Vẫn có nhiều đơn vị hỗ trợ cho sự trở lại của các nghệ sĩ vướng ồn ào. Thế nhưng, việc này dường như đã đem lại tác dụng ngược bởi quyền lực mềm đang nằm trong tay khán giả!
Khi dư luận tiêu cực nhắm vào Hiền Hồ sau scandal tình ái, nữ ca sĩ đã bất ngờ đi hát trở lại và rất đắt show tại các sự kiện âm nhạc, thời trang. Gần như cùng lúc, Jack cũng hoạt động năng nổ hơn với loạt MV ca nhạc hoành tráng. Việc một ca sĩ bị dư luận tẩy chay như Hiền Hồ hay Jack liên tiếp có lời mời biểu diễn hay ra mắt sản phẩm âm nhạc mới khiến dư luận không khỏi băn khoăn ai đã chống lưng?
Những thế lực "chống lưng" cho Hiền Hồ trở lại
Đơn vị tổ chức sự kiện chính là “thế lực" đầu tiên cần được nhắc đến. Dễ dàng nhận thấy, các đơn vị tổ chức sự kiện luôn đặt mục tiêu truyền thông lên hàng đầu mỗi khi bắt tay thực hiện một chương trình mới.
Để đạt được hiệu quả truyền thông, hay nói cách trần trụi là khiến tên chương trình/đơn vị của mình được nhắc đến nhanh chóng và rộng rãi, không gì dễ hơn lợi dụng scandal của nghệ sĩ làm mồi nhử.
Con mồi của kế hoạch “đi câu” này chính là khán giả đại chúng và các kênh truyền thông. Bởi rõ ràng, dù muốn hay không, ta phải thừa nhận khán giả thích “hít hà drama", xây dựng đủ thuyết âm mưu về đời tư của những người nổi tiếng những lúc trà dư tửu hậu, bất chấp trên không gian mạng hay một quán trà đá vỉa hè.
Lợi dụng scandal để thổi phồng tên tuổi luôn là hành vi bị lên án, nhưng mặt khác đầy hấp dẫn và vẫn luôn tồn tại dai dẳng. Nghệ sĩ vướng scandal, vì thế, cũng mặc nhiên trở thành cái tên được săn đón bởi những nhà tổ chức sự kiện lắm mưu mẹo. Họ đã tìm đúng yếu huyệt thích hóng hớt của dư luận và lợi dụng nó để kiếm tiền.
Ngược lại, về phần Hiền Hồ, sau nửa năm ẩn mình chờ dư luận lắng xuống, có lẽ lúc này, chính cô cũng muốn được quay trở lại sân khấu. Việc cô nhận lời mời tham gia các sự kiện có thể không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn nhằm đánh tiếng với dư luận, từng bước tiến đến gần ngày đường đường chính chính trở lại với Vbiz.
Đây là mối quan hệ win - win đôi bên cùng có lợi. Nhưng lợi nhiều hơn hại hay ngược lại thì chưa biết! Bởi nếu một sự kiện có nghệ sĩ vướng scandal, người ta sẽ tập trung đưa tin về những chuyện thị phi. Họ có thể ùn ùn kéo vào trang fanpage của sự kiện chỉ để buông lời mạt sát nghệ sĩ kia - như điều đã xảy ra những ngày qua với Hiền Hồ - giúp ban tổ chức gia tăng tương tác. Nhưng một khi những ngón tay múa bàn phím đã mệt, họ có thể còn không nhớ nổi nội dung chương trình Hiền Hồ tham gia có những gì.
Bệ đỡ thứ hai có thể giúp nghệ sĩ nhanh chóng hoạt động trở lại sau scandal chính là công ty quản lý. Với trường hợp của Hiền Hồ, mạng lưới quan hệ của công ty quản lý sẽ là “đòn bẩy” giúp cô có lời mời biểu diễn.
Một công ty quản lý có tên tuổi, có chỗ đứng trong làng giải trí hoàn toàn có khả năng kéo nghệ sĩ vướng scandal đi lên. Họ sẽ sử dụng quyền lực mềm đến từ danh tiếng của mình để ra điều kiện “mượn dao mượn luôn cả thớt", kiểu nếu muốn lợi lộc nào đó thì phải “đèo bòng” thêm một ngôi sao khác đang vướng scandal tham gia sự kiện. Để gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp và cũng là tránh mất lòng đối tác, các đơn vị tổ chức sự kiện thường sẽ khó lòng từ chối.
Sự kết hợp của hai “thế lực” trên, cùng việc các cơ quan chức năng Việt Nam chưa có một luật lệ nào hạn chế các nghệ sĩ gặp scandal đạo đức tiếp tục hoạt động trong ngành giải trí, Hiền Hồ và những ngôi sao giống cô hoàn toàn có cơ hội để trở lại Vbiz. Song, việc vội vàng tham gia sự kiện, cho ra mắt sản phẩm sau scandal như Hiền Hồ lại là một nước đi vội vã, phản tác dụng.
Một khán giả nhận định việc Hiền Hồ trở lại quá sớm sau scandal như sau: “Nhiều nghệ sĩ từng xin lỗi, đợi ồn ào lắng xuống rồi trở lại rầm rộ nhưng chuyện này đã cũ. Giờ nghệ sĩ không thể làm như thế nữa. Một lời xin lỗi không chân thành, hành động xử lý khủng hoảng không hợp lý đôi khi còn khiến fan dễ chuyển hoá thành anti-fan. Vậy mà Hiền Hồ còn cố chấp dự sự kiện càng khiến người khác thấy ác cảm hơn. Cá nhân mình nghĩ Hiền Hồ nên có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn, thay vì chỉ tập trung vào cái lợi trước mắt là đi show, kiếm tiền hay mong muốn xây dựng lại hình ảnh”.
Khác với Hiền Hồ, Jack hiện tại không còn công ty quản lý do đó nam ca sĩ có phần "hụt hơi" trên con đường trở lại với âm nhạc. Jack không xuất hiện dày đặc ở các sự kiện, cũng hiếm có nhãn hàng nào mời anh biểu diễn dù trước khi rời công ty, nam ca sĩ vẫn chăm chỉ ra nhạc. Việc này là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy thiếu đi sự hậu thuẫn từ những đơn vị quản lý, một mình nghệ sĩ khó mà đứng vững trong làng giải trí sau scandal.
“Công thức” đưa sao quốc tế trở lại hậu scandal, sự "chống lưng" không hẳn là tất cả
Hồi tháng 11/2020, tài tử Shia LaBeouf từng bị bạn gái cũ FKA Twigs khởi kiện vì bạo hành thể xác và tinh thần cô. Chuỗi vận xui của ngôi sao phim Transformers chưa dừng lại khi anh mất vai nam chính trong phim Don’t Worry Darling. Tới 26/8 năm nay, trong một lá thư gửi đạo diễn bộ phim, Olivia Wilder, được Variety đăng toàn văn, LaBeouf đã phủ nhận thông tin mình bị đuổi khỏi bộ phim, đồng thời khẳng định bản thân đang giải quyết vấn đề với Twigs trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Chỉ một tháng sau, các tay săn ảnh ghi được hình ảnh Shia LaBeouf trên phim trường tác phẩm Megalopolis của Francis Ford Coppola, sẵn sàng cho vai diễn mới.
Có thể thấy, Shia LaBeouf đã lựa chọn kịch bản quen thuộc: Xin lỗi, rút về hậu trường, sống yên ắng một thời gian chờ tình hình lắng xuống và bất ngờ trở lại. Đây có thể coi là công thức “ăn tiền” giúp các nghệ sĩ vượt qua cơn bão scandal.
Trả lời phỏng vấn CNN hồi 2021, bà Lori Levine - nhà sáng lập kiêm CEO của Flying Televion, một công ty chuyên về thúc đẩy hợp tác giữa các nhãn hàng với nghệ sĩ, quản lý tài năng, quan hệ công chúng và tư vấn thương hiệu từng chia sẻ việc trở lại làng giải trí một thời gian sau khi bị tẩy chay là việc không hề dễ dàng với các nghệ sĩ nói chung. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải điều gì bất khả thi.
“Sẽ luôn có cách để các ngôi sao gây dựng lại sự nghiệp sau khi bị tẩy chay, ít nhất là tại Mỹ. Các khán giả quốc tế dễ dàng tha thứ cho nghệ sĩ hơn nhiều. Nhưng tại Mỹ, việc cầu xin sự tha thứ từ công chúng thường là điều cần phải làm”, bà Levine chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng cho hay các nghệ sĩ có thể chuộc lại lỗi lầm nếu chấp nhận "Im ắng một thời gian, tránh xa mạng xã hội, không tham gia họp báo rồi từ từ đánh tiếng trở lại bằng cách giải thích rằng mình đã ý thức được sai lầm của bản thân và cảm thấy rất hối hận”. Lời xin lỗi sẽ càng hiệu quả nếu được nhân vật nói ra trong bài phỏng vấn hay bài viết đề cập đến nhiều chủ đề gai góc với một đơn vị báo chí uy tín.
