Hiệp hội Blockchain Vietnam (VBA) mới đây đã ghi nhận hàng chục các dự án blockchain có dấu hiệu lừa đảo, với tỷ lệ phần lớn trong số đó là các dự án Việt.
Được biết, đây là con số được ghi nhận bởi Cổng báo cáo dự án có dấu hiệu lừa đảo - kênh tiếp nhận thông tin về các dự án blockchain trong nước và quốc tế, thuộc Đề án "Thử nghiệm giám sát tài sản số trên không gian mạng blockchain", và do Hiệp hội Blockchain Vietnam (VBA) vận hành.
Theo VBA, mục đích của cổng báo cáo này nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain.
Đáng chú ý, việc phân tích, điều tra các dự án lừa đảo của Cổng báo cáo có sự hợp tác của Chainalysis, một startup có tiếng trên toàn cầu trong việc cung cấp dịch vụ điều tra và xác minh các dự án tiền mã hoá. Năm 2022, chính startup được định giá trên 8.6 tỉ USD này đã tham gia phân tích vụ hacker tấn công trò chơi Axie Infinity, đánh cắp số token tương đương 615 triệu USD vào 3.2021.
Kết quả, sau 2 tháng từ lúc triển khai và tiếp nhận nhiều cảnh báo từ phía cộng đồng, VBA đã xác định có gần 20 dự án blockchain có dấu hiệu lừa đảo. Đáng nói, 70% trong số 20 dự án này đều đến từ các lập trình viên Việt Nam.
Được biết thêm, nhiều nhóm lập trình đang làm các dự án ứng dụng công nghệ blockchain có gắn token tại Việt Nam thậm chí đã chủ động báo cáo các thông tin về dự án của mình cho các chuyên gia VBA phân tích, giám sát. Song song đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều góp ý giúp Cổng báo cáo được cải thiện về hình thức, nâng cao hiệu quả, tăng tính minh bạch; trong đó, chủ yếu liên quan đến việc công bố các điều tra sau khi ghi nhận thông tin.
Từ các góp ý qua Cổng báo cáo, số đông cộng đồng blockchain Việt Nam bày tỏ mong muốn VBA nêu rõ các bước hành động tiếp theo khi kiểm chứng và xác nhận các dự án có yếu tố cấu thành hành vi dấu hiệu lừa đảo.
Trên thực tế, những vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa, tài sản số là một trong những trở ngại khiến việc tạo môi trường ứng dụng blockchain công khai, minh bạch ở Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, thị trường tiền mã hóa trong năm 2021 và 2022 đã ghi nhận nhiều dự án blockchain do người Việt đứng sau có dấu hiệu lừa đảo, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Đáng nói, bản thân nhiều dự án blockchain Việt được đầu tư nghiêm túc cũng bị bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt dư luận bởi các dự án trên, dẫn tới nhiều định kiến không đáng có về các startup blockchain từ Việt Nam.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain, Dịch vụ Giám sát chủ động tương lai sẽ cung cấp giám sát độc lập với các địa chỉ ví (tiền mã hoá), các dự án huy động vốn giúp các chủ dự án tách bạch khái niệm bị gọi là xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin. Mặc dù token chưa được coi là các tài sản số tại Việt Nam, nhưng việc minh bạch từng bước quá trình huy động vốn qua token sẽ giúp các nhóm phát triển ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Tổng hợp
Tags