Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo lộ trình đến năm 2020 tỉnh Thanh Hóa sẽ cơ bản xóa hết các lò vôi thủ công, đồng thời hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề, tìm công ăn việc làm mới.
UBND tỉnh cũng giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương quy hoạch xây dựng các lò vôi hiện đại nhằm đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất. Ông Tuấn cũng cho biết thêm hiện các lò vôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất vôi để cải tạo đất, bón ruộng, nhưng ít được sử dụng vào xây dựng.
Như TTXVN đã đưa tin, ngày 1/1, tại thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống đã xảy ra vụ tại nạn lao động nghiêm trọng do ngạt khí CO tại lò vôi thủ công của gia đình ông Lê Văn Thong và bà Lê Thị Nguyên.
Lò vôi - nơi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí. Ảnh minh họa
Vụ tai nạn khiến 8 người bị chết, trong đó có ông Thong cùng 2 người con gái của ông Thong. Liên quan đến vụ tai nạn lao động này, UBND huyện Nông Cống cũng đã đình chỉ hoạt động của 7 lò vôi trên địa bàn thôn Yên Thái.
Theo quan sát của phóng viên, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, các lò vôi đều xây dựng tạm bợ, không đảm bảo an toàn cho người lao động. Ông Lê Sỹ Hiếu, Phó Công an xã Hoàng Giang cho biết: Các lò vôi kể trên tạo công ăn việc làm cho 30-50 lao động địa phương với mức thu nhập trên 70.000 đồng/ngày. Nhưng các lò vôi này cũng chỉ hoạt động theo thời vụ.
Theo kết quả đo nồng độ khí thải ban đầu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa trong khu vực lò vôi nơi xảy ra tai nạn vượt 8 lần quy định cho phép. Hiện khu vực này vẫn đang bị nghiêm cấm không cho những người không phận sự ra vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
TTXVN
Tags