Ở Việt Nam, nhiều bạn đọc biết đến bà trong vai trò dịch giả của bộ truyện Harry Potter. Bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm 1980, nhà văn Lý Lan đã xuất bản hàng chục tác phầm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn… Với việc truyện dài Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) giành được điểm xuất sắc ở cả vòng sơ khảo và chung khảo, nhà văn Lý Lan đã được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Dế Mèn xem xét toàn bộ sự nghiệp và trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn.
Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là phần thưởng cao quý nhất, được xét "phong tặng" cho những tác giả hoặc là có tác phẩm đặc biệt xuất sắc đến mức xuất chúng, hoặc có tác phẩm nổi bật lọt vào vòng chung khảo, đồng thời có nhiều cống hiến cho thiếu nhi trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình. Với sự vinh danh Lý Lan, đây là lần thứ ba, giải đã tìm được tác giả xứng đáng để "phong tặng" Hiệp sĩ Dế Mèn, nối tiếp những tên tuổi xuất sắc như Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023).
Từ Mỹ, nhà văn Lý Lan đã có cuộc trao đổi với Thể thao và Văn hóa.
* Tác phẩm "Ngôi nhà trong cỏ" của chị từng đạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984), sau đó là tác phẩm như Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen và giờ là Tự truyện một con heo, dường như nhà văn Lý Lan rất có duyên viết cho thiếu nhi, phải chăng những câu chuyện mang màu sắc đồng thoại có sức hút đặc biệt với chị?
- Phải. Do mình chịu ảnh hưởng Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, và sau này là Panchatantra của Vishnu Sharma.
* Khi viết một tác phẩm, chị có nghĩ đến một đối tượng độc giả cụ thể không?
- Khi viết với ý thức hay mong muốn xuất bản thì tất nhiên phải nghĩ đến độc giả, thậm chí một độc giả đặc biệt. Lúc đó mình viết như trò chuyện với người ta, phải hiểu người ta để người ta có thể hiểu mình.
Khi mình viết chơi thôi, thì chỉ viết cho vui, chỉ tìm cách diễn đạt một ý tưởng chợt hiện trong đầu hay lời nói vừa nghe lọt lỗ tai. Trường hợp Tự truyện một con heo là một kết hợp: Bạn biên tập NXB Trẻ hỏi mình có bản thảo nào cho thiếu nhi không. Mình đang đi chơi đâu đó nên "làm biếng" viết, mà mấy tháng sau bạn ấy vẫn nhắc lại, mình mới giở những thứ đã viết lam nham, lở dở trong máy tính ra coi, kiếm cái nào có trẻ em hay độc giả nhỏ tuổi có thể đọc, lượm ra những đoạn mình viết hồi về quê ở với em mình một thời gian, chứng kiến một con heo con lớn lên quanh quẩn trong xóm.
Hồi viết những đoạn đó là mình viết chơi cho qua tháng ngày, không có đầu cua tai nheo gì hết. Nhưng để in thành sách thiếu nhi thì mình phải chọn lọc, sửa sang với ý thức đang nói chuyện với một người trẻ tuổi, cỡ mười mấy tuổi, cái tuổi rất khó nói chuyện....
* Nhiều độc giả hẳn sẽ nhớ tác phẩm "Cổng trường mở ra" của chị in trong sách giáo khoa. Không hiểu sao bây giờ đọc lại, tôi thấy hình ảnh người mẹ cầm tay con dắt qua cổng trường, dặn con can đảm lên giống như một nhà văn vừa hoàn thành tác phẩm và đến lúc "buông tay" cho tác phẩm có thể đến với công chúng. Dù đã xuất bản rất nhiều, mỗi khi hoàn thành một bản thảo, tâm trạng của chị thế nào?
- So sánh này rất hay. Để mình hình dung tiếp xem. Mình cưng con mình, đương nhiên rồi. Đứng ngoài cổng dòm vô, thấy cô giáo khép nó vô khuôn mẫu, chỉnh sửa hành vi, tiếng nói, làm cho nó những điều mà khi nó còn trong vòng tay mình, mình đã không nỡ. Giờ nhìn người ta uốn nắn nó mình cũng đau lòng.
Nhưng như bất kỳ ai, mình cũng hiểu phải "buông tay" cho con mình đi vào thế giới của nó và biết ơn những người đã giúp nó thành sản phẩm hữa ích cho đời.
