LTS: Sân khấu TP.HCM có một mảng kịch tuy nhỏ nhoi, nhưng có tuổi đời hơn 40 năm, lại tâm huyết vô cùng, hướng đến tính giáo dục và đào tạo thế hệ khán giả tương lai. Đó là sân khấu kịch thiếu nhi. Nhiều nghệ sĩ đã dấn thân vào mảng này như một niềm say mê đáng trân quý. Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (sẽ hết hạn nhận tác phẩm vào 20/4 và dự kiến trao giải vào dịp 1/6 tới), báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu loạt bài về bức tranh toàn cảnh sân khấu kịch thiếu nhi TP.HCM.
Năm 1982, Đội kịch Tuổi Ngọc trực thuộc Nhà thiếu nhi quận 1 TP.HCM, chuyên về kịch thiếu nhi ra đời. Suốt mấy chục năm, đội kịch này đã đóng góp vào sân khấu chuyên nghiệp và phong trào kịch thiếu nhi ở TP.HCM rất nhiều tác phẩm, tiểu phẩm ấn tượng.
Nhiều người vẫn nhớ đến đạo diễn - NSƯT Lê Cường, bởi anh chính là người thành lập và chăm chút cho Đội kịch Tuổi Ngọc từ năm 1982.
Người thầy Lê Cường
Thật ra, năm 1982, Lê Cường mới mở lớp kịch thiếu nhi thôi, nhưng dạy xong vài khóa thì anh thấy các em có khả năng thực sự, nên đến 1985 thì anh chính thức thành lập Đội kịch Tuổi Ngọc để biểu diễn hằng tuần tại Nhà thiếu nhi quận 1 (số 7 Trần Cao Vân, TP.HCM).
Có tiếng vang, đội kịch diễn luôn tại các trường học, bán vé đàng hoàng, nhưng giá vé rất mềm, các em học sinh dễ dàng đi xem.

Đạo diễn - NSƯT Lê Cường. Ảnh tư liệu
Lúc đó, ngoài Lê Cường là giáo viên còn có những nghệ sĩ khác cùng tham gia giảng dạy hoặc biểu diễn trong các vở chung với các em để bảo đảm nội dung đầy đặn, như Khánh Hoàng, Thành Hội, Lê Diễn, Tấn Phát, Chánh Trực… Cần nói rõ, Tuổi Ngọc tuy trực thuộc Nhà Thiếu nhi Quận 1, nhưng là đơn vị xã hội hóa do Lê Cường tự đầu tư, tự thu chi, xoay xở. Thời điểm đó mà làm được như vậy quả là rất năng động.
Khoảng 3-4 năm sau, Nhà thiếu nhi Quận 1 cho sân khấu IDECAF thuê để mở thêm điểm diễn, thì Đội kịch Tuổi Ngọc phải thuê điểm diễn tại rạp Hưng Đạo và sân khấu Nụ Cười Mới. Sau đó IDECAF trả mặt bằng, Tuổi Ngọc quay lại điểm diễn cũ. Đến 2010 cơ chế quản lý thay đổi, Nhà thiếu nhi Quận 1 phải xây sửa lại, Tuổi Ngọc phải về "đóng đô" ở một cơ sở giáo dục tại Quận 1, nhưng địa điểm này chỉ là nơi sinh hoạt bình thường, chứ không đủ mặt bằng biểu diễn. Từ đó đến nay, các đội nhóm đã tan rã gần hết.
Trong quá trình vừa dạy vừa tổ chức biểu diễn, đạo diễn Lê Cường đã đào tạo ra nhiều gương mặt trẻ sau này trở nên nổi tiếng, như Vũ Long, Ngọc Trai, Kim Hiền… đóng phim rất nhiều; Mai Phương, Tuấn Anh, Hoàng Yến… cộng tác với sân khấu Hồng Vân; Hoàng Phi tham gia sân khấu Thế Giới Trẻ; Chánh Trực vừa diễn vừa dựng cho sân khấu 5B; Công Danh thường xuyên diễn cho Hoàng Thái Thanh… Trong đó, nhiều người học tiếp lên các trường chính quy như Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, và trở lại tham gia trợ diễn, giảng dạy cùng thầy Lê Cường.

Đội kịch Tuổi Ngọc biểu diễn. Ảnh tư liệu
Thật sự, hơn 20 năm xây dựng Đội kịch Tuổi Ngọc, người ta rất trân quý đạo diễn Lê Cường vì anh xả thân cùng các em nhỏ, không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người anh, cùng sống trong mái nhà sân khấu, nuôi những ước mơ trong trẻo, say nghề, không hề toan tính, vụ lợi. Đồng lương giảng viên rất ít ỏi, Lê Cường cùng các giảng viên khác có khi còn bỏ thêm tiền túi ra đãi tụi nhỏ ăn uống trong các bữa tập tuồng, ngay cả bán vé cũng rất thấp, coi như có hoạt động để tụi nhỏ "làm nghề", chứ không phải kinh doanh gì cả.
Lê Cường chạy sô chỗ khác kiếm tiền, để bù cho những ngày lên lớp. Anh nói: "Cả tuần đi kiếm tiền nơi khác, cuối tuần về với tụi nhỏ như xả stress thôi, vui không tả được".
Thời đó, học sinh chưa phải học thêm nhiều như sau này, nên các em học kịch 3 buổi mỗi tuần với các môn kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hình thể, múa hát. Từng theo dõi những buổi dạy của Lê Cường và các giảng viên khác, người viết bài khâm phục cho sức chịu đựng của họ. Dạy con nít đã mệt, mà dạy nghề sân khấu còn mệt gấp mấy lần dạy văn hóa. Chỉ riêng giờ tiếng nói sân khấu thôi đã thấy thầy cô khan tiếng vì phải nói "thị phạm" rất nhiều. Trẻ em chưa hoàn chỉnh về ngôn ngữ, có nhiều đứa mới tiểu học, giọng còn non nớt, thấy mà thương, thầy dạy càng thêm vất vả. Nhưng thật sự thấy lớp học rất vui và sinh động. Những đứa học trò giọng còn trong veo, cơ thể còn mềm mại với những động tác, tay chân đưa lên múa trông rất cưng. Thế mới hiểu tại sao Lê Cường và các giảng viên bám nghề như vậy. Cái tình cảm lớn hơn đồng tiền thù lao.

