(Thethaovanhoa.vn) - Chiến lược kéo khách kiểu mới này đã được bảo chứng về độ thành công ở nhiều nơi trên thế giới, từ trường hợp bảo tàng ở Paris (Pháp) sử dụng hình ảnh Beyonce và Jay-Z; ở Washington (Mỹ) là Barack và Michelle Obama, cho tới London (Anh), nơi người ta xếp hàng dài để xem các tác phẩm của cố danh họa Pablo Picasso.
Năm ngoái, việc sử dụng ánh hào quang của người nổi tiếng, dù ởngành thời trang, giải trí hay chính trị, dường như đều là cách lý tưởng nhất để thu hút du khách đến các bảo tàng và phòng trưng bày.
Nhân vật nổi tiếng giúp tăng hàng triệu lượt khách
Báo cáo khảo sát quốc tế thường niên của tạp chí Art Newspaper, xuất bản vào cuối tuần qua, xác nhận rằng, công chúng thường tò mò hơn về những gì liên quan tới các cái tên mà họ biết đến. Có nghĩa là nếu các bảo tàng và phòng triển lãm trưng bày về chủ đề liên quan tới các nhân vật gần gũi và được công chúng biết đến, họ đã chạm một nửa tới thành công.
Hiệu ứng này được thấy rõ tại Louvre, nơi trở thành địa điểm quay Apeshit, một MV của vợ chồng nhà Beyonce và Jay-Z. Lượng khách ghé thăm bảo tàng nổi tiếng của Pháp đạt 10,2 triệu lượt năm 2018, tăng tới 25% so với năm trước đó.
"Đâu đó trên thế giới, sự quan tâm dành cho Louvre đã được củng cố nhờ Apeshit của Beyonce và Jay-Z, MV giúp một số tuyệt tác nghệ thuật tại bảo tàng được vinh danh" - phát ngôn viên của bảo tàng Louvre cho biết.
MV ấn tượng của nhà Carters được trình làng vào tháng 6/2018, có cảnh cặp vợ chồng quyền lực đứng trước những tác phẩm tiêu biểu nhất tại bảo tàng, như bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci, The Coronation Of Napoleon của Jacques-Louis David hay bức tượng Hy Lạp cổ đại có tên Winged Victory Of Samothrace.
Tương tự, tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia Smithsonian ở Washington (Mỹ), một cặp tranh chân dung nổi bật của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Obama đã góp phần thu hút thêm một triệu du khách trong năm 2018.
Đại diện của Smithsonian đã xác nhận với tờ HuffPost rằng địa điểm đã đón 2,3 triệu khách trong năm 2018, tăng vượt bậc so với 1,3 triệu lượt năm trước đó.
Washington Post cũng dẫn lời một nhân viên tại bảo tàng, nói rằng nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này là nhờ các bức chân dung vẽ ông bà Obama, trưng bày tại đó từ tháng 2/2018.
"Chúng đã thu hút rất nhiều người" - tình nguyện viên Mary Francis Koerner chia sẻ - "Cứ sau 16h30, rất đông thanh niên tới đây, và đó (hai bức chân dung) chính là những gì họ đến để xem".
Chiều “đi lên” của các bảo tàng
Ngoài các ngôi sao đương đại, những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử cũng vẫn duy trì được sức hút của mình đối với khách tham quan.
Báo cáo của Art Newspaper chỉ ra rằng Tate Modern đã đánh bật Bảo tàng Anh khỏi vị trí hàng đầu Vương quốc Anh, lần đầu tiên sau 9 năm. Thành công này chủ yếu là nhờ vào sự hấp dẫn của loạt triển lãm được đánh giá cao, trong đó phải kể tới Picasso 1932: Tình yêu, Danh vọng, Bi kịch (Picasso 1932: Love, Fame, Tragedy).
Cùng với việc quảng bá Tate Modern là điểm thu hút nghệ thuật hàng đầu tại Anh, cuộc khảo sát dựa trên các dữ liệu được tổng hợp suốt 22 năm cũng tiết lộ rằng phòng trưng bày nằm ở quận Bankside, London đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới, thu hút 5,9 triệu khách vào năm 2018.
Trong khi đó, V&A (Victoria and Albert) vinh dự đón một đám đông lớn kỷ lục, tăng 178 ngàn người so với năm trước đó, bằng cách tập trung vào những gương mặt và cái tên quen thuộc. Khách tham quan đã tìm đến đây để chiêm ngưỡng Frida Kahlo: Making Her Self Up, một buổi triển lãm“cháy vé” về cuộc đời và sự nghiệp của nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Mexico, hay chương trình về Winnie The Pooh, bên cạnh một lễ kỷ niệm vinh danh các tác phẩm của nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha - Cristobal Balenciaga.
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York (Mỹ) đã tổ chức hai cuộc triển lãm nổi tiếng nhất năm 2018. Đó là Michelangelo: Divine Draftsman And Designer và Heavenly Bodies: Fashion And The Catholic Imaginations, một chương trình táo bạo pha trộn nghệ thuật tôn giáo với thời trang cao cấp đã lập kỷ lục thu hút gần 1,7 triệu người.
Nhìn chung, xu hướng giảm doanh thu của các bảo tàng chính ở Anh, được báo cáo vào cuối năm 2017, đã đảo chiều vào năm 2018, một phần nhờ hiệu ứng ngôi sao nói trên. Dù vậy, thành tích về lượt khách vẫn chưa thể trở lại thời kỳ cao, vào khoảng năm 2014.
Trên khắp thế giới, các bảo tàng và phòng trưng bày đang “thừa thắng xông lên”, hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn nữa vào năm 2019.
Vào cuối tháng 4, Bảo tàng Thiết kế ở London (Anh) sẽ kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà làm phim Stanley Kubrick. Triển lãm sẽ chia ra các phòng chủ đề riêng biệt, mỗi chủ đề xoay quanh các bộ phim của ông, bao gồm Barry Lyndon, 2001: A Space Odyssey, Full Metal Jacket, A Clockwork Orange, The Shining, Paths Of Glory, Spartacus, Lolita, Eyes Wide Shut và Dr Strangelove.
Chương trình mới của Tate Britain về khoảng thời gian của Van Gogh ở Anh hay triển lãm ở Bảo tàng Anh về Edvard Munch, cũng hứa hẹn mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về tâm lý hỗn loạn của các nghệ sĩ bậc thầy.
Duy An (Theo Guardian)
Tags