(Thethaovanhoa.vn) - “Chắc chú không nhớ cháu nhỉ”, người viết giật mình khi chàng trai bé nhỏ, cao chừng 1m60, kéo áo từ phía sau, hỏi bất chợt rồi cười tươi như thể thách thức trí nhớ của người được hỏi.
“À!”, tôi ngượng nghịu, ngạc nhiên lắm lắm! Câu chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu theo cách đó, rất cởi mở. Lê Quang Hùng dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên khác, bắt đầu từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, thời điểm khoảng năm 2006, 2007, khi cánh phóng viên thể thao Việt Nam rất đều đặn tìm về thành Nam đấu giao hữu với các tuyến trẻ của lò đào tạo nức tiếng cả nước này, theo lời mời của chủ nhà…
7 năm, chỉ cao thêm 3 cmNăm 2006 và liên tục một năm sau đó, mỗi lần có dịp đi công tác tại Hà Nội, Câu lạc bộ phóng viên thể thao Hà Nội (PTV.HN) lại kết hợp với cựu cầu thủ Công an Hà Nội (cũ), Tuấn Thành, Minh Hiếu, Trung Phong…, về đấu giao hữu với các tuyến trẻ của lò đào tạo Nam Định. Nói là đấu với trẻ Nam Định cho oai, chứ thực ra, chúng tôi chỉ đủ sức cầm cự khi đối tác là U15 đổ xuống. Một lần đụng phải lứa U17 của anh em nhà Danh Ngọc (đương kim tuyển thủ U23 Việt Nam bây giờ), Nhật Nam, Mạnh Dũng…, đội liên quân thua “bét nhè”.
Quang Hùng (20) ngày càng khẳng định được vị trí trong đội hình U23 Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt
Những kỷ niệm như thế, với người đương thời là rất hiếm và quý. Hơn nửa thập niên qua đi, bóng đá Nam Định trôi nổi, rồi dạt về tới tận hạng Nhì, do thiếu đầu tư và một định hướng phát triển thật rõ ràng, chúng tôi được biết là Quang Hùng đã nối gót các đàn anh Quang Huy, Thanh Tùng, Xuân Phú, Trần Trọng Lộc, Quốc Tuấn, cho đến Danh Ngọc, Mạnh Dũng, Văn Duyệt, Chu Ngọc Anh…, nói chung là gần đủ hai thế hệ tài năng gần đây nhất của bóng đá thành Nam, đều đã tề tựu về Hoa Lư. Trong số đó, Hùng ít được chú ý nhất, đương nhiên rồi!
Quang Hùng, truyền nhân của ai?
Kỹ năng, tư duy chơi bóng và sự quả cảm là những điểm mạnh của Quang Hùng. “Không có mối quan hệ hữu cơ nào giữa Quang Hùng và các đàn anh như Công Minh, Quang Thanh, Quang Cường…, nhưng có thể nhìn thấy nét tương đồng trong cách chơi của họ. Lên công về thủ nhịp nhàng, sự tự tin có thừa và đặc biệt những quả xộc thẳng vào trung lộ, rồi tung những quả căng ngang hiểm hóc. Quang Hùng vẫn còn trẻ và sẽ còn tiến bộ nhiều, nếu tiếp tục phấn đấu”, huấn luyện viên trưởng đội tuyển U23 Việt Nam, Hoàng Văn Phúc nói.Mới đây nhất, khi đội tuyển U23 Việt Nam chơi hai trận giao hữu quốc tế với các đối thủ đến từ những nền bóng đá mạnh là U23 Galatasaray và U23 Santos trên sân Thống Nhất, hậu vệ đeo áo số 20, Lê Quang Hùng, đã khiến hàng vạn khán giả phải “mắt tròn mắt dẹt”, sau những pha dốc bóng từ phần sân nhà, tiến sát đường biên cuối sân, rồi quăng chân tạt bóng cực kỳ chuẩn xác. Không dưới ba lần, Hùng mạnh dạn cầm bóng xộc thẳng vào trung lộ và toan ra chân. Cần nhắc lại rằng, Quang Hùng đang chơi bóng ở vị trí hậu vệ, chứ không phải tiền vệ.
Đá hậu vệ, nhưng Quang Hùng được phép làm điều mình muốn, trong những tình huống cụ thể. Đấy không phải là sự đặc cách, mà là một cách thừa nhận của ban huấn luyện. Một cầu thủ nhỏ thó và thoạt nhìn, không có nhiều tố chất để chơi môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá, nhưng có thể đấu tay đôi về thể lực, tốc độ và cả kỹ thuật, trước các đối trọng là Galatasaray hay Santos, những lò đào tạo và những câu lạc bộ lớn, từng sản sinh ra rất nhiều cầu thủ nổi tiếng thế giới. Và quan trọng hơn, Hùng chiến thắng trong hầu hết các pha solo như thế.Lịch sử nền bóng đá, từng sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng và Lê Quang Hùng chỉ là hậu bối, vừa rời vạch xuất phát không lâu. Điều mà tất cả chúng ta đều mong mỏi, đấy là làm sao và như thế nào, để kết hợp được những cầu thủ tài năng ấy, trở thành một khối thống nhất, đủ năng lực chinh phục và chiến thắng, thì vẫn dang dở lắm. Cũng tựa như bóng đá thành Nam, cái nôi đào tạo và từng là điểm bắt đấu của rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, cỡ anh em nhà Văn Dũng, Văn Sỹ…, nhưng lại chưa một lần cất cánh. Không phải do chuyên môn, ắt là chuyện cơ chế!
Thoát vòng kim cô ? “Nhà hắn nghèo, nghèo lắm. Nghe kể ngày trước, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, bố mẹ buộc lòng phải gửi hắn vào Trung tâm bóng đá Nam Định, nhờ họ nuôi hộ, cũng là để gia đình bớt đi miệng ăn, chứ không ai mong mỏi hắn sẽ thành danh. Sau rất nhiều lần tiếp xúc, tôi thấy, đây là một cầu thủ dản dị, mộc mạc và chân chất. Đá bóng chuyên nghiệp và đá cho cả đội tuyển, Hùng cũng có chút dư dả, nhưng tôi chẳng thấy hắn dùng điện thoại xịn bao giờ”, bác tài xế, người chuyên chở đội bóng Vissai Ninh Bình, mỗi khi họ xuôi nam đá V-League hay Cúp quốc gia, có những nhận xét thật lý thú. “Tôi đã từng nhiều lần lật giở lại, để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân tại sao bao nhân tài thành Nam, ở mọi địa hạt của xã hội, chứ chẳng riêng gì bóng đá, lại thường bỏ đi hết. Họ có thể ngược ra lại Hà Nam, xuôi vào Ninh Bình hay bơi ra tới Thái Bình, Hải Phòng…, để phát tiến và để thành danh, chứ nhất định không ở lại đất Nam Định. Hy vọng có đất diễn và có cơ hội phát triển nghề nghiệp, các cầu thủ Nam Định ở khắp nước sẽ thành công. Quang Hùng thuộc số đó”, huấn luyện viên trưởng Vissai Ninh Bình, Nguyễn Văn Sỹ, nói. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần