HLV Nhật Bản với bóng đá châu Á: Không phải 'hàng hot'

Thứ Hai, 31/03/2014 13:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bài phát biểu khai mạc tại Đại hội VFF khóa VII diễn ra vào ngày 25/3/2014 vừa qua tại Hà Nội, tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định trong tháng 4 sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm HLV trưởng mới cho ĐT Việt Nam và nhiều khả năng đó sẽ là HLV người Nhật Bản.

Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là ông thầy đến từ xứ sở mặt trời mọc đầu tiên đến Việt Nam để đảm nhiệm vai trò “thuyền trưởng” ở cấp độ ĐTQG. Trong khi đó, nếu chúng ta nhìn sang các quốc gia trong khu vực cũng như ở châu lục thì thấy không có nhiều quốc gia đã hoặc đang sử dụng HLV Nhật Bản.

Trong khu vực Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất ĐT Lào hiện đang sử dụng HLV Nhật Bản là ông Kokichi Kimura (kể từ tháng 7/2012 đến nay) nhưng hiệu quả mang lại thì vẫn còn rất hạn chế.

Còn trong quá khứ, cũng chỉ có thêm ĐT Philippines từng sử dụng các HLV Nhật Bản trong một khoảng thời gian ngắn là các ông Masataka Imai (vào năm 2001) và ông Sugao Kambe (giai đoạn 2002-2003) nhưng đều không giành được thành công.

Nếu chúng ta nhìn rộng hơn ra ngoài châu Á thì trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của châu lục đông dân nhất thế giới, chỉ có thêm Bhutan, Đài Loan (Trung Quốc), Nepal và Guam là từng sử dụng các HLV mang quốc tịch Nhật Bản trong vòng 20 năm trở lại đây.

Trong khi ĐT Nepal chỉ từng mời một HLV người Nhật duy nhất là ông Toshihiko Shiozawa (trong giai đoạn 2005-2006), thì đối với ĐT Đài Loan (Trung Quốc), ngoài HLV đương nhiệm là ông Kazuo Kuroda, trước đây gần chục năm vùng lãnh thổ này còn sử dụng một HLV Nhật Bản khác là ông Toshiaki Imai (trong giai đoạn 2005-2007).

Trong khi đó, cả 3 ông thầy dẫn dắt ĐT Bhutan trong thời gian gần đây đều đến từ đất nước mặt trời mọc: ông Koji Gyotoku (giai đoạn 2008-2010), Hiroaki Matsuyama (giai đoạn 2010-2012) và Kazunori Ohara (từ năm 2012 đến nay). Còn Guam trong quá khứ cũng đã từng 3 lần trải thảm đỏ mời các ông thầy người Nhật Bản về dẫn dắt ĐTQG của nước mình là các ông Sugao Kambe (giai đoạn 2003-2005), Norio Tsukitate (giai đoạn 2005-2009) và Kazuo Uchida (năm 2011).

Điểm lại trong số những đội bóng sẽ hiện diện tại VCK Asian Cup 2015 diễn ra vào năm sau, ngoài 4 đội vẫn trung thành với chính sách sử dụng thầy nội là ĐT Australia (với HLV Ange Postecoglou), ĐT UAE (với HLV Mahdi Ali), ĐT Uzbekistan (với HLV Mirjalol Qosimov) và ĐT Iraq (với HLV Hakeem Shaker), các quốc gia khác đều sử dụng các ông thầy ngoại, nhưng không một ai trong số này đến từ xứ sở hoa anh đào.

Bản thân ĐT Nhật Bản kể từ năm 2010 đến nay cũng đang được đặt dưới sự dẫn dắt của một HLV ngoại là ông Alberto Zaccheroni (người Italia) với thành tích khá ấn tượng là giành chức vô địch Asian Cup 2011 và lọt vào VCK World Cup năm nay. Ngay cả 3 chức vô địch châu Á trước đó của ĐT Nhật Bản cũng gắn liền với tên tuổi của các ông thầy ngoại: HLV người Hà Lan Hans Ooft (Asian Cup 1992), HLV người Pháp Philippe Troussier (Asian Cup 2000) và HLV người Brazil Zico (Asian Cup 2004).

Hơn nữa nhìn lại 20 năm qua, cũng chỉ có đúng 2 ông thầy nội được LĐBĐ Nhật Bản tin tưởng giao phó cho trách nhiệm dẫn dắt ĐTQG là Shu Kamo và Takeshi Okada.

Thành Quang
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›