(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 10 năm trước, bóng đá Việt Nam từng có một giám đốc kỹ thuật (GĐKT) khá tên tuổi là Rainer Willfeld, nhưng sau khi chuyên gia người Đức này ra đi, vị trí ấy đã trở thành “vùng trắng” dù không ít lần được nhắc đến.
- HLV Lê Thụy Hải: ‘Anh Đức và Công Vinh không nên nói gì lúc này’
- HLV Lê Thụy Hải: 'Cần hiểu cái khó của Hữu Thắng’
- HLV Lê Thụy Hải: 'Quan trọng với bóng đá Đông Nam Á là tính kỷ luật'
Thậm chí, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận tại Đại hội Thường niên VFF hồi cuối năm 2015. Thế nhưng, sau khi thành lập Hội đồng HLV quốc gia mới, giao quyền dẫn dắt đội tuyển quốc gia cho HLV Nguyễn Hữu Thắng, không còn thấy ai nhắc đến việc tìm GĐKT cho bóng đá Việt Nam nữa mà chủ đề “nóng” chỉ là mục tiêu vào chung kết AFF Suzuki Cup 2016, giành HCV SEA Games 29 năm 2017.
Ông Lê Thụy Hải nói cần có một Giám đốc kỹ thuật cho đội tuyển cả khi Hội đồng HLV làm việc hiệu quả
Giám đốc Kỹ thuật rất cần thiết
Ông Lê Thụy Hải, người từng được Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức tiến cử vào Hội đồng HLV quốc gia, người được giới chuyên môn đánh giá có đủ năng lực chuyên môn để đảm đương cả chức danh GĐKT của bóng đá Việt Nam bộc bạch: “Thực ra mà nói bóng đá Việt Nam tôi nghĩ luôn luôn cần một GĐKT.
Nếu để nói là GĐKT cho riêng Liên đoàn thì đúng là không cần nữa vì chúng ta đã có Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia rồi, người hoạch định ra mọi thứ. Nhưng với đội tuyển quốc gia thì tôi nghĩ vẫn nên cần GĐKT, người có thể giúp HLV trưởng nhiều việc, trực tiếp trong một trận đấu hay chương trình huấn luyện cụ thể, thương thảo hay có một quyết sách nào đó.
Điều đó cũng rất quan trọng vậy thì tại sao chúng ta lại không cần? Nói chung nếu có GĐKT thì HLV trưởng giảm tải được rất nhiều công việc ở đội bóng vì đã có một người lo toan được mọi thứ rồi. Nhưng có thể Liên đoàn thấy không cần thiết”.
Từ kinh nghiệm của bản thân, HLV Lê Thụy Hải cho rằng vai trò của một GĐKT ở đội tuyển quốc gia khác với tại các CLB cụ thể. “GĐKT ở các CLB tại Việt Nam hiện nay đa số làm sự vụ chuyên môn giống như một HLV trưởng, giữa hai chức danh chỉ khác nhau cái tên, không có gì khác.
GĐKT nói chung phải hoạch định kế hoạch, mọi tính toán của CLB ở tầm vĩ mô, GĐKT đúng ra không đi làm sự vụ, huấn luyện ở đội bóng. Ở Việt Nam, vai trò HLV trưởng là quyết định nhưng nếu có GĐKT thì giúp được nhiều về chuyên môn, có thể là thảo luận, đưa ra những quyết sách cùng HLV trưởng sau khi theo dõi đối thủ… giúp HLV trưởng giảm bớt được công việc. Hai công việc đó hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn có thể hỗ trợ cho nhau”.
HLV Lê Thụy Hải nói tiếp: “Ở đội tuyển hay CLB thường có Trưởng đoàn nhưng có giải thi đấu Trưởng đoàn mới đi cùng đội bóng nhưng thực ra chuyên môn còn hạn chế. Và chúng ta phải nhìn thấy được những khó khăn, bất cập ở môi trường bóng đá Việt Nam hiện nay. Nếu Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia làm tốt, hoặc được giao nhiệm vụ ấy thì lại là chuyện khác.
Tôi nghĩ, vai trò GĐKT ở đội tuyển quốc gia hay bất cứ CLB nào chỉ làm cho công việc tốt lên thôi chứ không phải là thừa. Riêng ở CLB, đúng ra GĐKT phải có vai trò hoạch định kế hoạch tầm vĩ mô của cả CLB, kết nối với các HLV trưởng xây dựng tuyến trẻ từ dưới, giúp tuyến trẻ tiến bộ để có thể đưa lên đội 1 khi cần, hình thành hệ thống chiến thuật đồng nhất.
Nhưng khi tôi làm GĐKT ở CLB B.Bình Dương trước đây và bây giờ là FLC Thanh Hóa thì vẫn chủ yếu làm công việc sự vụ chuyên môn, coi như HLV trưởng, không có thay đổi nhiều. Tôi nghĩ, đây là một thiệt thòi cho các CLB”.
Không riêng gì GĐKT Lê Thụy Hải tại FLC Thanh Hóa mà ở B.Bình Dương hay Long An, vẫn chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa hai chức danh GĐKT và HLV trưởng. Có không ít thời điểm, không ít trận đấu, vai trò, tiếng nói của HLV trưởng còn được xem là có trọng lượng hơn, chỉ có điều, theo đúng điều lệ giải, HLV trưởng mới là người có trách nhiệm phải tham dự buổi họp báo sau mỗi trận đấu. Thế nên mới có chuyện, chỉ đạo cầu thủ thi đấu trên sân là một người, phát ngôn về chiến thuật, kết quả cụ thể từng trận đấu lại là người khác.
Trong khi đó, trên bình diện đội tuyển quốc gia, Việt Nam là một trường hợp hiếm hoi chưa có GĐKT cho cả nền bóng đá còn vai trò của Hội đồng HLV quốc gia thì vẫn không được thể hiện rõ nét, ngoại trừ việc theo dõi, giới thiệu nhân sự cho HLV trưởng ở từng đợt tập trung của đội tuyển quốc gia.
Thành công của bóng đá Thái Lan thời gian vừa qua có dấu ấn rõ nét của HLV trưởng Kiatisuk Senamuang nhưng GĐKT Withaya Laohakul vẫn được tôn trọng và với đây tân Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang đã làm việc đồng thời cùng HLV trưởng và GĐKT để thống nhất kế hoạch giành vé tham dự World Cup 2018. Hay như Lào từng thuê chàng rể Việt Steve Darby làm GĐKT, Singapore và Myanmar cũng có hướng đi tương tự..
Một GĐKT đúng nghĩa cho bóng đá Việt Nam, tại sao không? Vấn đề là giới quản lý có thật sự thấy cần thiết chức danh này và khi đã thuê đúng người thì có giao cho họ đúng việc hay không, đó mới là điều quan trọng.
Tại V-League 2016, ngoài FLC Thanh Hóa với GĐKT Lê Thụy Hải, HLV Hoàng Thanh Tùng còn có 2 CLB khác sử dụng đồng thời cả hai chức danh GĐKT và HLV trưởng B.Bình Dương với GĐKT Đặng Trần Chỉnh – HLV Nguyễn Thanh Sơn, Long An với GĐKT Huỳnh Ngọc San – HLV Ngô Quang Sang. XSKT Cần Thơ cùng Than Quảng Ninh trước đây cũng từng áp dụng mô hình này nhưng hiện giờ, ông Nguyễn Thanh Danh đã được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn còn GĐKT Vũ Quang Bảo chuyển sang làm HLV trưởng. Than Quảng Ninh sau khi HLV Phạm Như Thuần xin rút, GĐKT Phan Thanh Hùng chính danh đảm nhiệm cương vị HLV trưởng, dẫn dắt đội bóng đất Mỏ từ vòng 5. |
Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags