Hành trình nhà dài 'hóa ngắn' của người Êđê

Thứ Năm, 04/05/2023 11:00 GMT+7

Google News

Giống như nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, nhà ở của cộng đồng người Êđê đang có những biến đổi cả về dạng thức kiến trúc và vật liệu xây dựng. Về phương diện văn hóa tộc người, điều này đặt ra những băn khoăn trước sự mai một của một di sản văn hóa độc đáo.

1. Tại cuộc tọa đàm Giao lưu với người Êđê: Ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mới đây, các chuyên gia đã phần nào dựng lại bức tranh về sự vận động của nhà ở từ truyền thống sang đương đại trong cộng đồng người Êđê tại Đắk Lắk.

Theo đó, cư trú nhà sàn dài là đặc trưng văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên… Song, đặc biệt hơn hết, người Êđê xưa kia đã từng có những ngôi nhà dài tới hàng trăm mét. Trong sử thi Êđê, chiều dài của nhà tù trưởng giàu có còn được phóng đại lên bằng cách ví với "một tiếng chiêng ngân" hay "một thôi ngựa chạy".

Hành trình nhà dài 'hóa ngắn' của người Êđê  - Ảnh 1.

Sự biến đổi trong vật liệu xây dụng trong một ngôi nhà sàn của dân tộc Êđê tại buôn Akô Dhông (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk)

Trước kia hình thức đại gia đình phổ biến trong xã hội mẫu hệ của người Êđê. Theo đó, độ dài ngôi nhà cũng tùy thuộc vào số lượng gia đình nhỏ của các con gái, cháu gái sinh thành từ một người mẹ, người bà là bà chủ đại gia đình ấy. Mỗi người sau khi lấy chồng đều có phòng riêng, nên ngôi nhà cũng vì thế được nối dài ra phía sau.

Từng tham gia tu sửa ngôi nhà Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông Y Bhiêt Hmok, một người Êđê từ buôn Ky (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ: "Khi đến đây, được nhìn thấy ngôi nhà giống với ngôi nhà sàn ngày xưa, tôi rất bồi hồi, xúc động. Bởi bây giờ ở Đắk Lắk, mọi người đều chuyển sang ở nhà gạch. Nếu bắt gặp nhà sàn của người Êđê thì hầu hết đều là sàn gỗ, cột bê tông, lợp mái tôn".

Qua tâm sự trên, có thể hình dung nhà người Êđê hiện nay biến đổi mạnh mẽ như thế nào. PGS Phạm Văn Lợi (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết thêm: Những cuộc di dân của người Kinh lên Tây Nguyên trong thế kỉ XX, nhất là từ những năm 1950 trở đi đã tạo ra nhiều thay đổi lớn về kinh tế - xã hội, dẫn đến xu hướng nhiều thanh niên khi lập gia đình muốn tách ra ở riêng. Cũng từ đó, ngôi nhà dài dần dần ngắn đi, và ông Lợi gọi đây là xu hướng biến đổi từ nhà sàn dài sang nhà sàn ngắn.

Hành trình nhà dài 'hóa ngắn' của người Êđê  - Ảnh 2.

Nhà sàn dài người Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sau khi hoàn thiện quy trình tu sửa

Dù rút ngắn chiều dài ngôi nhà, mỗi ngôi nhà sàn truyền thống Êđê vẫn gồm 2 không gian nội thất chính: Gian bên ngoài dành cho sinh hoạt chung của gia đình, cũng là nơi tiếp khách và tiến hành các nghi lễ cúng bái theo tập tục; gian bên trong được ngăn ra thành các phòng để làm chỗ ở riêng cho từng cặp vợ chồng trong nhà. Không gian còn lại dành cho một số chức năng khác phục vụ đời sống chung của gia đình, như chỗ để nước sinh hoạt, chỗ cất dụng cụ lao động,…

2. Từ năm 1975 trở đi, việc gia tăng dân số cơ học do di cư lên Tây Nguyên đã tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống người Êđê. Đặc biệt, vào những năm 1980, cuộc vận động thực hiện "định canh, định cư" và phát triển kinh tế vườn đã tạo nên phong trào rầm rộ giải thể nhà dài, phát triển hình thức gia đình nhỏ làm nhà ở riêng. Vì thế, những ngôi nhà sàn dài kiểu cổ truyền còn lại đến lúc đó đã thưa vắng nhanh chóng trong các buôn làng Êđê, khi ngày càng có nhiều người chuyển sang lối cư trú nhà trệt như người Kinh.

Hành trình nhà dài 'hóa ngắn' của người Êđê  - Ảnh 3.

Chân dung 13 người thợ tham gia tu sửa nhà người Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Cùng với đó, những ngôi nhà rường, nhà cấp 4, nhà tầng trở nên phổ biến hơn trước. Chỉ còn một số ít buôn làng bảo tồn được lối sống nhà sàn, rồi sau này trở thành điểm tham quan phục vụ du khách, điển hình như buôn Akọ Dhông (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Theo TS Lưu Hùng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc lấy nhà ở kiểu hiện đại của người Kinh làm mẫu là xu hướng đã và đang bao trùm lên nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời nay, nhất là ở khu vực Tây Nguyên. Bởi thế, không khó để lý giải hiện trạng chuyển đổi kiến trúc nhà ở cùng lối sống của các tộc người tại chỗ ở đây.

Hành trình nhà dài 'hóa ngắn' của người Êđê  - Ảnh 4.

TS Lưu Hùng phát biểu tại tọa đàm

Gắn liền với biến đổi về cấu trúc nhà ở, sự thay đổi về vật liệu xây dựng và vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng là vấn đề được ông Lợi nhấn mạnh. Người Êđê trước đây làm nhà thường lấy gỗ cà chít làm cột, dùng tre lồ ô làm sàn, lợp mái bằng cỏ tranh... Song vật liệu xây dựng khai thác từ thiên nhiên còn tồn tại nhiều hạn chế so với vật liệu hiện đại. Trong khi mái tôn ưu thế bởi có độ bền tới 40-50 năm, thì mái tranh chỉ ít năm là phải lợp lại. Hay, nhà xây bằng bê tông, cốt thép có tuổi thọ lên tới trên 70 năm, cao hơn nhiều so với nhà sàn truyền thống. Gần đây, xuất hiện xu thế làm nhà kiểu truyền thống bằng vật liệu hiện đại, giống mô tả của ông Y Bhiêt.

Từ ở góc độ nghiên cứu di sản văn hóa và làm công tác bảo tàng, ông Hùng không khỏi trăn trở trước tình trạng nhiều yếu tố văn hóa của các tộc người thiểu số dần bị mai một và biến mất trong xã hội đương thời. Như lời ông, bản thân mỗi người dân - chủ thể văn hóa của mỗi dân tộc - cần nhận thức được giá trị ẩn chứa bên trong văn hóa truyền thống của chính cộng đồng mình và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, tiếp nối vốn quý ấy. Để từ đó, không xảy ra tình trạng đến một lúc, họ phải tìm về với văn hóa truyền thống của cộng đồng mình trên những trang sách hoặc trong bảo tàng.

Trong điều kiện rừng đã bị khai thác và tàn phá nghiêm trọng, người dân Êđê rất khó có thể khai thác gỗ, tre nứa, dây mây, cỏ tranh để làm nhà kiểu cổ truyền. Đó cũng là một lý do để việc làm nhà kiểu hiện đại trở nên dễ dàng hơn.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›