Hết năm 2025, Điện lực miền Bắc sẽ trở thành doanh nghiệp số

Thứ Năm, 24/04/2025 19:34 GMT+7

Google News

Đến hết năm 2025, EVNNPC cơ bản trở thành doanh nghiệp số. Năm 2027, doanh nghiệp sẽ ứng dụng hiệu quả, toàn diện AI trong các lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 là một trong những đơn vị dẫn đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đây là thông tin được ông Vũ Thế Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết tại Đại hội Đảng bộ EVNNPC lần thứ XXIII được tổ chức sáng nay 24/4 tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Thế Nam, để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao, ngành điện sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn trong việc đầu tư cũng như đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc - khu vực được dự báo có mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ EVNNPC xác định rõ mục tiêu then chốt: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sâu rộng trong toàn Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện ổn định, chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh năng lượng quốc gia.

Hết năm 2025, Điện lực miền Bắc sẽ trở thành doanh nghiệp số - Ảnh 1.

Công trình Trạm biến áp 110kV Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN phát

Với khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần "điện đi trước một bước", Đảng bộ EVNNPC xác định giai đoạn 2025-2030 là thời kỳ bứt phá; đưa Tổng công ty vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chuyển đổi số ngành điện, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVNNPC vẫn đề ra các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng tích cực. Cụ thể, các chỉ tiêu kinh doanh và dịch vụ khách hàng: Điện thương phẩm đến 2030 đạt ≥169,1 tỷ kWh, tăng trưởng 9,2% và phương án cao đạt 187,67 tỷ kWh, tăng 11,5%/năm. Giá bán điện bình quân đến năm 2030 đạt ≥ 2.048,9 đồng/kWh; tỷ lệ thu nộp tiền điện hàng năm luôn đạt ≥ 99,7% trở lên. Thời gian tiếp cận điện năng hàng năm đạt ≤ 3,25 ngày làm việc; 100% dịch vụ điện cung cấp theo phương thức điện tử, cấp độ 4.

Tỷ lệ bán lẻ điện trực tiếp đến năm 2030 đạt 95,89%; tỷ lệ xử lý yêu cầu của khách hàng đúng thời gian cam kết ≥ 99,6%.

Về các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật - vận hành, tỷ lệ điện năng truyền tải, phân phối ≤3,5%; suất sự cố 110kV, 20% trạm biến áp phân phối, 100% trạm biến áp110kV được giám sát từ xa, hoàn thành 100-120 trạm biến áp 110kV KTS, ứng dụng AI phát hiện sự cố.

EVNNPC cũng đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 8-10%/năm; hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và giải tỏa công suất.

EVNNPC đặt ra mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% sản lượng điện thương phẩm giai đoạn 2025-2030, bảo toàn và phát triển vốn EVN tại Tổng công ty và vốn EVNNPC đầu tư vào các doanh nghiệp khác; thu xếp đủ vốn đầu tư xây dựng, giải ngân đúng tiến độ, quyết toán đạt 100% kế hoạch.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch lưới điện, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng lưới điện, điều chỉnh, dịch chuyển phụ tải, tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao.

EVNNPC sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị thành viên đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, xây dựng các cơ chế đặc thù khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số…

EVNNPC sẽ đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KWF)… để tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi cũng như hợp tác với CSG-LMI (công ty hàng đầu trong triển khai và quản lý lưới điện tại khu vực châu Á) trong việc mua bán điện năng, đầu tư các nguồn điện tái tạo, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới…

Theo ông Vũ Thế Nam, giai đoạn 2020 - 20225, EVNNPC đã hoàn thành toàn diện 14/14 chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với một số kết quả nổi bật: Điện thương phẩm liên tục dẫn đầu toàn EVN về tốc độ tăng trưởng và quy mô; tổn thất điện năng giảm mạnh xuống còn 3,86%; chỉ số tiếp cận điện năng rút ngắn còn 3,25 ngày – dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 92%; Tất cả dịch vụ điện cấp độ 4 kết nối cổng dịch vụ công quốc gia.

Cũng theo ông Vũ Thế Nam, Tổng công ty đã đóng điện nhiều công trình điện trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp điện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Phát biểu tại đại hội, ông Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, EVNNPC có nhiệm vụ cung ứng điện cho 27 tỉnh, thành, với gần 12.000.000 khách hàng, do đó đây là nhiệm vụ khó khăn, rất phức tạp, cam go, nhất là trong bối cảnh kết cấu phân bố nguồn chưa đảm bảo cho miền Bắc có thể tự lực. Do đó, EVNNPC cần đặt ra các mục tiêu cụ thể

Mô hình Đảng bộ EVNNPC không toàn phần. Đảng bộ 27 công ty điện lực ở các địa phương vẫn sinh hoạt ở cấp ủy đảng địa phương và mô hình này sẽ tiếp tục duy trì. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ EVNNPC cần lan tỏa tới 27 công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty.

Ông An cũng đánh giá cao việc áp dụng chuyển đổi số tại EVNNPC, Tổng công ty đang dẫn đầu về chuyển đổi số. Quan trọng là Tổng công ty đã tự lực được sản phẩm áp dụng cho 70 trạm biến áp trên tổng số 364 trạm biến áp của VNNPC. Đây là mong ước rất nhiều năm và tới nay mới làm được. Về khoa học công nghệ, đã xây phòng thí nghiệm trọng điểm do EVNNPC tự đầu tư.

Tại đại hội, ông An cũng yêu cầu việc phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý an toàn sau công tơ, bao gồm phòng, chống cháy nổ, bao gồm cả an toàn điện. Bên cạnh đó, ông An đề nghị EVNNPC tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

"Những dự án đầu tư tăng cường năng lực hệ thống điện phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, còn những dự án không chứng minh hiệu quả phải kiên quyết dừng", ông An nói.

Ông An cũng chỉ đạo việc thay đổi phương án các công cụ tác nghiệp của cán bộ điện lực, bắt đầu bằng việc tiến dần đến chấm dứt việc dùng xe máy cá nhân đi làm công vụ. Theo đó, cần trang bị xe đủ chuẩn và cho người lao động học lái xe. Điều này phải biến thành nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy. Qua đó, chấm dứt tình trạng công nhân điện lực tự đi xe máy và vác theo sào cách điện, có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›