Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Bàng, xã Suối Bàng hiện có 14 hộ thành viên với tổng diện tích sản xuất 45ha, chủ yếu là nhãn, cam, bơ, bưởi.
Chị Đinh Thị Luôn (bản Ấm, xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đi thăm vườn cam mà thấy vui trong lòng. Cây đang sinh trưởng đúng quy trình, như vậy đến cuối năm, gia đình chị có thể thu hoạch và bán ra thị trường những quả cam trái vụ với giá cao. Gia đình chị biết đến giống cam V2 kể từ khi gia nhập Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Bàng năm 2016, được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật canh tác. Trước đó, nhà chị rất nghèo.
Như những hộ dân khác trong xã, gia đình chị Luôn làm nông nghiệp, chủ yếu trồng ngô, sắn trên triền núi, triền đồi. Công việc quanh năm vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Bàng thành lập. Anh Đậu Công Bảo cán bộ khuyến nông ở Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu đến gặp chị Luôn giới thiệu mô hình hợp tác xã.
Theo đó, chị Luôn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn của gia đình sang trồng cây ăn quả. Hợp tác xã hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo đầu ra của nông sản.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Bàng, xã Suối Bàng hiện có 14 hộ thành viên với tổng diện tích sản xuất 45ha, chủ yếu là nhãn, cam, bơ, bưởi.
Giám đốc Trần Thị Hồng là “nữ tướng” của hợp tác xã, lãnh đạo bà con phát triển diện tích trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập.
Vốn làm nghề may nhưng lại có tư duy kinh doanh, chị Hồng nghĩ cách làm sao giúp người dân phát triển kinh tế một cách bền vững. Chị tham gia khoá đào tạo Lãnh đạo do CRED tổ chức với sự hướng dẫn của chuyên gia Ichange Center. Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La” - hay còn gọi là GREAT do chính phủ Australia tài trợ.
“Tôi thấy mình rất may mắn khi được tham gia khóa học này. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều, biết xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và xác định các giá trị cốt lõi của hợp tác xã,” chị chia sẻ.
Ngoài việc hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây ăn quả để tăng năng suất hơn, hợp tác xã còn mở rộng, trồng cây ngắn ngày như dưa leo, bí, củ lạc, ớt để tăng thu nhập cho các thành viên.
Năm 2020, với sự hỗ trợ của dự án GREAT, hợp tác xã cũng đồng đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao năng suất chế biến, bao gồm một lò sấy và kho lạnh để bảo quản sản phẩm hoa quả tươi và long nhãn.
Chị Hồng cho hay công suất chế biến 4 tấn quả tươi/ngày với giá bán ra thị trường từ 110-150 nghìn đồng/kg long nhãn sấy khô. Quy trình này tạo việc làm cho khoảng 60 lao động thời vụ, mức lương từ 200-300 nghìn đồng/ngày công.
“Thu nhập của các hộ gia đình tham gia hợp tác xã thay đổi rõ rệt. Trồng ngô chỉ được mấy chục triệu/năm, còn trồng cây ăn quả thì cứ mỗi hecta chúng tôi thu được 300 triệu trở lên, trừ các chi phí đi còn 180 triệu,” chị Hồng chia sẻ.
- Hình ảnh khủng khiếp: Cây trồng, vật nuôi 'chết đứng' vì khí độc amoniac ở TP HCM
- 'Không được dùng xi măng bón cho lúa cũng như các cây trồng nông nghiệp'
Đánh giá về mô hình này, ông Hoàng Văn Khun, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Suối Bàng cho rằng hợp tác xã giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, kinh tế địa phương ổn định. Quan trọng hơn cả, sự hỗ trợ của dự án GREAT còn nâng cao nâng lực và vai trò làm chủ của phụ nữ.
“Đến nay, bộ mặt của xã thay đổi với hạ tầng điện, đường, trường, trạm khá khang trang. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54% năm 2017 xuống còn 45% và cuối năm 2019 và 42,2% vào năm 2020. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện,” ông nói.
Ngô Minh
Tags