Khi dẫn đi biểu diễn càng vất vả. Lê Cường nói: "Con nít thì tất nhiên lao chao, mình dẫn đi là phải canh chừng kỹ lắm, chịu trách nghiệm với cha mẹ tụi nó lớn lắm. Nhưng cũng hay ở điểm, khi vô lớp học kịch và đi biểu diễn thì các em có tính kỷ luật tốt hơn. Giảng viên chúng tôi vừa thân tình nhưng cũng vừa nghiêm khắc, không những dạy nghề mà còn dạy đạo đức cho các em nữa. "Thành công" và "thành nhân" phải đi đôi, thậm chí "thành nhân" trước khi "thành công".
"Khi vô lớp học kịch và đi biểu diễn thì các em có tính kỷ luật tốt hơn. Giảng viên chúng tôi vừa thân tình nhưng cũng vừa nghiêm khắc, không những dạy nghề mà còn dạy đạo đức cho các em nữa" - đạo diễn Lê Cường.
Tiếp tục gầy dựng lứa mới
Năm 2020, đạo diễn Lê Cường về cộng tác với Nhà thiếu nhi TP.HCM, thành lập đội kịch mới là Đội kịch Nhà thiếu nhi TP.HCM, chứ không có tên riêng như Tuổi Ngọc. Các em cũng phải học 2 buổi mỗi tuần, biểu diễn mỗi tháng 1 lần tại nhà thiếu nhi này luôn, không bán vé. Kinh phí hoàn toàn do nhà nước cấp, tất nhiên thầy trò phải gói ghém, miễn được hoạt động là vui rồi. Có khoảng 20 em đang tham gia học và diễn. Trung bình mỗi năm Lê Cường dựng 3-4 tiểu phẩm, đủ diễn xoay vòng cho nhuần nhuyễn.
Đạo diễn Lê Cường quả không hề mệt mỏi trong công tác giáo dục đào tạo thiếu nhi. Anh nói: "Cả đời theo nghiệp đó rồi, vừa có kinh nghiệm, vừa có tình yêu. Thôi kệ, quy mô lớn nhỏ gì cũng có ích, cũng tạo nền móng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhiều em sau này sẽ theo nghề, sẽ đi học chính quy, sẽ giữ lửa sân khấu. Tôi an lòng vì biết mình đã trồng được những lứa cây non, rồi cây đó sẽ được bồi dưỡng tiếp tục để trưởng thành".
Đạo diễn Chánh Trực nhớ lại: "Tôi là một trong những học trò của thầy Lê Cường, sau ở lại giảng dạy luôn. Hồi đó Tuổi Ngọc mạnh lắm, vì sân khấu thiếu nhi không có, thậm chí sân khấu xã hội hóa dành cho người lớn cũng chỉ mới có 5B. Vì vậy nhiều nghệ sĩ mới tốt nghiệp chưa có chỗ làm cũng về Tuổi Ngọc biểu diễn hoặc dàn dựng. Thầy Lê Cường mời cả những tên tuổi lớn như đạo diễn Trần Minh Ngọc, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dựng vở, đặc biệt các vở chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh như Thằng quỷ nhỏ, Bong bóng lên trời... Học trò thì rất đông, phải chia 3-4 lớp mới dạy hết. Và duy nhất Quận 1 có Liên hoan Sân khấu Thiếu nhi, các đội nhóm tham gia xôm tụ. Các vở diễn thường đan xen diễn viên thiếu nhi chung với diễn viên người lớn nên nội dung đầy đặn.
Đã sống hết lòng
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát chia sẻ: "Chúng tôi mở đầu cho kịch thiếu nhi với tất cả đam mê chứ thù lao có bao nhiêu. Nhưng hoạt động rất vui, nào diễn tại chỗ, diễn các tỉnh, ra tận Huế dự festival, rồi thêm đóng phim… Phim nào cần diễn viên nhí là họ cứ tìm tới Tuổi Ngọc mà "chọn lựa" những hạt giống đã ươm mầm sẵn, giúp cho đạo diễn đỡ vất vả. Thầy cô chúng tôi phải đi theo đoàn phim để hỗ trợ và bảo vệ các em, hy sinh cả thời gian chạy sô kiếm tiền, nhưng lòng đầy trách nhiệm và hạnh phúc.
Thật tình, phải yêu thương trẻ em, phải làm với tấm lòng hy sinh, chứ đừng có nghĩ tới lợi nhuận, vì ít ỏi lắm. Tuổi Ngọc một thời là hạnh phúc của đạo diễn Lê Cường và nhiều nghệ sĩ khác, coi như mình đi ươm mầm cho sân khấu, giờ vẫn là niềm tự hào vì mình đã sống hết lòng".
(Còn tiếp)
Tags