"Truyện viết rất có nghề. Bầy đặt nhân vật (cả con vật lẫn người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc" – PGS-TS Văn Giá.
* Đọc hai tác phẩm gần đây của chị là Bửu Sơn Kỳ Hương và Tự truyện một con heo, không có cảm giác tác giả đã sống nhiều năm ở nước ngoài. Làm sao để chị giữ được tình yêu với tiếng Việt, hay cụ thể hơn với lời ăn tiếng nói Nam bộ?
- Yêu tiếng mẹ đẻ là điều tự nhiên. "Lời ăn tiếng nói Nam bộ" là lời ăn tiếng nói của mình với chị em trong nhà, với bạn bè, bà con, lối xóm. Nó tự nhiên ở trong mình, nó là mình, mất nó là mất chính mình, mình còn sống thì nó sống, không cần phải làm sao để giữ.
* Ở Mỹ có rất nhiều giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi. Theo chị, những giải thưởng như vậy có góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại văn học này?
- Lập một giải thưởng là một cách định hướng. Đối tượng của ngành sách thiếu nhi ở Mỹ là phụ huynh và nhà trường, chứ trẻ em ít đứa có tiền, mà có thì chúng cũng ít khi mua sách. Người viết và vẽ sách thiếu nhi có lẽ cũng có nhiều động cơ hơn doanh số của nhà xuất bản hay tiêu chí các giải thưởng, nhưng sách được in, bán chạy và được giải thưởng là yếu tố định hướng cho sáng tác của họ.
Tuy nhiên, việc đó có thúc đẩy sự phát triển văn học thiếu nhi hay không thì tôi không biết. Tác phẩm văn học không nhứt thiết phải bán chạy hay có giải thưởng.
* Cách nay 15 năm, chị từng chia sẻ với Thể thao và Văn hóa "nếu cả đời tôi chỉ viết được một truyện trẻ em xứng đáng là văn học thiếu nhi, là đủ cho tôi mãn nguyện về nghề nghiệp", tác phẩm làm chị "mãn nguyện" đã xuất hiện chưa?
- Thú thực là chưa!
* Chị có theo dõi tình hình văn học trong nước không? Theo chị, một tác phẩm viết cho các em thiếu nhi cần những yếu tố nào?
- Tôi xin lỗi là không hiểu lắm thị trường sách trong nước. Chỉ khi nào về quê và ở lại một thời gian tương đối dài tôi mới có sách in trong nước để đọc, có cảm giác sách dịch hay nhái theo sách nước ngoài nhiều. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay cho bất kỳ ai đều cần tấm lòng của người viết, một tấm lòng chân thành và trân trọng người đọc.
* Trong vai trò dịch giả, chị đã góp phần vào thành công của "Harry Potter" ở Việt Nam. Dù trong thế giới ngày nay con người ở khắp nơi dễ dàng kết nối với nhau hơn, nhưng dường như chưa có hiện tượng xuất bản tầm cỡ quốc tế kể từ thời "hậu Harry Potter", có phải một phần vì văn chương hôm nay đã giảm sức hút với độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi?
- "Hiện tượng xuất bản" liên quan đến hưng thịnh của kỹ nghệ xuất bản. Người ta không đưa được một tác phẩm nào đó thành hiện tượng không có nghĩa là văn học giảm giá trị hay sức hút. Thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, còn văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc (emotional intelligence). Một người, dù dành hết thời gian đọc sách khi tuổi còn nhỏ thì cũng vất vả lắm mới hưởng thụ được phần cốt lõi của kho tàng văn học vốn đã đồ sộ của nhân loại. Có thêm tác phẩm mới cũng cần, nhưng không cần sốt ruột.
Cám ơn chị!
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tác phẩm nổi trội nhất"
"Ưu điểm của "Tự truyện một con heo" là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo, và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng. Tuy nhiên vì theo đuổi ý tưởng, truyện cũng bị mất phần nào sự hồn nhiên, tự nhiên mà một tác phẩm viết cho thiếu nhi rất cần phải có. Đấy là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, đây vẫn là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm tham dự lần này".
Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tác phẩm Ngôi nhà trong cỏ của chị đạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984).
Tiểu thuyết Bửu sơn kỳ hương đoạt giải Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.
Tags