(Thethaovanhoa.vn) - Đến nay, nghệ thuật hát xẩm đã lan tỏa và có một chỗ đứng trong làng âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn đang đối mặt với những khó khăn, cần được sự quan tâm của các cơ quan quản lý văn hóa.
Lan tỏa nghệ thuật hát xẩm
Theo nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ, từ năm 2005 đến nay, 15 năm nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng, đến nay, nghệ thuật hát xẩm đã có một chỗ đứng trong làng âm nhạc dân tộc Việt.
- Hát xẩm – Hành trình đến di sản: Nghệ thuật của cội nguồn dân gian
- Ninh Bình: Vinh danh 45 nghệ sỹ tại Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2019
- Khai mạc liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2019
Điều chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất là hát xẩm đã tự thân lan tỏa và hiện diện ở nhiều môi trường, không gian khác nhau. Hát xẩm xuất hiện trong các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật lớn, tại các sân chơi âm nhạc, trong phim, trên sân khấu kịch… xẩm đã đi vào trong đời sống văn hóa. Các câu lạc bộ hát xẩm ngày càng nhiều lên. Từ một câu lạc bộ năm 2005, đến nay cả nước đã có trên 20 câu lạc bộ hát xẩm trải dài từ Bắc vào Nam. . Một số địa phương có câu lạc bộ hát xẩm hoạt động hiệu quả như ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh…
Không những thế, hát xẩm còn trở thành “sứ giả văn hóa” được các nghệ sỹ mang ra nước ngoài biểu diễn. Các nghệ sỹ đã mang xẩm đi giới thiệu và biểu diễn ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Có cộng đồng người Việt ở nước ngoài vì mê xẩm nên cũng đã thành lập câu lạc bộ hát xẩm. Có những sinh viên nước ngoài còn xin học bổng để sang Việt Nam học hát xẩm…
Thành quả của việc nỗ lực bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật hát xẩm là Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm được tổ chức vào tháng 12/2019 vừa qua tại Ninh Bình, do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ chức. Đây là hoạt động mang tính “chính danh” đầu tiên cho nghệ thuật hát xẩm sau 15 năm các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ, nghệ nhân nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và đưa hát xẩm trở lại với công chúng.
Nghệ sỹ ưu tú Mai Tuyết Hoa cho biết, lần tổ chức Liên hoan đầu tiên này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về giá trị của nghệ thuật hát xẩm, về việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật hát xẩm nói riêng. Với gần 20 câu lạc bộ hát xẩm tham gia Liên hoan vừa qua đã cho thấy, dù chưa được quan tâm, nhưng nhờ tình yêu với nghệ thuật hát xẩm, nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sỹ, nghệ nhân mà nghệ thuật hát xẩm đang dần trở lại với công chúng.
Từ Liên hoan đầu tiên cho thấy, các nghệ sỹ, nghệ nhân hát xẩm đã có những sáng tạo linh hoạt, để nghệ thuật hát xẩm tốt hơn, đẹp hơn gần gũi hơn với công chúng. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhóm nghệ sỹ hát xẩm trên cả nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi nhằm nâng cao chuyên môn về nghệ thuật hát xẩm, là cơ hội để nhiều bạn trẻ tiếp cận với văn hoá truyền thống.
Nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ, điều đáng mừng nhất là trong Liên hoan vừa rồi, là có tới 80% các các câu lạc bộ trẻ, phần lớn là thanh thiếu niên. Trong đó, nghệ nhân trẻ tuổi nhất mới có 4 tuổi đã đi hát xẩm. “Sự xuất hiện của các câu lạc bộ trẻ đã cho thấy sức sống của xẩm đang trỗi dậy”. nhạc sỹ Thao Giang nói.
Những tín hiệu vui
Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho biết, anh đã tham gia rất nhiều hoạt động, ở nhiều góc độ khác nhau: Từ đi điền dã đến nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thông tin báo chí, biên tập, tổ chức biểu diễn… với mục tiêu lớn nhất là xẩm có vị trí xứng đáng như nó đã có được trong đời sống tinh thần của người dân cả nước. Bây giờ, ít nhất xẩm cũng đã được nhận diện trong gia đình âm nhạc cổ truyền dân tộc, tương đương như quan họ, chèo, hát xoan, hát ghẹo...
Không chỉ bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật hát xẩm, một số nhạc sỹ nhạc sỹ, nghệ sỹ còn cho ra đời những sáng tác mới, mang hơi thở thời đại để nghệ thuật hát xẩm tiếp tục “sống” trong lòng khán giả. Có thể kể đến một số những bài xẩm được các nghệ sỹ thuộc nhóm xẩm Hà Thành viết lời mới như bài xẩm “Tiễu trừ cướp biển” thể hiện tiếng nói mạnh mẽ về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bài xẩm "Rượu bia tối kỵ lái xe" và "Dặn chồng chớ uống rượu bia" góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Một số bài xẩm được sáng tác ca ngợi những nét văn hóa như bài xẩm “Trà đá”, xẩm “Bốn mùa hoa Hà Nội” ca ngợi nét đẹp truyền thống đan xen với hiện đại của Hà Nội. Rồi xẩm “Tứ vị Hà thành” nói lên 4 món ăn vừa đặc trưng mà sang trọng của Hà Nội là phở, bún đậu mắm tôm, bún chả, bánh tôm Hồ Tây.
Trung tuần tháng 12 vừa qua, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long chính thức ra mắt album xẩm "Trách ông Nguyệt Lão". Album gồm 9 bài xẩm, là những sáng tác chọn lọc của nhạc Nguyễn Quang Long trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019. Trong đó, có 3 bài được khai thác từ hai thi sĩ thuộc hai thế hệ mà anh cảm thấy đồng điệu về tâm hồn, đó là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang để lồng điệu xẩm trở thành những bài hoàn chỉnh là "Chân quê" (Nguyễn Bính), "Thôi em cứ việc lấy chồng" và "Nghĩ kỹ mà xem" (Hồng Thanh Quang). 6 bài còn lại trong album do Nguyễn Quang Long sang tác gồm: "Trách ông Nguyệt Lão", "Dặn con", "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Duyên phận tơ vòng", "Xẩm phố thu", "Ơ này, em gì đấy ơi"… Album xẩm vừa ra mắt đã nhận được sự yêu mến, cổ vũ nhiệt tình của khán giả cho thấy, hát xẩm đang ngày càng đến gần hơn với công chúng.
Mặc dù xẩm đã từng bước đi vào lòng công chúng, nhưng các nghệ sỹ, những người yêu xẩm vẫn không khỏi chạnh lòng, bởi nhiều năm qua, nghệ thuật hát xẩm hầu như chưa nhận được sự quan tâm của ngành văn hóa.
Nghệ sỹ ưu tú Mai Tuyết Hoa chia sẻ, sau 15 năm gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, chị thấy buồn bởi những người yêu nghệ thuật hát xẩm vẫn đang “tay không bắt giặc”. Nghĩa là các nghệ sỹ chuyên hay không chuyên đến với xẩm, gìn giữ nghệ thuật hát xẩm bằng chính tình yêu của mình với loại hình nghệ thuật này, chứ chưa hề nhận được sự quan tâm, đầu tư của cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương.
Nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thừa nhận, đến nay, hát xẩm vẫn đang bị coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức so với các loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng như chưa tương xứng với giá trị quý báu của di sản.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, hiện nay xẩm rất thiệt thòi vì chưa được quan tâm nhiều, trong khi nghệ thuật này có sức lan tỏa khá mạnh mẽ, ấy là dễ đi vào lòng người, dễ tiếp nhận và có khả năng phản ánh đời sống xã hội một cách nhanh nhạy, kịp thời. Vì thế, các nhà quản lý văn hóa cần nhìn nhận xẩm là loại hình nghệ thuật dân gian có giá trị văn hóa nghệ thuật cao, cần có sự hỗ trợ để các nghệ sỹ làm tốt hơn, đào tạo thêm nhiều người hát xẩm chuyên và không chuyên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đang có kế hoạch phối hợp cùng các tỉnh khu vực phía Bắc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là mong muốn của đông đảo các nghệ sỹ, nghệ nhân hát xẩm cũng như những người yêu xẩm.
Hy vọng, trong một ngày không xa, nghệ thuật hát xẩm sẽ được ghi nhận một cách đúng đắn, có vị trí xứng đáng trong công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Phương Lan/TTXVN
Tags