Tấm HCV bóng đá nam SEA Games dù ở bất kỳ thời điểm nào, dưới thời HLV nội hay ngoại thì đều có ý nghĩa đặc biệt và là thước đo đánh giá tham vọng của nền bóng đá. Nhưng điều này lại đi ngược với xu thế phát triển chung của bóng đá thế giới.
Ai cũng hiểu SEA Games chỉ là Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á, giải đấu này không thuộc hệ thống FIFA, không diễn ra ở các dịp FIFA Days nên việc đồng nhất với lịch thi đấu của bóng đá quốc tế là không thể. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các giải đấu vô địch quốc gia trong khu vực không dừng khi SEA Games diễn ra, những CLB chủ quản của cầu thủ cũng được quyền giữ người, việc chấp thuận cho cầu thủ nào đó lên đội tuyển là kết quả của việc thỏa thuận giữa liên đoàn bóng đá quốc gia với các CLB.
Ngay ở SEA Games 32, dù giới hạn độ tuổi cho các cầu thủ tham dự môn bóng đá nam chỉ là U22, không bổ sung bất cứ cầu thủ nào trên 23 tuổi, thì một số quốc gia trong khu vực vẫn không dừng giải quốc gia để nhường quân cho đội tuyển U22.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những nước láng giềng, còn với bóng đá Việt Nam, tấm HCV bóng đá SEA Games vẫn có giá trị vô cùng đặc biệt. Không muốn so sánh vì có thể gây hiểu lầm về mức độ đầu tư, sự quan tâm dành cho bóng đá hơn hẳn các môn thể thao khác cũng thi đấu tại sân chơi SEA Games, nhưng cũng phải thừa nhận, đó là thực tế không tránh khỏi.
Bóng đá Việt Nam dù đã lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup, tứ kết Asian Cup, vô địch AFF Cup nhưng vẫn đau đáu giấc mơ vàng SEA Games. Chỉ đến khi U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo có 2 lần liên tiếp vô địch SEA Games ở các kỳ Đại hội lần thứ 30 và 31 thì "cơn khát" ấy mới phần nào được giải tỏa. Nhưng không có chuyện bóng đá Việt Nam đã hài lòng với những gì đã có được, 2 tấm HCV SEA Games liên tiếp mà dễ dàng chấp nhận từ bỏ cuộc cạnh tranh này để hướng rộng ra đến những mục tiêu lớn hơn như Asiad, Olympic hay World Cup.
Đây rõ ràng là một nghịch lý, đi ngược lại với chiến lược phát triển chung của bóng đá Việt Nam là vươn tầm ra châu lục và thế giới với mục tiêu thiết thực, cụ thể nhất là giành quyền tham dự World Cup. Đó là chưa kể đến việc SEA Games suy cho cùng chỉ là giải đấu dành cho lứa cầu thủ trẻ nhưng không vì thế mà sức ép thành tích, áp lực với đội tuyển U22 Việt Nam lần này giảm bớt.
Ngành thể thao kỳ vọng, người hâm mộ chờ đợi và chính bản thân các cầu thủ U22 Việt Nam lứa cầu thủ hiện tại cũng mong muốn đoạt HCV, xác lập kỷ lục lần thứ 3 liên tiếp vô địch SEA Games cho bóng đá Việt Nam.
Trong bối cảnh không được bổ sung cầu thủ trên 23 tuổi, số cầu thủ đủ điều kiện tham dự SEA Games lần này phần nhiều còn thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, ít có cơ hội ra sân tại V-League thì nhiệm vụ giành HCV SEA Games hay vào trận chung kết cũng là điều không hề đơn giản. Chưa cần bàn đến sự cạnh tranh từ phía các đối thủ, chính các cầu thủ U22 Việt Nam cũng đang tạo áp lực, mục tiêu cho chính mình về việc phải vô địch.
Đã hơn 1 lần sau khi tiếp quản ghế HLV trưởng ĐTQG và U23 quốc gia, HLV Troussier nhắc nhở các học trò rằng cần hướng đến những mục tiêu xa và cao hơn như World Cup. Nhưng SEA Games lại chính là thước đo đánh giá năng lực của chính bản thân ông cũng như U22 Việt Nam, vì chính họ là những người xây dựng nền móng cho giấc mơ World Cup.
Nói HCV SEA Games vừa có giá trị lại cũng là gánh nặng vì lý do này.
Tags