Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 27/12 sẽ là cuộc đụng độ thú vị khi HLV Park Hang Seo đối đầu với HLV đối thủ có triết lý bóng đá tương tự ông.
Sơ đồ 3-5-2
Điều đầu tiên có thể nhận thấy ở đội tuyển Malaysia dưới triều đại HLV Kim Pangon chính là sơ đồ 3-5-2. Đây là hệ thống chủ đạo mà ông thầy người Hàn Quốc áp dụng cùng các biến thể như 5-3-2, 5-4-1, 3-4-3 ở nhiều tình huống, thời điểm trận đấu khác nhau.
Đáng chú ý, đây cũng được coi là sơ đồ hệ thống chủ đạo của chính HLV Park Hang Seo. Vị chiến lược gia sinh năm 1957 cũng vận hành đội tuyển Việt Nam trên các biến thể như trên. Thậm chí, cả 2 HLV đều lấy việc phòng ngự chắc chắn, số đông bên phần sân nhà làm chủ đạo trước khi nghĩ về một chiến thắng.
Trong trận đấu gặp Myanmar ở ngày khai màn AFF Cup 2022, bàn thắng của Faisal Halim được ghi sau một pha phản công mẫu mực. Kể từ thời điểm có bàn thắng, "những chú hổ vàng" chơi tập trung ở khu vực 1/3 sân, chấp nhận để Myanmar cầm bóng, triển khai thế trận tấn công.
Có thời điểm, Malaysia có tới 9 cầu thủ ở trước vòng cấm và chỉ cắm Sergio Aguero phía trên gần khu vực giữa sân làm tường cho các tình huống phản công. Nếu nhìn vào đội tuyển Việt Nam trong suốt triều đại HLV Park Hang Seo, kịch bản phòng ngự phản công này gần như tương tự.
HLV 63 tuổi thường xuyên bố trí 1 tiền đạo mũi nhọn là Tiến Linh hoặc Đức Chinh ở gần vòng tròn giữa sân, phần còn lại phòng ngự thành 2 lớp (lớp 4 tiền vệ phía trên, lớp 5 hậu vệ phía dưới). Khi phản công 2 tiền vệ trung tâm hỗ trợ tiền đạo triển khai bóng để 2 tiền vệ, hậu vệ cánh băng lên.
Ở đội tuyển Malaysia, kịch bản này được vận hành bằng việc Sergio Aguero đón bóng bật ra, phối hợp cùng 2 tiền vệ là Lee Tuck và Faisal Halim, 2 tiền vệ cánh cùng 2 tiền vệ cánh sẽ dâng cao lập tức để chuyển trạng thái thành 3-4-3 hoặc 3-5-2 nhằm tạo ra lực lượng đông đảo nhất bên phần sân đối phương.
Triết lý bóng đá hiện đại
Triết lý bóng đá của HLV Park Hang Seo và Kim Pan Gon mang hơi hướng của bóng đá hiện đại với yêu cầu đội hình cầu thủ phải di chuyển theo hình khối hỗ trợ nhau. Khoảng cách giữa 2 cầu thủ không cách nhau quá xa ở khoảng duy trì (3-5m). Đây là cách vận hành của đa số các đội bóng hiện nay, thay vì việc đứng vị trí và liên kết yếu như trước đây.
Các tiền đạo trong bóng đá hiện đại luôn phải hỗ trợ tranh cướp bóng ở phần sân đối phương và khu vòng tròn trung tâm. HLV Kim Pan Gon cũng thường xuyên yêu cầu cả Aguero, Lee Tuck và Faisal tích cực tranh bóng, gây áp lực lên hậu vệ, tiền vệ đối phương mỗi khi họ có bóng.
Cách mà Malaysia thực hiện phản công cũng sử dụng rất ít chạm và đa dạng. Đội bóng này có thể chơi tấn công trực diện cũng như đưa bóng ra cánh và căng bổng vào trong để tiền đạo dứt điểm.
Một điểm tương đồng khác trong lối chơi của cả 2 HLV là những đường bóng đâm xuống nách biên rồi căng ngược trở lại cho tuyến 2 dứt điểm.
Dù vậy, lợi thế không nhỏ cho đội tuyển Việt Nam chính là việc các cầu thủ Malaysia chưa thực sự thấm nhuần triết lý, lối chơi mà HLV Kim Pan Gon đưa ra.
Trong trận đấu gặp Myanmar, hai nách giữa hậu vệ cánh và trung vệ lệch bị đội chủ nhà khai thác rất nhiều bằng các đường xuyên tuyến, bóng bổng.
Rất may là các chân sút Myanmar đều tỏ ra vô duyên trước khung thành thủ môn Mohamed Hazmi Bin. Nhược điểm khác của Malaysia chính là việc các trung vệ vẫn chưa thực sự chơi ăn ý với nhau. Dominic Tan, Sharul Nazeem và Ruventhiran không hỗ trợ nhau nhiều trong phòng ngự.
Các trung vệ cao lớn này tỏ ra lóng ngóng trước những chân sút nhỏ con của Myanmar cũng như các đường bóng ngang tầm ngực, bụng được căng vào vòng cấm. Đây sẽ là chi tiết mà đội tuyển Việt Nam có thể tận dụng, khai thác tốt hàng phòng ngự Malaysia.
Tags