Làm thế nào để bóng đá Việt Nam trở lại vị thế ở khu vực và hướng đến mục tiêu cao hơn trong tương lai. Đó là những câu hỏi không dễ trả lời trong bối cảnh hiện nay. HLV Hoàng Văn Phúc đã có những chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết về vấn đề này dưới góc nhìn của mình cùng Thể thao & Văn hóa.
* Thể thao & Văn hóa: Bóng đá Việt Nam đang ráo riết để tìm HLV trưởng cho ĐTQG, quan điểm của ông trong việc chọn lựa người ngồi vào vị trí quan trọng này thế nào?
- HLV Hoàng Văn Phúc: Khâu tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTQG cần được chú trọng và đánh giá toàn diện hơn. Chúng ta triển khai một cách thận trọng, không vội vàng. Phải sàng lọc kỹ lưỡng, đặt ra tiêu chí cụ thể cũng như mục tiêu mà bóng đá nước nhà hướng đến là gì để có được sự hài hòa, phù hợp cùng tiếng nói chung trong công việc.
Chúng ta cần chọn một người am hiểu hiểu bóng đá Việt Nam, cả về văn hóa làm việc lẫn năng lực cầu thủ cũng như cách quản trị con người. Sự hiểu biết có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nhiều khi hữu ích còn hơn cả vấn đề chuyên môn.
HLV Troussier rất giỏi nhưng lại không phù hợp với chúng ta cũng chính do những khác biệt này. Đó là bài học cho chúng ta trong việc lựa chọn lần này.
HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cần có khả năng ứng biến cả trong trận đấu lẫn chiến lược đường dài, đề xuất thay đổi ngay nếu cần, thay vì làm việc cứng nhắc, máy móc. Chúng ta tôn trọng cá tính và sự khác biệt của người cầm quân nhưng chính HLV phải biết cách ứng biến nhằm đạt kết quả tốt nhất.
HLV trưởng đội tuyển Việt Nam phải biết lúc nào cần thích nghi, điều chỉnh, ứng biến linh hoạt, lúc nào cần kiên định với con đường mình đã chọn để mang đến sự hài hòa cho công việc.
* Như ông có chia sẻ, một khi chúng ta xác định mục tiêu cụ thể ra sao thì lúc đó sẽ tìm được tiếng nói chung, tạo ra sự hài hòa cho công việc của HLV ĐTQG, phải không?
- Đúng vậy, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu cụ thể, chiến lược bài bản, lộ trình phát triển thế nào. Không thể mông lung chỗ này được. Nhìn lại những thành quả đã có, chúng ta đang ở đâu, có gì, thiếu gì, cần gì và phải làm gì?
Vị thế ở khu vực Đông Nam Á hiện nay ra sao, làm thế nào để tiệm cận nhóm đầu châu Á. Từ đó, chúng ta phải xem lại toàn bộ nền tảng của bóng đá nội, từ chất lượng cầu thủ, chất lượng hệ thống bóng đá trẻ, hệ thống các giải đấu quốc nội.
Nghĩa là có phương hướng cụ thể mới có đường đi đúng đắn. Lúc đó, VFF mới chọn HLV trưởng phù hợp, đặt ra mục tiêu phù hợp. Ví dụ như trước mắt cần thành tích gì để gây dựng lại niềm tin, kích hoạt động lực. Khi chúng ta đã "định vị" đúng chỗ đứng của mình, thiết lập mục tiêu cụ thể sẽ giúp tìm kiếm được gương mặt phù hợp ngồi vào ghế HLV trưởng ĐTQG.
Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện tìm HLV cho đội tuyển Việt Nam khẩn trương và quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp cùng tiếng nói chung hài hòa.
* Nhiệm vụ vực dậy đội tuyển Việt Nam thời gian tới không còn là câu chuyện của HLV mới, mà là của cả nền bóng đá, phải không thưa HLV Hoàng Văn Phúc?
- Chính xác là như vậy. HLV trưởng ĐTQG suy cho cùng chỉ là người nắm phần ngọn. Họ giống như một người "thợ xây" để thực hiện công trình. Phần còn lại từ thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chúng ta, tức nền tảng bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào.
Để đội tuyển Việt Nam thành công, bóng đá nước nhà cần có nền tảng tốt về hệ thống các giải đấu quốc gia và đào tạo trẻ. Đào tạo cầu thủ giỏi, phát triển trong môi trường tốt để không lãng phí tiềm năng là việc của cả hệ thống bóng đá chứ không phải của riêng ai.
Một đội bóng mạnh cần có một HLV giỏi nhưng vị HLV đó cũng cần phải có "chất liệu" tốt trong tay để triển khai công việc của mình. Sẽ thấy, thời điểm HLV Park Hang Seo làm việc, bóng đá Việt Nam có nhiều "bột để gột nên hồ" hơn là lúc ông Troussier gắn bó.
