(Thethaovanhoa.vn) - Phạm Lực, họa sĩ được ví von là “Van Gogh Việt Nam”, vẫn say mê vẽ tranh khi tuổi sắp 80. Với ông, vẽ không chỉ là thói quen, công việc mà là nguồn sống, không vẽ thì ông sẽ ốm. Tranh của Phạm Lực luôn được công chúng đón nhận một cách nhiệt tình.
Phạm Lực vẽ tranh theo trường phái Ấn tượng, các nét vẽ thường phóng khoáng, màu sắc trong tranh đa dạng.
- Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 4): Nguyễn Lâm - bậc thầy về sơn mài
- Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 3): Hồ Hữu Thủ - người 'không phụ thuộc vào ý niệm'
- Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (Kỳ 2): Bậc thầy tân hiện thực Đỗ Quang Em
Ai cũng có thể hiểu tranh Phạm Lực
Tranh Phạm Lực có một cái lạ, ấy là dù chỉ xem thoáng qua, ta vẫn có thể hiểu bức tranh vẽ ai, vẽ cái gì. Vậy mà khi ngắm kỹ, càng ngắm, càng nghĩ, ta lại càng ngẫm ra được nhiều ẩn ý sâu xa của tranh. Vì lý do đó mà tranh Phạm Lực phù hợp với nhiều đối tượng người xem. Bất kể ai cũng có thể xem và hiểu tranh Phạm Lực, điểm khác biệt là họ hiểu đến mức độ nào mà thôi.
Giải thích về điều này, họa sĩ Phạm Lực chia sẻ: “Thực ra, tranh của tôi người bình thường cũng xem được, thậm chí trẻ con cũng xem được. Bởi lẽ tranh tôi có hiện thực, khi đưa lên lý luận thì mới sâu sắc, phức tạp. Tranh tôi không cầu kỳ, mà giản dị, rất dễ chơi. Tôi vẽ người thật việc thật”.
Phạm Lực luôn lấy cảm hứng từ chính đời sống hàng ngày. Chỉ cần ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, ngắm một cái gì đó của cuộc sống đang diễn ra, ông cũng có thể vẽ thành tranh. Ông cho rằng mỗi bức tranh phải phản ảnh được điều gì đó của đời sống, của xã hội, nếu không, tranh chỉ đẹp chứ không có linh hồn.
Hội họa của Phạm Lực đầy mơ mộng nhưng xuất phát từ thực tế. Ông vẽ nữ du kích, vẽ cảnh gánh gạo, vẽ đồng lúa vàng, vẽ cô thiếu nữ ôm mèo… Đó đều là những hình ảnh rất thật, nhưng được biến hóa qua những nét vẽ mềm mại, bay bổng, những gam màu đẹp mắt đan xen, hài hòa.
Phạm Lực vẽ nhiều tranh về người mẹ. Người mẹ trong tranh của ông lúc trẻ thì bồng bế con, khi già thì chít khăn mỏ quạ - hình ảnh một bà mẹ Việt Nam quen thuộc. Ông tâm sự, tất cả những bà mẹ mà ông đã vẽ đều được lấy nguyên mẫu từ chính mẹ ông. Được biết, mẹ của Phạm Lực đã một mình vất vả nuôi 2 người con khôn lớn. Khi nhắc đến mẹ mình, ông thường xúc động và hết lời khen ngợi.
Có lẽ, vì được vẽ từ cảm xúc thật, từ những gì thực tế đang có mà tranh Phạm Lực gần gũi, giản dị mà vẫn sâu sắc, đầy triết lý.
Người họa sĩ không vẽ thì sẽ ốm
Phạm Lực tự nhận là mình bị “giời đày”, vì ngày nào ông cũng phải vẽ, nếu không vẽ thì sẽ ốm. Sắp bước sang tuổi 80, Phạm Lực vẫn không ngừng vẽ. Ông đang có 3 người giúp việc, phục vụ cho việc sáng tác tranh của ông.
Phạm Lực say mê vẽ đến nỗi nhà ông chứa đầy các tác phẩm từ sơn mài đến bột màu. Tranh ở khắp mọi nơi, từ treo trên tường đến cất trong tủ, đặt dưới đất. Thậm chí, sàn nhà của Phạm Lực cũng lấm tấm màu vẽ và ngổn ngang những hộp màu dang dở.
Nhiều người gọi Phạm Lực là “Van Gogh của Việt Nam”, Phạm Lực cho rằng cái tên đó xuất phát từ sự cần mẫn của ông đối với hội họa.
“Tôi nghĩ họ gọi tôi như vậy không phải vì tôi tài giỏi như Van Gogh đâu mà là vì cách làm việc, cách sống của tôi giống Van Gogh. Cả hai đều mạnh mẽ, nhanh, dứt khoát, số lượng tranh nhiều. Càng vẽ tôi càng khỏe” - ông bộc bạch.
Nhiều khi, Phạm Lực vẽ tặng cho những người ông quý mến. Một người xích lô nếu bày tỏ sự yêu thích tranh của ông, ông cũng sẵn sàng vẽ tặng. Với Phạm Lực, dường như vẽ đã trở thành lẽ sống, thành niềm đam mê lớn nhất cuộc đời ông. Thậm chí có lần Phạm Lực còn nói vui, ngoài vẽ ông chẳng biết làm gì cả.
Số lượng tranh của Phạm Lực đã trên con số 6.000 bức. Ông đã có hơn 40 triển lãm tranh. Phạm Lực được mệnh danh là “người vẽ tranh nhiều nhất Việt Nam”
Tranh của Phạm Lực có giá trị cao, ông không bán tranh ngoài thị trường mà nhờ con gái bán hộ hoặc bán cho các nhà sưu tầm tranh. Phạm Lực từng bán một bức tranh có giá 400.000USD. Tiền bán tranh ông thường sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Những gam màu đầy ngẫu hứng Một trong những điểm đặc biệt trong tranh Phạm Lực là màu sắc. Màu sắc tranh vô cùng đa dạng, phong phú. Khi được hỏi có công thức gì cho màu sắc của tranh không, Phạm Lực lắc đầu: “Không có công thức gì cả, tôi chọn màu theo cảm hứng, theo sự sáng tạo của riêng tôi”. Màu sắc đã tạo nên những nét chấm phá độc đáo cho tranh của Phạm Lực. Ví dụ có bức tranh Phạm Lực vẽ màu chủ đạo là đỏ, sau đó lại tô điểm thêm vài vệt màu xanh lá, tím than. Sự kết hợp không tưởng đó lại hoàn hảo đến bất ngờ, khiến bức tranh không chỉ đẹp mắt mà còn có điểm nhấn. Phạm Lực đã vẽ hơn 6.000 bức tranh, các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể: Cô Lán, Lựa chọn khó khăn, Hai con trâu… Ông đã có một số triển lãm cá nhân như: Một thời và mãi mãi, Bút Lực, Mạch Xuân, Rực rỡ tháng năm… |
(Hỏi đáp về nghề nghiệp, nghệ thuật, thị trường) Tranh thị trường đẹp, nhưng không đọng lại điều gì * Trong quá trình hoạt động của ông, có khi nào ông phải vẽ chiều thị hiếu không? - Gọi là thị hiếu thì cũng không phải, đôi khi tôi vẽ theo yêu cầu, ví dụ như vẽ tuyên truyền về chiến thắng Quảng Trị, vẽ chào mừng một dịp đặc biệt nào đó. Tôi không vẽ tranh bán ra thị trường. Các phòng tranh ở Hà Nội không có tranh tôi gửi ở đấy đâu, may ra chỉ có những người từng mua tranh của tôi hoặc được tôi tặng tranh, họ bán lại cho phòng tranh thôi. * Ông nghĩ thế nào về vai trò của người mua tranh đối với nghệ thuật? - Người mua tranh cực kỳ quan trọng. Đôi khi họ còn thông thái hơn cả người vẽ. Khi họ đến mua tranh của tôi, họ phải nhờ nhiều chuyên gia, thuê cố vấn đến tận nhà tôi để xem tranh, xem cách tôi vẽ tranh. Những người mua tranh hiểu biết nhiều về họa sĩ, thậm chí họ còn gợi ý cho họa sĩ. Họ vừa là người nuôi họa sĩ, vừa là người lái họa sĩ đi theo những bậc thang hiểu biết của họ. * Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”? - Tranh thị trường thì chỉ đẹp thôi, rực rỡ, các màu sắc ưa nhìn, chỉ thích hợp để trang trí ở chỗ nào đấy. Tranh nghệ thuật phải gắn liền với đời sống, phản ánh đời sống, phải mang tính xã hội. Ví dụ vẽ một cô gái đẹp, cô gái đó phải mang tính xã hội, phải nói lên một cái gì đó về người phụ nữ, phải có nét vui, nỗi buồn, chiều sâu chứ chỉ đẹp thôi thì sẽ thoáng qua, người ta quên ngay. Tranh thị trường khiến ta hoa mắt, đẹp đấy nhưng không để lại cái gì lâu dài cả. * Với ông, vẽ là nghề hay là nghiệp? - Theo tôi, vẽ là nghề. Mình sống vì nó, muốn sống vì nó thì mình phải sâu sát với nó. Nó không phải một trò chơi. Mình coi vẽ là nghề thì mình mới truyền nghề được, mới để lại nó cho đời sau được. Vẽ là nghề thì mình mới biết rèn luyện tay nghề, mới biết bám nghề được. Còn nếu chỉ coi nó là cái vui, cái giải trí thì mình sẽ nhảy sang nghề khác ngay. |
(Còn nữa)
Nguyễn Minh Duyên
Tags