Bóng đá Việt Nam chứng kiến không ít hậu duệ của những cầu thủ tên tuổi tiếp bước sự nghiệp của cha ông mình, trở thành những cái tên làm rạng danh gia đình.
Những bức ảnh 'hổ phụ sinh hổ tử' gợi nhớ về sự tiếp nối thế hệ của bóng đá Việt Nam
Trang "Lịch sử bóng đá Việt Nam qua ảnh" vừa đăng tải những bức ảnh thể hiện cho tinh thần "cha truyền con nối" của bóng đá Việt Nam.
Một bức hình là hai người cha: cựu danh thủ Lê Văn Tâm (áo số 15) và cựu danh thủ Đỗ Cẩu (áo số 3). Cả hai cựu danh thủ đã từng giành được huy chương Bạc SEA GAMES lần 7, tại Singapore vào năm 1973.
Một hình là hai người con không kém phần nổi tiếng của họ: tiền đạo Lê Huỳnh Đức và trung vệ Đỗ Khải. Bức hình được chụp khi cả hai cùng tham dự SEA GAMES lần thứ 18 tại Chiangmai, Thái Lan vào năm 1995.
Lê Huỳnh Đức là con trai của ông Lê Văn Tâm, còn Đỗ Khải là con của Đỗ Cẩu. Họ là những đại diện tiêu biểu của những "gia đình thể thao" Việt Nam nổi tiếng.
Cha con Đỗ Cẩu - Đỗ Khải
Đỗ Cẩu từng khoác áo đội tuyển Thanh Niên năm 1971 và chỉ một năm sau trở thành hậu vệ chính thức cho đội tuyển miền Nam tham dự nhiều giải đấu quan trọng. Thời hoàng kim của sự nghiệp, Đỗ Cẩu luôn là khắc tinh của nhiều tiền đạo trong nước và quốc tế, với lối đá dũng mãnh, có thể thi đấu nhiều vai ở hàng thủ. Sau năm 1975, ông thi đấu cho đội Công nghiệp thực phẩm và cùng với Dư Tân trở thành cặp trung vệ sánh ngang Tam Lang - Lê Đình Thăng bên Cảng Sài Gòn hay Phạm Văn Lắm - Trần Kim Sang (Sang hoàng đế) ở Hải Quan. Từ 1984 đến 1987, ông trở thành HLV cho đội An Giang II (hai lần vô địch miền Tây).
Hai con trai của ông Đỗ Cẩu là Đỗ Văn Khải (sinh 1974) và Đỗ Văn Hùng (sinh 1975) đều theo nghiệp bóng đá giống bố, thi đấu cho đội Hải Quan đến đầu năm 2002. Đỗ Khải thừa hưởng tố chất của cha, sớm khẳng định tài năng và nhanh chóng được gọi vào đội tuyển quốc gia từ SEA Games 18 tại Chiangmai. Anh là trung vệ thép trong đội hình thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam cùng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Văn Sỹ, Hữu Đang, cùng với đội tuyển quốc gia đoạt HCB SEA Games 1995, Tiger Cup 1998 và SEA Games 1999. Cá nhân Đỗ Khải còn được nhận danh hiệu Quả bóng bạc VN năm 2001 và Quả bóng đồng VN năm 2000. Tiếc là khi đang ở thời điểm đỉnh cao phong độ, Đỗ Khải lại phải sớm giã từ sân cỏ vào đầu năm 2002 vì bị chấn thương nặng ở đầu gối.
Cha con Lê Văn Tâm - Lê Huỳnh Đức
Trong màu áo đội bóng Hải quan, ông Lê Văn Tâm cùng với Tư Lê và Trần Văn Xinh từng hợp thành hàng công hay nhất nhì bóng đá miền Nam đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ông Lê Văn Tâm cũng là ngôi sao từng giành được huy chương Bạc SEA GAMES lần 7, tại Singapore vào năm 1973.
Là con trai của cựu danh thủ Lê Văn Tâm, Huỳnh Đức được cha dìu dắt, hướng dẫn tận tình khi bước chân vào nghiệp bóng đá. Không trải qua trường lớp đào tạo năng khiếu nào nhưng thành tích thi đấu xuất sắc ở các giải đấu trường học khiến cậu bé Huỳnh Đức được giới chuyên môn quan tâm
Sự nghiệp bóng đá của Lê Huỳnh Đức bắt đầu vào năm 1994 khi gia nhập Đội bóng đá Quân khu 7, sau đó chuyển sang Đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Huỳnh Đức sớm bộc lộ tài năng và trở thành ngôi sao trên hàng công của đội tuyển Việt Nam. Anh là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam chơi bóng cho một CLB nước ngoài, Lifan Trùng Khánh theo một hợp đồng cho mượn vào năm 2001. Anh cũng là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu Quả bóng Vàng năm 1995. Sau này anh còn 2 lần nhận danh hiệu Quả bóng Vàng nữa vào các năm 1997, 2002 và 3 lần giành danh hiệu Quả bóng Bạc.
Ngoài ra, anh còn 2 lần giành danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch quốc gia, và là cầu thủ giữ kỷ lục dự đủ 5 kỳ Tiger Cup liên tiếp (1996, 1998, 2000, 2002, 2004).
Sau khi dừng thi đấu, Lê Huỳnh Đức trở thành HLV và có 2 chức vô địch Quốc gia cùng với SHB Đà Nẵng vào các năm 2009 và 2012. Hiện, Lê Huỳnh Đức đang dẫn dắt CLB Bình Dương.
Tags