắt đầu cuộc sống mới. Dưới sự giúp đỡ của Quân (Quốc Huy), Phương đã bắt đầu một chương mới trong cuộc đời với tư cách một luật sư.
Trên website chính thức của VTV, Hành trình công lý được giới thiệu là TV series dài 45 tập. Phim hiện tại đã bước sang tập 18, tức đi được 2/5 chặng đường. Tuy nhiên, cách kịch bản dẫn dắt câu chuyện khiến khán giả không khỏi cảm thấy tác phẩm vẫn chưa qua được đoạn mở bài - với cột mốc đánh dấu quan trọng là sự kiện Phương trở lại làm luật sư.
Phim dành những tập đầu để kể chuyện Phương chiều chồng chăm con, muốn trở lại làm việc nhưng bị mẹ chồng ngăn cấm, cô vất vả nghĩ cách minh oan cho chồng khi anh bị bắt vì tình nghi giết người (dù không làm được gì nhiều) trước khi nhận ra quan hệ giữa hai người đã không thể cứu vãn được nữa… Phải tới cuối tập 9, Phương mới chính thức gia nhập công ty luật. Cô tạo ấn tượng thiếu chuyên nghiệp khi ngay từ ngày đi làm đầu tiên đã đến muộn.
Lối kể chuyện thong thả này hoàn toàn khác với The good wife của Mỹ, hay phiên bản làm lại của Hàn. Nguyên tác The good wife mở đầu bằng cảnh Peter (Chris Noth) thừa nhận mình đã ngủ với gái mại dâm. Alicia bước tới, tặng chồng một cái tát, lấy lại bình tĩnh rồi quay lưng bỏ đi. Phim tua nhanh đến sáu tháng sau, khi cô trở lại văn phòng luật. Tương tự, câu chuyện nhận ra mình bị chồng phản bội rồi trở lại với công việc của nữ chính bản Hàn cũng được kể lại rất gọn ghẽ trong tập mở đầu series. Câu chuyện quá khứ hạnh phúc và biến cố hôn nhân đổ vỡ chỉ là sự điểm xuyết vào mạch phim, đa phần phục vụ trực tiếp cho các diễn biến câu chuyện trong hiện tại.
Với một bộ phim được giới thiệu là lấy đề tài luật pháp, việc mất đến 9 tập phim để “mở bài” là quá lan man. Sau chừng ấy tập phim, khán giả vẫn chưa hiểu nữ chính lấy tự tin ở đâu để quay về với nghề luật sư sau 15 năm ngoài những lời động viên của bạn bè. Họ cũng không hiểu vụ sát hại nhân tình mà chồng Phương là nghi can đóng vai trò gì trong diễn biến cốt truyện ngoài cái cớ để Phương bỏ chồng. Hoàng bị một thế lực nào đó gài bẫy, hay chỉ đơn thuần là một gã đàn ông thích đi tìm của lạ rồi bị tai bay vạ gió?
Khắc họa thiếu thuyết phục nghề nghiệp luật sư
Ngay trong tập mở màn The good wife bản Mỹ và Hàn, cả hai nhân vật nữ chính, lần lượt do Julianna Margulies và Jeon Do Yeon thủ vai trong mỗi phiên bản, đều đã có thắng lợi đầu tiên khi bảo vệ thân chủ trước toà. Trong khi đó, phải tới tận tập 11 của Hành trình công lý, khán giả mới được thấy luật sư Phương “ra trận”. Cô cũng đem về chiến thắng, nhưng là cho bên bị đơn chứ không phải thân chủ của mình.
Diễn biến của tập phim, với cao trào là cảnh Phương đâm sau lưng thân chủ để cứu giúp hai mẹ con thân cô thế cô trong vụ tranh chấp tài sản, vấp phải sự phản đối gay gắt từ khán giả vì quá sức phi lý và làm sai lệch nhận thức của khán giả đại chúng về công việc và đạo đức nghề nghiệp của một luật sư. Trên Internet, một khán giả tự giới thiệu mình làm việc trong lĩnh vực luật pháp chỉ ra đạo đức nghề nghiệp không bao giờ cho phép một luật sư phản lại thân chủ của mình như cách Phương làm. Nếu cảm thấy không đồng tình với thân chủ, luật sư có thể từ chối tiếp tục theo đuổi vụ án, hoặc hướng hai bên tới cái kết đẹp nhất là một vụ hoà giải.
Người này tiếp tục cho biết trong đời thực, hành vi của Phương sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng và uy tín của văn phòng luật nơi cô làm việc, đẩy công ty vào rủi ro bị khách hàng kiện ngược vì vi phạm điều khoản hợp tác. Tình tiết hai mẹ con được Phương cứu giúp đăng bài cảm ơn cô trên mạng cũng được khoanh vùng là thiếu tính thực tế, vì nguyên tắc nghề nghiệp của các luật sư là không được phép chia sẻ thông tin khách hàng hay chi tiết các vụ mình đảm nhận với công chúng.
Trong gần 10 tập vừa qua của Hành trình công lý, số vụ án mà Phương giải quyết được chưa đếm hết số ngón trên một bàn tay. Con số này là quá ít ỏi khi đem so với lối xây dựng kịch bản mỗi tập một vụ án trong bản Hàn hay nguyên tác Mỹ. Nhưng, vấn đề của Hành trình công lý không chỉ nằm ở số lượng vụ án Phương tham gia xét xử, mà là cả nghiệp vụ điều tra của cô và đồng nghiệp.
Dù được giới thiệu là một sinh viên ưu tú, Phương luôn ở trong trạng thái bị tình cảm chi phối khi làm việc. Cô là một người phụ nữ từng đổ vỡ trong hôn nhân vì người chồng tệ bạc, là người mẹ đơn thân đang gồng gánh trách nhiệm chăm sóc hai con. Thế nên, dường như trong mắt Phương, những người ở vào hoàn cảnh giống cô luôn tội nghiệp, cần được che chở và bảo vệ - tâm lý này phản ánh rõ nét trong vụ án đầu tiên cô đảm nhận. Vấn đề này đã được chính bạn của cô chỉ ra trong một cảnh phim “Nhưng mày đang bảo vệ quyền lợi cho ai? Đang dùng cảm tính hay phán đoán của một luật sư thế?”.
Phương trở lại làm luật sư từ tập 9, bắt tay giải quyết vụ án đầu tiên từ tập 10, giúp người bị hại (không phải thân chủ mình) chiến thắng vào tập 12, nhưng phải đến tập 15 thì khán giả mới thấy nhân vật có màn tranh biện đầu tiên trước tòa trong vụ xử phân chia quyền nuôi con.
Tuy nhiên, trong phiên tòa, dễ thấy phần công việc nặng nhọc hơn là tìm kiếm chứng cứ lật ngược tình hình lại do Quân thực hiện, cứu Phương một bàn thua trông thấy. Còn nữ luật sư dường như hoàn toàn bị luật sư bên nguyên đơn - được tạo hình là một người đàn ông bặm trợn - lấn át.
Phí phạm dàn nhân vật thú vị từ nguyên tác
Tới những tập gần đây của Hành trình công lý, với nỗ lực làm “Conan vườn” của Hoàng, một vài manh mối mơ hồ về vụ giết người đã được tung ra. Nhưng chúng quá mong manh để dẫn dắt người xem đến một thế lực phản diện to lớn hơn, hay hé lộ vai trò của Hoàng trong một âm mưu thao túng quyền lực như những gì đã xảy ra trong bản phim gốc.
Đây là một thiếu sót đáng tiếc với bản làm lại của Việt Nam, bởi trong cả bản Hàn hay nguyên tác Mỹ, vai trò của người chồng luôn là một dấu hỏi lớn. Anh ta là một chính trị gia, bị gài bẫy dẫn đến cảnh tù tội, nhưng xét cho cùng vẫn luôn là một bộ não tội phạm đáng gờm. Ở phiên bản The good wife của Hàn Quốc, chính nhân vật người chồng còn là quân sư, gợi ý cho vợ nhiều manh mối quan trọng để lật ngược vụ án.
Tuy nhiên, tới bản Việt, cả nghề nghiệp và tính cách của nhân vật đã được thay đổi. Hoàng là một doanh nhân, làm việc trong lĩnh vực xây dựng thay vì luật sư có quan hệ với giới chính trị cấp cao. Anh ta bị bắt vì tình nghi giết người thay vì tình nghi tham nhũng chính trị. Thay đổi này khiến phim mất đi mắt xích quan trọng khi khán giả khó có thể liên tưởng rắc rối của Hoàng với một âm mưu chính trị lớn hơn. Nó cũng biến nhân vật người chồng từ một thế lực nguy hiểm và phức tạp thành nhân vật râu ria ít quan trọng hơn, một “chú cá con” mắc nạn chỉ vì trót sống đời tư trác táng.
Song hành cùng Phương trên suốt hành trình trở lại văn phòng luật, như một bạch mã hoàng tử luôn đứng ra che chở nữ chính trước người sếp nữ khó tính, đồng hành với cô trong những nhiệm vụ khó, thậm chí dốc sức giúp cô tìm ra bằng chứng mang tính quyết định tại phiên tòa là Quân. Anh được giới thiệu là bạn học cũ của Phương, và rõ ràng, có dành cho cô ít nhiều tình cảm.
Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện, Quân đã thể hiện thiện chí muốn giúp đỡ Phương vì trân trọng tài năng của cô. Nhưng không rõ sau 18 tập phim vừa qua, với tất cả rắc rối mà Phương gây ra, Quân có mảy may suy nghĩ lại về quyết định của mình hay không. Đấy là câu hỏi mà có lẽ ta sẽ có câu trả lời trong hơn 20 tập phim sắp tới. Còn trong hiện tại, có một câu hỏi xoay quanh Quân khiến khán giả vô cùng tò mò nhưng chưa được giải đáp, đó là: Thân thế của nhân vật này thế nào?
Ngoài vai trò người cộng sự, tiền bối, thiên thần hộ mệnh luôn ở bên giúp đỡ Phương, Hành trình công lý không hề dành không gian để nhân vật Quân có cơ hội phát triển. Ta không biết quá khứ của Quân như nào, anh cảm thấy Phương ra sao, hay ít nhất cuộc sống của anh như thế nào sau giờ làm việc, anh cảm thấy vui buồn hay tức giận vì điều gì… Luôn chỉ là nụ cười hiền hậu, cái nháy mắt động viên và thái độ “Phương cứ để mình giải quyết”. Nếu Phương là kiểu thánh nữ, khiến người xem phát bực vì sự ngây thơ của mình thì Quân, ở chiều ngược lại, khiến khán giả nghi ngờ vì thiếu chiều sâu nội tâm.
Quay lại với The good wife bản Hàn, ngay trong tập đầu tiên, khán giả đã biết nhân vật người bạn luật sư của nữ chính hiện cùng chị gái vận hành văn phòng luật mà cô đến làm việc. Động cơ của anh dù chưa rõ ràng, nhưng cũng được úp mở là có nhiều phần bắt nguồn từ việc anh có cảm tình với cô từ thời còn đi học. Sang những tập tiếp theo, với sự xuất hiện của người bố của hai chị em, nữ chính (và cả người xem) buộc phải đặt nghi vấn với anh bạn quá tốt bụng này khi ông nói con trai mình là một gã luật sư máu lạnh, không từ thủ đoạn để thành công.
Cuối cùng, và nghiêm trọng nhất, chính là nữ luật sư. Xem The good wife bản Hàn, khán giả có thể thấy hai phiên bản nữ luật sư là những người phụ nữ sắc sảo, táo bạo, và quan trọng hơn cả, nắm rõ nghề nghiệp của mình và tuân thủ đúng vai trò của họ. Ta thấy họ dữ dội khi đứng trước tòa bảo vệ thân chủ, thâu đêm suốt sáng nghiên cứu hồ sơ, bằng chứng để tìm ra kẽ hở nhằm lật ngược tình huống giúp thân chủ. Họ cũng là những người vợ bị chồng phản bội, nhưng sẵn sàng lắng nghe và trao đổi với chồng cũ nếu đó là điều cần phải làm thay vì một mực thù ghét, chối bỏ. Ta vẫn chưa thấy những nét tính cách này thể hiện ra ở phiên bản Phương của Hồng Diễm, từ cách xây dựng nhân vật của kịch bản cho tới thần thái nhân vật toát ra qua diễn xuất.
Với tất cả những điểm chưa toàn vẹn trên, rất tiếc phải nói Hành trình công lý đã phát nát nguyên tác The good wife mà khán giả hằng yêu thích. Tuy nhiên, chưa thể loại trừ khả năng là ngay từ đầu, Hành trình công lý đã không nhắm tới cái đích là lật mở một vụ tham nhũng chính trị như The good wife mà chỉ muốn nhào nặn phiên bản làm lại của Việt Nam thành một tác phẩm tâm lý xã hội, mâu thuẫn gia đình, hương vị tình thân với một chút tình tiết giật gân đổi vị. Nhưng nếu mục tiêu ban đầu đã là vậy, thiết nghĩ nhà sản xuất nên tự xây dựng một kịch bản phim tâm lý xã hội “made in Vietnam” như những gì họ vẫn làm những năm qua thay vì gieo cho khán giả quá nhiều hy vọng.
Tags