(Thethaovanhoa.vn) - “Chưa nói đến vấn đề tư tưởng, có thể khẳng định nhiều trọng tài Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng được chuyên môn. Sai lầm mang tính hệ thống, tự đẻ ra luật…, nhiều trọng tài “hỏng” từ đầu vào”, ông Minh Xương nhận xét.
- HLV Đoàn Minh Xương: 'Việt Nam đánh bại Indonesia không khó'
- HLV Đoàn Minh Xương: 'Cầu thủ Bình Dương không thiếu động lực'
- HLV Đoàn Minh Xương: 'Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết'
“Hỏng” từ đầu vào
Lượt đi V-League 2017 chính thức khép lại cũng là lúc người ta nghĩ ngay đến chuyện trọng tài, lực lượng bị dư luận hoài nghi nặng nề về năng lực.
HLV Đoàn Minh Xương nêu ý kiến: “Vấn đề của trọng tài mình bây giờ là quá trình tích tụ từ lâu nay rồi. Nó bất cập vì chúng ta đòi hỏi số lượng trọng tài quá nhiều mà công tác đào tạo, đánh giá, phân công trọng tài lại không đi vào thực chất năng lực của họ. Đó là chưa nói đến việc đi theo dây này, dây nọ. Tôi có một câu chuyện thực tế về con trai mình đang du học bên Mỹ, nó có mong muốn làm trọng tài và nộp đơn lên BTC để ứng cử xin làm nghề. Khi đó người ta yêu cầu nó khai hết về nguồn tài chính, tình hình gia đình… tiêu chuẩn làm trọng tài của họ là phải liêm chính, có nghề nghiệp ổn định, không bị chi phối bởi tiền bạc… Nếu được lựa chọn bước đầu họ sẽ đánh giá, phân cấp trình độ anh qua từng trận đấu. Họ theo dõi theo quá trình anh đảm bảo được cấp độ nào sẽ phân công nhiệm vụ tương ứng. Họ đi lên bằng năng lực chứ không đi theo dây.
Với trọng tài của Việt Nam mình thì đã sai từ đầu vào rồi. Đi học trọng tài thường có “dây” hết trơn rồi. Về chuyên môn, không phải cứ bắt tốt, bắt giỏi là được làm mãi. Ví dụ như trận này mình 10 điểm thì trận sau mình làm tiếp, mà thay vào đó là cứ thay đổi luân phiên. Suy nghĩ cào bằng, đã làm trọng tài thì ai cũng được bắt, không có chuyện người giỏi thổi mãi để tạo ra tính cạnh tranh. Làm trọng tài thì ai cũng có thu nhập kiểu bình quân. Khi sai thì chỉ bị xử treo còi 2-3 trận rồi làm lại. Như thế đơn giản quá. Trọng tài mình theo tôi được biết, chuyên môn nhiều người không dở, đi bắt giải quốc tế người ta khen tốt lắm, nhưng về nước thì bị chi phối bởi mối quan hệ chằng chịt này nọ. Thổi mà phải ngó trước ngó sau, thầy này bà kia thì đương nhiên sẽ có sai lầm”.
“Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là 17 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta cứ chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Chắc chắn rằng trong số 14 đội đang chơi V-League, đa số CLB chưa đáp ứng được nguồn nhân lực, tài chính theo chuẩn chuyên nghiệp. Hệ thống thi đấu thì dàn trải. Các trọng tài đào tạo ra không đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Trọng tài chưa xác định mình là thành viên của trận đấu, cùng với 2 đội cộng hưởng để tạo ra trận đấu chất lượng phục vụ tốt nhất cho CĐV.
Như trận đấu giữa HAGL và FLC Thanh Hóa, trọng tài khiến trận đấu loạn lên vì ông ấy đã để trận đấu tuột khỏi tầm tay. Nếu mạnh dạn làm tới cùng, V-League chỉ nên có khoảng 8 đội, chỉ cần 6-8 ông trọng tài giỏi bắt hàng tuần thay vì 14 trọng tài mà trình độ không tốt như hiện tại. Như thế vừa nâng cấp giải VĐQG, tập trung được cầu thủ giỏi lẫn trọng tài giỏi”, ông Xương nói thêm.
“Trăm dâu đổ đầu… trọng tài”
Theo HLV từng 2 lần VĐQG với Đồng Tháp, BTC cũng có trách nhiệm rất lớn khi để trọng tài đến nông nỗi hiện tại: “Ở góc độ BTC, VPF và VFF đang né tránh vấn đề ai sai thì xử chứ không đánh giá đúng bản chất, công tác lựa chọn đào tạo phân công trọng tài sao mãi sai sót như thế. Mà cứ sai là BTC kỷ luật, biện pháp đó chỉ để xoa dịu dư luận chứ BTC không thể đi vào tận cùng giải quyết vụ việc. Khi nổ ra sự cố, BTC xử lý khủng hoảng truyền thông quá kém, cho vấn đề trôi qua theo thời gian nhằm né tránh chứ không đi vào gốc rễ”.
Trọng tài sai lầm liên miên, đó cũng chính là cái cớ lớn nhất để các CLB đổ vấy cho “vua áo đen” khi thành tích đội nhà không như ý. Căn bệnh “đổ thừa” cũng là một hiểm họa cho bóng đá Việt Nam. “Bóng đá Việt Nam có nhiều CLB đang xài tiền của ông bầu, khi thua họ kiếm chỗ mà đổ để các ông bầu khỏi trách cứ họ thay vì tâm phục khẩu phục.
Như CLB TP.HCM thua Sanna Khánh Hòa BVN toàn diện mà lãnh đạo CLB vẫn đổ lỗi cho trọng tài. Trọng tài như vật tế thần, CLB mặc định cứ thua là đổ lỗi cho trọng tài. Nhiều CLB đang tìm cách sống bám vào cơ chế chuyên nghiệp nên sinh ra tiêu cực. Đó suy cho cùng cũng là hệ lụy của chuyện duy trì giải đấu không có nhiều tính cạnh tranh, BTC không dám thay đổi”.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags