(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua tại The Factory (TP.HCM) đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề “Làm sao để định giá tác phẩm nghệ thuật?” với hai diễn giả là Wang Zineng và Zoe Butt.
- Bán tác phẩm nghệ thuật giá cao, dễ hay khó?
- Lý giải tại sao nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt giá hơn 100 triệu USD
Wang Zineng từng định hướng cho việc giám tuyển và mua bán các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Nam Á tại nhà đấu giá Christie’s từ năm 2011 đến năm 2016. Zoe Butt (Giám đốc nghệ thuật của The Factory) với hơn 15 năm hỗ trợ nghệ sĩ bán tác phẩm cho các viện bảo tàng và bộ sưu tập trên toàn cầu.
Buổi nói chuyện có thể tóm lược như sau: Phần đông nghệ sĩ Việt vẫn chưa nhận thức được rằng giá cả tác phẩm của họ phụ thuộc rất lớn cách tham gia thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế. Việc không quan tâm tới khả năng cạnh tranh mang tính toàn cầu của một tác phẩm sẽ dễ dàng hạn chế sự nghiệp và danh tiếng của nghệ sĩ đó…
Buổi trò chuyện cũng đặt ra những vấn đề cần có để tác phẩm tham gia thị trường nghệ mang tính toàn cầu. Với các câu hỏi căn bản như: Làm sao để ra giá bán hợp lý? Làm sao để tạo hồ sơ bán hàng một cách minh bạch? Làm sao để nghiên cứu nghệ sĩ và tác phẩm sáng tỏ và đủ tính phản biện, phê bình?
Về việc định giá tác phẩm nghệ thuật, thế giới cũng thường gặp những câu hỏi như: Đầu ra của nghệ sĩ đang ở đâu? Tính nguyên bản và độc sáng của tác phẩm ở mức độ nào? Tác phẩm đó giữ vai trò ra sao trong sự nghiệp của nghệ sĩ? Vị thế của nghệ sĩ trên thị trường và tiềm năng của nghệ sĩ đó? Lịch sử thị trường và ai đã từng sở hữu tác phẩm sắp bán? Tính thanh khoản đang có? Xu hướng mua bán của thị trường hiện thời? Các nhà sưu tập đồng hương của nghệ sĩ đó có đang quan tâm hay không?
Tất cả những câu hỏi vừa nêu trên đây thực sự là vấn đề của xã hội hiện đại, mà cụ thể là thế kỷ 20 và 21, tùy từng nước. Với Việt Nam thì đây là những câu hỏi đang manh nha hình thành, nơi các nhà sưu tập nội địa đã bắt đầu vào cuộc. Hơn 1 thế kỷ qua, kể từ khi nền mỹ thuật hiện đại theo phong cách Tây phương được hình thành tại Việt Nam, thị trường mỹ thuật nội địa (sơ cấp và thứ cấp) hôm nay mới bắt đầu hình thành, vì vậy có vô số câu hỏi được đặt ra, nhưng không phải dễ dàng để trả lời.
Trong quá khứ, việc bán một tác phẩm rất liên quan đến tiếng nói của những nhà phê bình nghệ thuật nói chung. Chính họ sẽ giúp xác định tác phẩm đó có đang nóng, có đáng quan tâm hay không. Ngày nay thì tình hình đã khác, nơi mà tiếng nói của nhà phê bình chỉ là một móc xích, dù quan trọng, nhưng không chiếm hoàn toàn ưu thế. Nói một cách nôm na, việc bán một tác phẩm nghệ thuật ngày nay cũng giống như bán một xe hơi, nó rất phụ thuộc vào đội ngũ bán hàng và sự hoàn thiện về cấu trúc thị trường.
Như trước đây, muốn mua 1 chiếc xe, người Việt phải thông qua hải quan để nhập cảng về, bây giờ nhiều nhãn hiệu có mặt ngay tại chỗ, người mua có thể đến lái thử xe trước khi mua. Họ còn lên mạng xem, rồi đọc các bài phê bình trên tạp chí, gọi cho hãng bảo hiểm… để biết nhãn hiệu nào lý tưởng hơn.
Với nghệ thuật Việt Nam cũng vậy, trước đây thường là hàng xách tay của các vị khách nước ngoài đi du lịch, bây giờ có thể mua ngay tại hội chợ, nhà đấu giá của nhiều nước, nên các yếu tố phụ trợ rất là quan trọng. Thậm chí quan trọng nhất.
Thế nhưng câu hỏi then chốt vẫn là: Nếu đáp ứng được khoảng 15 câu hỏi căn bản như đã đặt ra, liệu có thể hoàn toàn định giá đúng một tác phẩm hay không? Câu trả lời luôn luôn là “không”. Bởi suy cho cùng nghệ thuật vẫn là chuyện trừu tượng, nó phụ thuộc rất lớn vào cảm hứng và trái tim của người mua, của thời đại.
Như hiện nay ngoài rạp đang chiếu phim về Vincent Van Gogh, một họa sĩ suốt đời túng quẫn, tranh vẽ chất đống, nhưng ngày nay thì giá siêu đắt. Sinh thời Van Gogh đã ở gần một cỗ máy định giá siêu phàm, nhưng vì sao tranh của ông chẳng bán được là câu hỏi thật sự khó để trả lời.
Văn Bảy
Tags