Cách đây hơn một thập kỷ, HLV người Đức Falko Goetz từng bị sa thải sau thất bại đáng thất vọng ở kỳ SEA Games 2011 dù ông từng muốn xây dựng U22 Việt Nam theo lối chơi tấn công áp đặt. Bây giờ, đến lượt HLV Troussier đang ngập tràn âu lo trước thềm SEA Games 32.
Bài học đầy phũ phàng từ HLV Falko Goetz
Mười hai năm trước, tại SEA Games 26 năm 2011, đội U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Falko Goetz từng phải nếm trải cảm giác thất bại đầy thất vọng, dẫn đến hệ quả là nhà cầm quân người Đức đã bị "bay ghế".
Ông Goetz từng được VFF ký hợp đồng với hy vọng rằng nhà cầm quân này sẽ giúp bóng đá Việt Nam giải cơn khát vàng SEA Games – một giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực vào thời điểm đó.
Giải năm ấy, U23 Việt Nam (khi SEA Games còn giới hạn độ tuổi U23) nằm ở bảng dễ thở cùng Myanmar, Philippines, Timor Leste, Lào, Brunei. Trước những đối thủ "chiếu dưới", thầy trò HLV Goetz không gặp nhiều khó khăn để vượt qua vòng bảng. Toàn đội giành 4 trận thắng, 1 hòa, đứng đầu bảng để tiến vào bán kết nhờ lối chơi tấn công áp đặt – thứ mà HLV Goetz đã rất cố gắng để xây dựng cho các học trò.
Thế nhưng, những chiến thắng ở vòng bảng rốt cuộc cũng hoàn toàn "vô nghĩa" với U23 Việt Nam, khi mà ác mộng ập đến ở những trận đấu mang tính chất knock-out.
Tại vòng bán kết, U23 Việt Nam chịu thất bại "lấm lưng trắng bụng" trước lối chơi lì lợm, đầy sức mạnh của Indonesia với tỷ số 0-2. Giấc mơ giành HCV SEA Games với bóng đá Việt Nam chính thức tan thành mây khói. HLV Goetz trở thành mục tiêu bị công kích dữ dội từ dư luận.
"Thảm kịch" chưa dừng lại ở đó. Đến trận tranh HCĐ, U23 Việt Nam do mất nhuệ khí cộng với lối chơi chệch choạc, mắc sai lầm liên tiếp ở hàng thủ, đã dẫn đến việc phải chịu thất bại tới 1-4. Thầy trò HLV Goetz rời giải trong muôn vàn thất vọng. Nhà cầm quân người Đức phải đứng mũi chịu sào, những chịu sự chỉ trích của búa rìu dư luận.
Sau thất bại, VFF tiến hành họp với ông Goetz để mổ xẻ lý do thất bại. Trước đó, giới chuyên môn trong nước đánh giá rằng U23 Việt Nam đã thiếu trầm trọng một tiền vệ tổ chức và một tiền đạo đúng nghĩa.
Về lối chơi, HLV Goetz lý giải rằng ông muốn gây dựng cho U23 Việt Nam lối đá kỹ thuật bằng những đường chuyền ngắn, chú trọng vào kiểm soát và tấn công áp đặt. Lối đá này từng giúp U23 Việt Nam chơi tốt ở vài trận giao hữu trước thềm SEA Games. Tuy nhiên, đến khi gặp phải những đối thủ có lối đá quyết liệt, giàu sức mạnh như Indonesia hay Myanmar tại SEA Games, U23 Việt Nam đã "tắt điện", không thể triển khai được lối chơi dẫn tới thất bại.
Ông Goetz còn cho rằng đa số cầu thủ U23 Việt Nam khi đó đều còn trẻ, non kinh nghiệm, ít được chơi ở V.League nên không thể hoàn thiện lối chơi bóng ngắn mà ông theo đuổi.
Trong khi đó, một nguyên nhân khác cũng được đưa ra mổ xẻ, đó là U23 Việt Nam đã chịu áp lực quá lớn với việc đặt chỉ tiêu giành HCV, trong khi theo ông Goetz thì nếu so sánh về lực lượng với các đối thủ, đó là mục tiêu khó với U23 Việt Nam.
Sau thất bại tại SEA Games 2011, HLV Falko Goetz đã xin về Đức để nghỉ Giáng sinh. Cũng trong thời gian này, sau một cuộc họp khẩn, VFF kết luận chính ông Goetz là nguyên nhân lớn nhất khiến U23 Việt Nam trắng tay. Phũ phàng hơn hơn, 100% các ủy viên Ban chấp hành VFF đều biểu quyết sa thải ông thầy người Đức. Sau đó, ông Goetz nhận thông báo sa thải từ VFF bằng một… cuộc điện thoại. Câu chuyện này đã gây ra không ít tranh cãi trong làng bóng đá Việt Nam. Ngay cả truyền thông Đức cũng cảm thấy hết sức ngỡ ngàng.
Lời cảnh tỉnh cho HLV Troussier
Giống với U23 Việt Nam cách đây 12 năm, U22 Việt Nam hiện tại của HLV Troussier cũng đang xây dựng lối đá tấn công áp đặt. Tuy nhiên, dường như U22 Việt Nam chưa thể "có bột" để có thể "gột nên hồ".
U22 Việt Nam vừa trải qua tổng cộng 6 trận giao hữu (trong đó có 3 trận ở Doha Cup) với kết quả rất tệ, chỉ thắng 1 (trước Phú Thọ) nhưng thua tới 5. Lối đá tấn công áp đặt mà ông Troussier xây dựng hoàn toàn chưa phát huy được hiệu quả. Ngay tới một đối thủ "mềm" như Bà Rịa Vũng Tàu, U22 Việt Nam cũng để thua mà không thể ghi bàn.
Cũng khá tương tự với đội hình năm xưa, U22 Việt Nam hiện tại đang thiếu một tiền vệ tổ chức và một tiền đạo đúng nghĩa. Do không có một tiền vệ tổ chức dẫn dắt lối chơi, nên U22 Việt Nam dù cầm nhiều bóng ở một số trận giao hữu, nhưng không thể triển khai được những pha tấn công thật sự sắc nét.
Trong khi đó, vị trí tiền đạo cũng chưa thể khiến ông Troussier yên tâm. Ở 5 trận thua gần nhất, U22 Việt Nam chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn và cả 2 đều xuất phát từ các tình huống cố định thay vì những đường phối hợp từ dưới lên trên như mong muốn của ông thầy người Pháp. Vài ngày trước, tiền đạo Bùi Vĩ Hào nói rằng anh muốn ghi bàn ở tất cả các trận tại SEA Games 32 nhằm giúp toàn đội bảo vệ HCV, nhưng không nhiều người hâm mộ dám đặt niềm tin rằng mục tiêu ấy sẽ trở thành hiện thực.
Không những vậy, phải chăng U22 Việt Nam cũng đang chịu áp lực quá lớn trước mục tiêu bảo vệ HCV, dù thực tế nếu xét về lực lượng, chúng ta không hơn thậm chí còn thua thiệt so với các đối thủ nặng ký như Thái Lan, Indonesia…? Mười hai năm trước, áp lực nặng nề là một phần nguyên nhân khiến U23 Việt Nam sụp đổ và bây giờ, HLV Troussier cần có cách để làm vơi bớt gánh nặng tâm lý cho các học trò.
Chưa biết U22 Việt Nam sẽ thể hiện ra sao ở SEA Games, song nếu có thất bại thì đó cũng không phải là điều quá bất ngờ. Trong trường hợp xấu nhất, có thể HLV Troussier sẽ không nhận "ấn sa thải" đầy phũ phàng như Falko Goetz năm xưa, nhưng "Phù thủy trắng" chắc chắn cũng sẽ phải hứng chịu áp lực rất lớn từ dư luận.
Có lẽ người hâm mộ chỉ có thể hy vọng rằng "Phù thủy trắng" sẽ nhìn tấm gương của Falko Goetz để không đi vào vết xe đổ cách đây hơn một thập kỷ, thay vì mơ mộng về tấm HCV.
Tags