(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, một hiện tượng tôn giáo mang tên “Hội thánh đức chúa trời” đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước.
- Nhiều trường ĐH tại TP HCM cảnh báo sinh viên về 'Hội thánh đức Chúa trời'
- Cần phân biệt 'Hội thánh Đức Chúa Trời' với các nhóm Tin lành khác
Cách hành đạo và việc lôi kéo, dụ dỗ các “tín đồ” của hội này đã thể hiện rõ đó là thứ giáo lý bịp bợm, mờ ám, không thể xem như một hoạt động tôn giáo đúng nghĩa “tốt đời đẹp đạo”.
Các đối tượng cầm đầu “Hội thánh đức chúa trời” lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của tín đồ, dùng các luận điệu như ngày tận thế, chia sẻ tình yêu thương, làm giàu... lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc số tín đồ này đi theo họ. Các tín đồ theo tổ chức này phải nộp tiền (gọi là tiền dâng hiến), được uống nước thánh, bánh thánh, được xúi giục không nghe theo lời khuyên của gia đình, xã hội, không thờ, ăn các đồ cúng tổ tiên, sẵn sàng từ bỏ gia đình, bỏ học để dự các buổi nhóm họp truyền đạo trái phép, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Thật đau lòng, với thứ “triết lý” như vậy, đã có rất nhiều người, phần lớn là thanh niên, sinh viên sa chân, bị cuốn vào guồng quay tăm tối của Hội thánh đức chúa trời. Họ mê muội bỏ nhà cửa, bỏ người thân, sao nhãng học hành, công việc, hủy hoại sức khỏe… chỉ vì thứ giáo lý quái đản.
Như chiếc vòi bạch tuộc, “Hội thánh đức chúa trời” đã lan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo cơ quan chức năng, tổ chức “Hội thánh của đức chúa trời” có nguồn gốc từ nước ngoài và du nhập vào Việt Nam từ năm 2001 và thời điểm tổ chức này gây ảnh hưởng lớn là từ năm 2016 đến nay. Ban đầu các đối tượng tiếp xúc, gặp gỡ một số người dân, tuyên truyền về “lễ vượt qua” với nội dung “sắp đến ngày tận thế, đức chúa trời thương xót cho loài người nên mới đi tìm con cái để cứu rỗi, ai may mắn sẽ được đức chúa trời cứu, ai không nghe theo sẽ bị hủy diệt, ai muốn được cứu thì đến để làm lễ vượt qua”.
Các đối tượng cầm đầu sử dụng các tài liệu không rõ nguồn gốc để tuyên truyền. Những người được tuyên truyền, chúng đều ghi lại tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Ai đã tin vào luận điệu của chúng thì được làm lễ, như lễ chuộc tội, lễ cảm tạ, lễ phụng sự... Những người tham gia đều phải đóng tiền cho nhóm trưởng bằng những mỹ từ bịp bợm “dâng” cho “Đức chúa trời mẹ” giữ hộ, nhưng mục đích sử dụng vào việc gì thì không ai được biết.
Các đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm trá hình, vi phạm pháp luật về hoạt động tôn giáo. Hoạt động truyền đạo trái phép của "Hội thánh đức chúa trời" rất tinh vi. Chúng thường thuê các địa điểm kín đáo ở các khu dân cư, khi bị phát hiện, lập tức chúng chuyển đến địa điểm khác để hoạt động, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý. Dù những điều mà chúng rao giảng là hết sức phi lý, nhưng có không ít người nhẹ dạ, cả tin đã bị chúng mê hoặc, thậm chí có những phụ nữ bỏ cả chồng con, con bỏ bố mẹ…, đi theo hội này cả thời gian dài.
Chính sách mở cửa và hội nhập là một xu thế tất yếu. Cũng không loại trừ, có không ít kẻ lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập của đất nước để du nhập những hiện tượng na ná tôn giáo vào Việt Nam khiến nhiều người lầm tưởng đó là tôn giáo. Đặc biệt, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá những tư tưởng phản văn hóa, lệch chuẩn đạo đức xã hội, đi ngược với đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, gần đây, một số chức sắc của các tổ chức tôn giáo đã lên tiếng phản đối những biểu hiện tiêu cực của “Hội thánh đức chúa trời” đồng thời đề nghị xóa bỏ hoạt động tôn giáo trái pháp luật của tổ chức này. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có người bị chúng dụ dỗ, lôi kéo đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp để người thân của họ sớm tỉnh ngộ, trở về với gia đình.
Cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân, nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để lừa đảo, mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Pháp luật cũng không cho phép sử dụng tên của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận để truyền đạo trái phép, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi phi pháp. Tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, tạo điều kiện để người dân tự do bày tỏ đức tin, không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý để những giáo lý phản động tự do hoành hành, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân.
Chắc chắn những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, gây tổn thương khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị pháp luật nghiêm trị, chiếc vòi bạch tuộc của thứ tôn giáo phản động này chắc chắn sẽ bị chặt đứt. Nhưng hơn ai hết, mỗi người dân hãy đề cao cảnh giác, tỉnh táo, không tiếp tay cho những luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của các đối tượng xấu, gây những hậu quả đau lòng cho bản thân, gia đình và xã hội.
TTXVN
Tags