(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ quán cà phê tuần này tiếp đón một nhà quảng cáo tiếp thị thể thao. Nhà tiếp thị này nói anh ta vừa ra về tay trắng từ hàng loạt ngân hàng khi đi gọi tài trợ cho một đội bóng.
+ Ông chủ quán: Anh đã đến những ngân hàng nào?
- Nhà tiếp thị: Tôi không được phép tiết lộ các ngân hàng mà tôi đã gõ cửa trong vòng 1 tháng qua. Nhưng số tiền mà đội bóng kia tìm kiếm là chừng 15 tỉ đồng, tương đương với khoảng một phần ba ngân sách mà họ dự chi trong mùa bóng tới.
+15 tỉ đồng so với những con số ngàn tỉ tiền lời của các ngân hàng mà tôi từng nghe nói thì thấm tháp gì? Eximbank từng tài trợ cho V-League 30 tỉ đồng.
- Anh có biết là 30 tỉ đồng đó tương đương với hơn nửa tổng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng Eximbank trong năm 2014 không? Tất nhiên là lợi nhuận của họ là gần hai ngàn tỉ đồng trong quãng thời gian trên, nhưng do phải trích lập dự phòng nợ thì con số cuối cùng còn lại nếu đặt bên cạnh một khoản tài trợ cho bóng đá thì tôi e rằng khó xuôi.
Qua rồi V-League là điểm đến tài trợ của các Ngân hàng lớn tại Việt Nam
+ Tôi nhớ là chúng ta từng có thời có thể coi V-League là giải đấu của các ngân hàng mở rộng.
- Tôi mới thống kê xong. LG.HN.ACB là đội bóng đầu tiên có ngân hàng tham gia trực tiếp. Họ ngày ấy thậm chí còn gọi được cả tài trợ của ngân hàng nước ngoài đặt biển quảng cáo trên sân Hàng Đẫy. V-League từng có Ngân hàng Đông Á, được coi là đại diện của bóng đá thành phố, kế thừa truyền thống và con người của đội bóng Công an TpHCM. Cũng từng có Kienlong Bank Kiên Giang và nay đội bóng đó biến mất hoàn toàn sau khi xin rút lui khỏi V-League cách nay 2 năm.
Mùa 2012 còn có thêm hai đội ngân hàng nữa là SHB Đà Nẵng và Navibank Sài Gòn. SHB Đà Nẵng vẫn tồn tại, nhưng không còn là đại diện giàu tham vọng của miền Trung. Bằng chứng là họ hiện đứng sau cả tân binh Sanna Khánh Hòa trên bảng xếp hạng. Ngân hàng Bắc Á là nhà tài trợ chính của Sông Lam Nghệ An, và việc họ không gắn tên với đội bóng này có lẽ chỉ là vì muốn tôn trọng truyền thống.
Và nếu ngược trở lại, còn có ngân hàng Agribank cũng nhảy vào bóng đá một cách tích cực. Họ không mua đội bóng, nhưng đã có tới ba năm tổ chức giải đấu Agribank Cup cực kỳ đình đám. Một trong những lãnh đạo ngân hàng này từng có mặt trong cuộc bầu chọn cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
+ Do đâu mà giai đoạn đỉnh cao của những cuộc hôn phối giữa bóng đá với ngân hàng qua đi?
- Navibank Sài Gòn biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam rất chóng vánh, chỉ sau hơn hai năm tồn tại. Khi bắt đầu xuất hiện ở sân chơi V-League, họ làm bóng đá như đại gia, họ mua những cầu thủ với những cái giá cả chục tỉ đồng như Quang Hải, Tài Em trong năm 2011. Số tiền đó tiền tương đương với tổng lợi nhuận sau thuế của họ năm 2013.
Nay thì Navibank Sài Gòn đã mang một cái tên khác, và họ chưa quay trở lại với bóng đá. Eximbank như đã nói ở trên, lợi nhuận chỉ được 6-70 tỉ trong năm 2014. Vấn đề ở đây vì thế trước hết là do thời kỳ hoàng kim của các ngân hàng đã qua. Nhưng không phải là tất cả. Ngân hàng Đông Á mới đây bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhưng do rời bỏ bóng đá từ khá lâu, nên nguyên nhân với trường hợp này là do bóng đá.
Với ACB, khi không còn bầu Kiên, người được cho là duy nhất ở ngân hàng này đam mê bóng đá cháy bỏng, thì những ông chủ còn lại “ly hôn” với bóng đá cũng là tất yếu. Agribank đã qua thời gian sóng gió nhưng cũng không có dấu hiệu trở lại với bóng đá. Chỉ có Kienlong bank là lại gắn kết với bóng đá, nhưng ở hình thức khác, trở thành nhà tài trợ của giải Hạng Nhất và Cúp QG.
+ Thế thì lý do thực sự của các chú rể bóng đá đã khiến các cô dâu ngân hàng bỏ của chạy lấy người là gì?
-Bóng đá là một trong những công cụ làm thương hiệu nhanh nhất. HAGL trở nên nổi tiếng trong cả khu vực là nhờ bóng đá. T&T chỉ mất vài năm thông qua bóng đá để được biết tới trên toàn quốc. Nhưng bóng đá Việt Nam nếu gạt bỏ sang một bên khả năng quảng bá thương hiệu trong chốc lát thì nó đi ngược lại thứ văn hóa cốt lõi của các ngân hàng, đó là trả tiền không tương xứng với những giá trị đích thực của sản phẩm, và sau giai đoạn đánh bóng thương hiệu thì bóng đá lại không sinh lời.
Bóng đá giờ không phải là lựa chọn duy nhất để các ngân hàng quảng bá thương hiệu
Thường thì đồng tiền có quyền năng điều khiển, nhưng khi các nhà tài phiệt đổ ra khá nhiều tiền họ lại không nắm được cả phần hồn của các cầu thủ thì vỡ mộng. Và xét về mức độ rủi ro, bóng đá là ngành không có nhiều bảo đảm, và sự đồng hành đôi khi phản tác dụng cho các ngân hàng.
Các ngân hàng hoạt động cũng không mang tính địa phương, nên không bị ràng buộc như các lĩnh vực kinh tế khác là phải làm nghĩa vụ với các tỉnh kiểu như Than thì phải đi với Quảng Ninh, Sanna thì đi với Khánh Hòa. Sự hạn chế kinh doanh trái ngành khiến cho các ngân hàng không cần phải miễn cưỡng trở lại hoặc đến với bóng đá.
+Những điều anh nói khiến tôi, một người quan tâm tới số mệnh của bóng đá nước nhà, cảm thấy lo lắng. Một nguồn sữa quan trọng bị thắt lại.
- Bóng đá lo lắng có lẽ không bằng nhiều lĩnh vực băn khoăn trước sự phát triển thời gian qua của nhiều ngân hàng trước khi sự tái cơ cấu ngành ngân hàng được thực hiện. V-League không có Eximbank đã có Toyota làm nghĩa vụ. Nhưng rõ ràng là bóng đá tổn thương khi nhiều ngân hàng hắt hơi sổ mũi.
Sông Lam Nghệ An vẫn chưa có nhà tài trợ sau Bắc Á Bank. Hải Phòng đang có một mùa giải ngoạn mục mà vẫn không có nhà tài trợ. Nếu tới đây mà có cuộc hôn phối nào nữa giữa chú rể bóng đá với cô dâu ngân hàng, tôi sẽ mời lại ông chủ quán một ly cà phê.
+ Tôi chờ ly cà phê lượt về của anh.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags