Hát bội làm du lịch và tiếp cận giới trẻ: Rút ngắn khoảng cách hàng trăm năm với hát bội

Thứ Tư, 25/09/2019 19:39 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi là người đã đi xem hát bội từ hồi nhỏ xíu, nhưng tôi không ngờ mình đã có một đêm đầy thú vị với một kiểu hát bội rất mới, rất hiện đại. Và cùng ngồi với tôi là hơn 600 khán giả, trong đó 2/3 là sinh viên trẻ, đa số hầu như không hề biết hát bội là gì.

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cải lương bị đẩy vào thảm cảnh giành đất diễn của hát bội

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cải lương bị đẩy vào thảm cảnh giành đất diễn của hát bội

Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa tham chương trình di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều kéo dài trong 2 năm do Hội đồng Anh thực hiện tại Kenya, Colombia và Việt Nam. Trong khuôn khổ của dự án này, chị và cộng sự vừa về Việt Nam nghiên cứu lịch sử truyền miệng của sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam.

Vậy mà những tràng pháo tay giòn giã cứ vang lên suốt 60 phút. Chỉ là 60 phút thôi, nhưng đã rút ngắn khoảng cách hàng trăm năm với hát bội.

Đêm 20/9, tại sân khấu Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ), đã diễn ra một chương trình gọi là “thử trình làng” cho các công ty du lịch và các em sinh viên xem có thể trở thành sản phẩm cho du khách hay không, và có thể tiếp cận lớp trẻ hay không?

Âm nhạc cộng hưởng cùng vũ đạo…

Khuôn viên sảnh là nơi trưng bày những bộ trang phục hát bội và đạo cụ như kiếm, đao, thương, cộng với những nghệ sĩ ngồi hóa trang, tạo một không gian cho khán giả tìm hiểu. Sân khấu lầu 1 là nơi biểu diễn với thiết kế đẹp và hiện đại, và trong 60 phút sân khấu cứ biến đổi huyền ảo, chinh phục được người trẻ.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Minh Khương và Ngọc Giàu trong vở “Sanh vi tướng, tử vi thần”. Ảnh: H.K

Sanh vi tướng, tử vi thần (tác giả Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, biên đạo múa NSƯT Xuân Quan, âm nhạc NSƯT Hồ Văn Thành) là một cách tân độc đáo, mà tôi cho rằng lớp khán giả xưa chắc cũng chấp nhận vì nó vẫn giữ được chất hát bội chứ không hề mất đi. Phải cách tân để lớp trẻ chấp nhận và cũng phải làm vừa lòng thế hệ xưa, quả là bài toán khó. Nhưng không ngờ ê kíp dựng vở đã làm được.

Mới lạ ở chỗ cả vở diễn không hề có một lời thoại, lời ca nào, chỉ còn lại vũ đạo và âm nhạc, vậy mà khán giả vẫn hiểu hết câu chuyện và vỗ tay rất nhiều. Tước đi những lời hát ứ ư mà lớp trẻ bảo rằng “khó nghe quá”, nhưng âm nhạc tiêu biểu của hát bội thì vẫn giữ lại, vẫn không lẫn vào đâu được, nghe là biết ngay hát bội. Nhưng chính ở chỗ chỉ thuần âm nhạc mà người ta càng lắng nghe rõ hơn, thưởng thức tận cùng hơn.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Bảo Châu (phải) trong vở “Sanh vi tướng, tử vi thần”. Ảnh: H.K

Hóa ra âm nhạc của hát bội quá hay, rất nhiều làn điệu để diễn tả tâm trạng, tình tiết, kịch tính. Vui tươi, hoan lạc, sợ hãi, căm thù, đau đớn, xót xa, yêu thương, hoài niệm… không thiếu cung bậc nào. Ngày xưa, vì có lời ca cho nên thế hệ chúng tôi chưa bao giờ lắng nghe âm nhạc hát bội kỹ như lần này. Nhạc sĩ Hồ Văn Thành là bậc thầy trong lĩnh vực chọn nhạc, ông chọn nhạc cho kịch nói, cải lương lẫn hát bội và với vở này ông thiết kế âm nhạc quá đẹp.

Dàn nhạc cả chục người, mặc áo dài khăn đóng trang trọng, đã thực hiện những bản phối nghe rất truyền thống mà vẫn mới mẻ, rất dễ chịu. Âm nhạc là một thành công lớn của vở.

Chú thích ảnh
Phía sau là những nghệ sĩ ưu tú làm dàn bao cho đàn em, phía trước là những diễn viên phụ trẻ măng và xinh đẹp. Ảnh: H.K

Và chính âm nhạc cộng hưởng với vũ đạo giúp khán giả cảm nhận nội dung một cách dễ dàng. NSƯT Xuân Quan là bậc tiền bối đã đầu tư thật nhiều cho công tác biên đạo, ông chọn những trình thức biểu diễn căn bản nhất của hát bội và huấn luyện đàn em. Khán giả đã vỗ tay rất nhiều cho những lớp diễn khó, hoặc động tác đẹp. Hóa ra chúng ta có một kho báu không kém gì ballet hay kịch câm. Xem ballet và kịch câm, cũng chỉ có vũ đạo và âm nhạc thôi mà, thế thì tại sao chúng ta lại không xem được hát bội của mình? Rõ ràng khi hát bội thử nghiệm với một vở như thế này lại đi đúng với tư duy nghệ thuật hiện đại, vượt qua được rào cản ngôn ngữ, khách nước ngoài, trong nước xem đều hiểu.