Sự ủng hộ hay tẩy chay của khán giả với người nghệ sĩ xét cho cùng vẫn là yếu tố then chốt định đoạt sự nghiệp của một ngôi sao. Ta không chỉ nói đến những thống kê như doanh số tiêu thụ album, lượng vé hòa nhạc bán ra hay tỷ lệ người xem một bộ phim. Ta đang nói đến một thứ áp lực dư luận khổng lồ, đủ sức đảo ngược những cái bắt tay hợp tác cả trong và ngoài ngành giải trí.
Hồi 2021, cả Armie Hammer và Marilyn Manson đều bị công ty quản lý sa thải ngay sau khi scandal đời tư của họ nổ ra. Làn sóng phản đối từ công chúng đã khoanh vùng Hammer và Manson thành những đối tác làm ăn đầy rủi ro của các công ty này. Và vì thế, họ bị loại khỏi cuộc chơi. Không còn sự hậu thuẫn, chống lưng của công ty quản lý, một năm vừa qua, khán giả gần như không nghe thấy thông tin gì mới từ Hammer và Manson.
Những năm trở lại đây, câu chuyện nghệ sĩ vướng scandal, nhãn hàng lập tức huỷ hợp đồng đã không còn xa lạ. Nhiều nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra scandal đời tư của một nghệ sĩ có ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp mà anh/cô ta làm đại diện. Do đó, với các nhãn hàng, ngôi sao có thể là quả bom nổ chậm có thể làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu họ dày công xây dựng.
Sau hàng loạt phát ngôn thù địch và hành động gây hấn, Kanye West đã bị Adidas chấm dứt hợp tác. Mất mối làm ăn này, nam rapper chịu thiệt hại lớn về kinh tế và bị hất văng khỏi nhóm tỷ phú Mỹ. Ngay sau vụ bê bối Astroworld, Travis Scott cũng bị nhiều nhãn hàng như Dior hay Epic Game chấm dứt hợp tác. Nếu những lời la ó từ khán giả không thể làm ảnh hưởng tới đế chế mà những ngôi sao này xây dựng, thì sự quay lưng của nhãn hàng sẽ thay họ làm công việc ấy.
Quyền lực định đoạt sự nghiệp người nghệ sĩ lại nằm trong tay khán giả
Các bậc thầy truyền thông, xử lý khủng hoảng chính là bàn tay giữ lấy những người nghệ sĩ đang chới với giữa dòng nước lũ scandal. Công ty quản lý chính là người hỗ trợ các ngôi sao giữa lúc đen tối nhất của sự nghiệp (nếu vẫn còn hợp tác). Tuy nhiên, những cái nắm tay cứu mạng ấy vẫn chưa đủ sức lôi nghệ sĩ khỏi vũng lầy nếu như thiếu đi khán giả.
Dù có vận đủ chiêu trò, được hỗ trợ về cả vật lực và nhân lực để trở lại sau scandal, tương lai nổi chìm của người nghệ sĩ xét cho cùng luôn nằm ở sự tha thứ của dư luận. Không chỉ đông đảo về số lượng, khán giả còn là đối tượng tiêu thụ sản phẩm, đích đến của mọi sự đầu tư mà nhà đầu tư bỏ ra. Không ai muốn đầu tư cho một thứ họ không nhìn thấy lợi nhuận. Thế nên, khán giả mới là thế lực hùng mạnh hơn cả đứng sau sự trở lại của một nghệ sĩ.
Họ có quyền tẩy chay triệt để, nói không với mọi sản phẩm nghệ thuật của những người nghệ sĩ từng dính vết nhơ đạo đức. Ở mức độ cực đoan, để thực trạng lợi dụng scandal để nổi tiếng không còn xảy ra. Điều này sẽ khiến những người nghệ sĩ với scandal ảnh hưởng nghiêm trọng nhất định phải nghiêm túc sửa đổi và hiểu rõ rằng họ không thể lấy lại lên tuổi như trước.
Tất nhiên, Hiền Hồ đã thẳng thắn xin lỗi và nhận sai. Khán giả cũng có quyền tha thứ bởi “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại". Thế nhưng, một sự thật cần xem xét là nữ ca sĩ đã thật sự hối lỗi hay chưa? Cô đã thực sự có những hành động chuộc lỗi? Hay chỉ đơn giản là những chữ viết hối hận được soạn sẵn trên Facebook và hiển nhiên hoạt động như nghệ sĩ hạng A đắt show chỉ 1 thời gian ngắn sau scandal. Hiền Hồ năm 20 tuổi lúc mới vào showbiz không thể là Hiền Hồ của năm 25 tuổi - người đã vướng scandal. Người xem cũng không thể dửng dưng đối đãi với cô như trước đây…
Tags