Dự kiến hôm nay, 27/5, HLV Kim Sang Sik sẽ công bố bản danh sách đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình cho 2 lượt trận vòng loại World Cup trong tháng 6. Nếu không có bất kỳ nhân tố nào mới, nếu thành phần chủ yếu là các cựu binh thời HLV Park Hang Seo, thì đó cũng không có gì bất ngờ.
Một bản danh sách với chủ yếu là các cái tên quen thuộc thì bản thân nó không tốt mà cũng chẳng xấu, bởi nếu đó là sự phản ảnh chính xác những gì tốt nhất mà bóng đá Việt Nam đang có hiện nay, thì cần phải chấp nhận cho dù ai cũng mong muốn mỗi lần tập trung đội tuyển sẽ có một nhân tố mới xuất hiện.
Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Đội bóng đang dẫn đầu V-League hiện nay là Nam Định gần như phải sống bằng hơi thở của bộ đôi ngoại binh Rafaelson và Hendrio, những người ghi 2/3 số bàn thắng cho đội bóng thành Nam. Trong danh sách Vua phá lới V-League, những cái tên xếp sau các ngoại binh trong tốp đầu thì lần lượt là Quang Hải, Tiến Linh, Văn Quyết và Tuấn Hải. Họ đều quá cũ, không phải vì có thâm niên trên đội tuyển quốc gia suốt 6 năm qua mà còn quá quen thuộc ở sân chơi V-League chừng đó thời gian.
Lưu ý một chút, là 3 trong số 4 cái tên kể trên đã và đang là người của Hà Nội FC. Đó là đội bóng có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại V-League trong 10 năm qua. Đó cũng là CLB mà có giai đoạn cứ mỗi mùa giải họ lại giới thiệu một nhân tố mới. Không phải cầu thủ nào cũng lên đội tuyển và vụt sáng thành ngôi sao, nhưng điều quan trọng là Hà Nội FC có thói quen cải tổ đội hình liên tục mà vẫn giữ được sự ổn định về thành tích. Ngay Nam Định mà mùa này vô địch, thì trong đội hình của họ cũng có 3 người bị xem là "hàng dạt" từ Hà Nội FC là Trần Văn Kiên, Phạm Đức Huy và Nguyễn Văn Vĩ.
Vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam đó là quá ít đội bóng như Hà Nội FC hay Thể Công Viettel, B.Bình Dương. Đó là các CLB có sự dũng cảm cần thiết trong chiến lược phát triển cầu thủ. Không phải lúc nào cầu thủ trẻ của họ cũng ra sân và chơi tốt tại V-League, nhưng quan trọng là họ luôn sẳn sàng trao cơ hội.
Những đội bóng này cũng có chiến lược riêng trong việc xây dựng đội ngũ kế thừa mà tiêu biểu đó là thành lập CLB trẻ, đội hình B để dự các giải hạng Nhì hay hạng Ba. Nếu có cơ hội, họ còn đá luôn cả hạng Nhất và đặt mục tiêu thăng hạng chứ không "đá cho vui". Hà Nội B năm nào lên V-League rồi chuyển tên thành Sài Gòn FC là ví dụ.
Trong bối cảnh mà vì nhiều lý do bóng đá Việt Nam chưa thể tăng số trận đấu ở cấp độ chuyên nghiệp hay các giải đấu phụ, thì câu chuyện về con người gần như phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc của các CLB. Hãy xem trường hợp của SHB Đà Nẵng. Năm ngoái, vì trẻ hóa đội hình mà họ phải xuống hạng, nhưng rồi ngay lập tức trở lại sân chơi V-League cùng với một năm trải nghiệm đáng giá cho cầu thủ trẻ. Đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng giờ đây chỉ cần tuyển chọn được ngoại binh tốt thì chắc chắn sẽ có triển vọng cao ở V-League mùa sau. Xuống hạng như SHB Đà Nẵng đâu có gì là "thảm họa". Ở một địa phương có truyền thống, thì trước sau gì họ cũng về lại nơi thuộc về mình. Nghiêm túc hay không, nằm ở chỗ này.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng việc ngoại binh chiếm ưu thế tại sân chơi V-League là điều không nên thảo luận thêm nữa. Bóng đá Việt Nam muốn hội nhập sâu với thế giới, thì bắt buộc phải dùng ngoại binh ở mức tối đa. Việc sử dụng ngoại binh thế nào để có lợi cho cầu thủ nội thì không có nghĩa là cứ bỏ bớt Tây để thay vào đó là cầu thủ trẻ. Hà Nội FC không cần phải làm vậy nhưng vẫn bảo đảm thành tích và vẫn có nhân tố mới. Nhưng nếu CLB không đủ dũng khí, hay không có con người để làm điều tương tự thì… cũng chịu.
Nói dông dài cũng là để thấy rằng HLV Kim Sang Sik khó mà tìm ra những nhân tố mới trong nhiệm kỳ của mình với bóng đá Việt Nam. Có lẽ phải xác định tư tưởng cho ông đó là "liệu cơm gắp mắm" để phát huy những gì tốt nhất đang có trong tay.
Nếu có kỳ vọng, thì đó là với những con người mà người đồng hương Park Hang Seo chưa thể tạo ra cú nhảy vọt về chất lượng, có thể ông Kim Sang Sik với sự trẻ trung và ít chịu áp lực sẽ có những phát kiến chiến thuật mới mẻ. Đó là cách mà chúng ta "làm mới" đội tuyển ở thời điểm hiện nay.
Tags