Lớp diễn chàng trai vượt trùng dương tìm con đường chiến đấu bảo vệ quê hương, chàng đi trên một chiếc thuyền thúng, bị sóng gió lật chìm, rồi lênh đênh, rồi thoát được. Biểu diễn trên một cái thúng bình thường hay bán ngoài chợ, nghĩa là cái thúng nhỏ xíu chỉ vừa nghệ sĩ co người ngồi vào, rõ ràng là cực khó. Vậy mà nghệ sĩ Bảo Châu đã thực hiện một trường đoạn rất dài và tuyệt đẹp, nhận được không biết bao nhiêu pháo tay. Biên đạo Xuân Quan đã sáng tạo xuất sắc. Hát bội đâu chỉ dừng lại ở những trình thức căn bản, mà nghệ sĩ cứ tha hồ đột phá, để người ta còn thấy hát bội luôn là “mới mẻ”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Anh Thi trong vở “Sanh vi tướng, tử vi thần”. Ảnh: H.K

Ngôn ngữ ước lệ, giới trẻ vẫn hiểu

Nội dung câu chuyện gói gọn trong 60 phút nhưng tiết tấu rất nhanh, nhiều tình tiết hấp dẫn, nghẹn ngào, cảm động cứ nối theo nhau liên tiếp, khiến cho khán giả không thấy chán.

Mở đầu là không gian thanh bình của quê hương đất Việt, trai thanh gái tú đua nhau trẩy hội, hẹn hò, hái hoa bắt bướm… Nhưng rồi vó ngựa quân thù kéo đến, tan tác muôn phương. Mọi người chung tay thề quyết chiến, cùng lên đường đánh giặc. Những cô gái xông vào thành lũy, những chàng trai lặn dưới nước đục thuyền của giặc… rồi bị bắt, bị tra tấn, bị chém đầu, bị tứ mã phanh thây. Anh linh cô gái trở thành ngọn lửa trong đêm soi đường cho người yêu thoát khỏi rừng rậm, tiếp tục chiến đấu. Không ai đầu hàng, không ai chùn bước.

Duy chỉ có một chàng trai vì chữ hiếu mà không lên đường, ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Nhưng vó ngựa quân thù tràn qua thôn xóm, những cảnh giết chóc, hãm hiếp xảy ra trước mắt, chàng trai và mẹ già đều đau xót, căm hờn. Người mẹ đã tự vẫn để con mình rảnh tay lo việc nước. Chôn cất mẹ xong, chàng trai vượt trùng dương ra đi, vào được đền thần, thần ban cho thanh gươm báu, sau khi giết giặc chàng trả lại gươm và sống cảnh thanh bình.

Ngồn ngộn tình tiết cho nghệ sĩ thi thố tài năng và cho khán giả thưởng thức. Ngôn ngữ ước lệ của hát bội vẫn còn đó, không lẫn vào đâu được. Và còn thú vị ở ý nghĩa ẩn dụ. Thần linh đó không phải một vị thần thật sự, mà là hồn thiêng sông núi, là khí hùng dân tộc luôn dõi theo vận mệnh đất nước và phò tá người tài trên đường bảo vệ non sông.

Kiếm báu trao tay gợi nhớ tích Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy. Lịch sử đã nhẹ nhàng bước vào hát bội với mô-típ hoàn kiếm ấy. Cho nên xem mà xúc động, bởi câu chuyện đã cộng hưởng cùng lịch sử.

Một đêm diễn thú vị. Hạ màn, hàng trăm em sinh viên không chịu ra về mà đứng xúm nhau ở sảnh bàn tán rôm rả. Hỏi thì em nào cũng trả lời là… OK, OK, là hiểu hết, là hay lắm, rất thích, dễ xem chứ đâu có khó v.v…

Sự thẩm định từ chính lớp trẻ cho phép chúng ta hy vọng. Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát, nói: “Chúng tôi muốn tiếp cận khách du lịch và cả khán giả trẻ của mình nữa. Chúng tôi sẽ giới thiệu, chào mời các trường đại học và phổ thông, các công ty lữ hành, mong rằng mọi người tiếp cận hát bội một cách dễ dàng”.

Tạo lớp trẻ nối nghiệp

Lại thêm một chuyện mừng, hát bội vẫn còn những nghệ sĩ dấn thân, bất chấp thị trường rộn ràng chạy theo những thứ thời thượng. Bốn vai chính là Minh Khương, Ngọc Giàu, Bảo Châu, Anh Thi đều xinh đẹp và diễn tốt, các diễn viên phụ cũng xinh xắn, chịu khó, hứa hẹn những hy vọng cho hát bội. Cảm động nhất là những nghệ sĩ ưu tú gạo cội của Nhà hát như Xuân Quan, Linh Hiền, Thanh Trang, Hữu Danh, Linh Phước đã lui về làm dàn bao cho thế hệ trẻ. Họ đang ra sức đào tạo những người nối nghiệp mình.

Hoàng Kim

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›