(Thethaovanhoa.vn) - Ngót 9 tháng ở Hà Lan, Hậu chỉ ra sân vỏn vẹn 4 phút trong một trận đấu tại Cúp quốc gia của Heerenveen ở mùa giải 2019-2020, trước khi phải kết thúc sớm vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc Văn Hậu trở về lại Việt Nam, chỉ là vạn bất đắc dĩ, nhưng một lần nữa anh lại gặp vận rủi, khi bóng đá xứ sở nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung lại đang đóng băng.
Số là Covid-19 vừa trở lại và toàn bộ hệ thống các giải bóng đá Việt Nam phải tạm ngưng vô thời hạn. Đến ngay như AFF Cup 2020, thuận theo thông lệ, sẽ diễn ra vào cuối năm nay, thì cũng dời qua tháng 4/2021.
Như vậy, trong suốt gần một năm qua (chưa tính thời gian nghỉ vì Covid-19 sắp tới), ngoài một số trận đấu trong màu áo đội trẻ Heerenveen, thì Văn Hậu gần như không chơi bóng trong các trận đấu chính thức đỉnh cao.
Với cầu thủ thì quỹ các trận đấu (games) là rất quan trọng để duy trì cảm giác bóng, phong độ, cũng như nâng cấp bản thân. Hậu về thể hình đã phát triển một bước dài, so với thể trạng chung của cầu thủ Việt Nam và so với chính anh, trước chuyến đi đến Hà Lan. Và đấy dường như là thứ duy nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường của hậu vệ người Thái Bình.
Như Thể thao & Văn hóa đã đề cập nhiều lần, Văn Hậu là cầu thủ hay nhất ở thế hệ của mình và cũng là người được kỳ vọng lớn nhất khi xuất khẩu. Song dường như, cả nhà tuyển trạch, CLB chủ quản Hà Nội và người đại diện của Văn Hậu đều đã đánh giá chưa chuẩn xác về các vấn đề liên quan đến năng lực chơi bóng, sự khác biệt giữa 2 nền bóng đá và cả những khác biệt văn hóa.
Thêm Covid-19 bùng phát toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, cơ hội cho Hậu đã hiếm, còn trở nên cực khó. Văn Hậu quay về là thất bại với tất cả, chứ không riêng gì với cá nhân anh - một cầu thủ trẻ giàu khát vọng.
Nếu một trận đấu bóng đá có nhịp độ, lúc nhanh, lúc chậm, thì một cầu thủ với lộ trình phát triển cũng phải được tính toán rất kỹ. Ở tuổi của Văn Hậu, rất nhiều các ngôi sao bóng đá Á châu tung hoành ngang dọc ở trời Âu, mà Son Heung Min thực sự là một hình mẫu, từ Bundesliga (Đức) và giờ là giải Ngoại hạng Anh, nên không thể nói là người trong cuộc đã mạo hiểm với tình huống của Văn Hậu qua Hà Lan. Không mạo hiểm, nhưng có vẻ như hơi vội và quá nóng lòng chứng tỏ!
Sự khác biệt ở đây là năng lực chinh phục của cầu thủ Việt còn thấp, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay gần nhất là Thái Lan... Cần phải thẳng thắn với nhau như thế, bởi ngay cả giải Hà Lan, với một đội bóng tầm trung bình như Heerenveen, thì môi trường cạnh tranh suất đá - tỷ lệ chọi cũng không quá cao, lại ở vị trí hậu vệ. Dù sao, Văn Hậu vẫn còn rất trẻ và anh còn nhiều cơ hội làm lại ở tương lai, không chỉ là Hà Lan.
Trở lại với việc Văn Hậu trở về Việt Nam và đương nhiên sẽ lại là một phần quan trọng trong kế hoạch của CLB Hà Nội và các ĐTQG Việt Nam. Thậm chí, nếu SEA Games 2021 vẫn diễn ra đúng kế hoạch, tại Việt Nam, với U22 Việt Nam đang là chủ nhân chiếc HCV, thì Văn Hậu chính là cầu-thủ-thế-hệ-vàng duy nhất còn sót lại. Lúc ấy, Hậu nhiều khả năng mới gặp vận!
Tùy Phong
Tags