Nhắc đến điều này để thấy rằng, HLV Troussier không hẳn là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những thất bại liên tiếp gần đây của các đội tuyển Việt Nam, dù tất cả đều thống nhất, triết lý cầm quân của ông thầy người Pháp không hợp với bóng đá Việt Nam.
Thừa nhận thất bại và đổ lỗi cho HLV Troussier thì dễ nhưng không thể quy kết hết trách nhiệm cho riêng HLV trưởng. Trong một nền bóng đá phát triển, vị trí của HLV chỉ là một "mắt xích", không thể quyết định toàn cục việc vận hành "cỗ máy".
Một chuỗi thất bại liên tiếp dẫn đến việc trượt đi các mục tiêu quan trọng vừa qua. Do bóng đá Việt Nam phải nhanh chóng nhìn lại những gì đã trải qua để rà soát lại mọi thứ, vạch ra chiến lược cụ thể để cùng tân HLV trưởng vực dậy đội tuyển Việt Nam, giúp bóng đá Việt Nam không chệch hướng, trở lại quỹ đạo phát triển.
* Dễ thấy, sau thế hệ "vàng" giành nhiều chiến tích trong hơn 5 năm đã qua là khoảng trống lớn về lực lượng, rõ ràng "có bột mới gột nên hồ", muốn bóng đá Việt Nam tiến xa, chúng ta phải làm tốt công tác đào tạo trẻ, phải không, thưa ông?
- Chất lượng cầu thủ, đó là "nguyên liệu" chính để các HLV thể hiện tài năng của mình. Bóng đá nước nhà cần những lò đào tạo trẻ được đầu tư tối ưu để đào tạo nên những cầu thủ thật sự chất lượng, có trình độ tiệm cận bóng đá châu lục. Nếu không có các cầu thủ giỏi, các HLV đẳng cấp cũng không có cách nào mang chiến thắng về cho bóng đá Việt Nam.
Rõ ràng, khâu đào tạo cầu thủ trẻ thời gian gần đây có phần chững lại. Bóng đá Việt Nam chưa thể sản sinh đủ nhiều cầu thủ chất lượng cho giấc mơ World Cup. Nhiều trung tâm, lò đào tạo chưa có cách làm bài bản, mỗi nơi lại làm một kiểu.
Các trung tâm đào tạo trẻ có cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế. Chưa kể đào tạo trẻ không chỉ là chuyện chăm bẵm cầu thủ còn ở việc ai sẽ hướng dẫn, uốn nắn cho họ. Chúng ta đang còn khuyết chỗ này. Lực lượng HLV đào tạo trẻ đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi.
Không còn cách nào khác, trong bối cảnh này, tất cả những người làm bóng đá Việt Nam phải ngồi lại với nhau để xây dựng kịch bản, lộ trình, hướng đi cụ thể cho bước đường tiếp theo.
* Chúng ta đã thất bại ở vòng loại World Cup 2026 nhưng không có nghĩa mọi thứ dừng lại ở đây, khát vọng World Cup phải luôn được nuôi dưỡng một cách cháy bỏng để bóng đá nước nhà ngày không xa đi đến cái đích đó, ông cảm nhận điều này thế nào?
- Đúng thế. Những gì đã qua trong hơn 1 năm trở lại đây là thất bại. Khó khăn là một chuyện nhưng bóng đá nước nhà không thể từ bỏ những khát vọng của mình, phải biết cách tạo ra cơ hội, nắm bắt cơ hội của mình. Phải làm sao để mọi thứ tưởng như xa kéo được lại gần dù hành trình đó cần thời gian, sự kiên nhẫn và hội tụ nhiều yếu tố.
Dấu ấn trong lần đầu lọt vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á hay thất bại tại vòng loại World Cup 2026 đều mang lại những bài học và giá trị khác nhau. Đó là cơ sở để chúng ta viết tiếp giấc mơ World Cup. Chính những cú va vấp ở sân chơi lần này tạo tiền đề cho sự vươn lên của bóng đá Việt Nam.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Câu chuyện bây giờ chúng ta không chỉ dừng lại ở mốc giới hạn này. Để có thể tiếp tục giấc mơ góp mặt ở một kỳ World Cup, bóng đá Việt Nam cần làm nhiều hơn bây giờ thay vì chỉ hài lòng với các giải đấu trong khu vực. Để thu hẹp khoảng cách, cầu thủ phải được cọ xát nhiều từ trong tới ngoài nước. Cùng với nền tảng giải VĐQG phát triển mạnh và ổn định. Cùng với đó hệ thống đào tạo trẻ rất mạnh, liên tục bổ sung các lứa cầu thủ tài năng cho ĐTQG. Việc được thi đấu nhiều, thực chiến sẽ giúp cầu thủ tự tin về cách chơi, sự va chạm. Đồng thời nâng cao thể trạng cũng như tư duy chiến thuật. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có một thế hệ cầu thủ đồng đều về tài năng.
Tags