Ông Miura nên tham khảo ông Riedl và Calisto

Thứ Hai, 02/03/2015 11:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Công Phượng có thể đóng một vai trò tích cực ở đội U23 Việt Nam nếu như HLV Miura tin dùng và khai thác được những phẩm chất tối ưu của cầu thủ này. Thực tế là các HLV tạo được nhiều dấu ấn nhất với bóng đá Việt Nam (BĐVN) cũng đều là những người rất tinh tế trong cách  dùng người.

Dưới đây là phân tích của nhà báo Phạm Tấn.

+ Độc giả lý giang Đông: Tôi thì cho rằng Công Phượng không nhất thiết phải bằng Văn Quyến! Chúng ta đã từng gọi Văn Quyến là thần đồng, còn công Phượng bây giờ chỉ là tài năng vượt trội hơn so với các bạn cùng lứa một chút thôi! Ngay cả cái tít của bài này cũng đã tạo nên gánh nặng không cần thiết cho Công Phượng.

Thế giới cũng đã từng nhớ đến nhiều danh thủ mà tài năng của họ không ảnh hưởng nhiều đến đội tuyển quốc gia của họ kia mà? Tôi chỉ thấy một điều là khi xem Công Phượng và những người bạn đá bóng tôi cảm thấy rất thích thú!


Văn Quyến là thần đồng một thời của bóng đá Việt Nam...

- Nhà báo Phạm Tấn: Thực ra có ba câu hỏi mà tôi muốn chúng ta cùng thảo luận, còn cái tít chỉ là cái cớ. Ba câu hỏi đó là: Công Phượng có tận dụng được cơ hội được tập trung cùng U23 hay không, vị trí nào là thích hợp trong sơ đồ chiến thuật của ông Miura và bản thân vị HLV người Nhật Bản này có chọn Công Phượng làm hạt nhân hay không?

Nhưng hầu hết trong số hàng chục câu hỏi hay ý kiến đều tập trung so sánh Công Phượng với Văn Quyến, một tài năng của BĐVN cách nay một thập kỷ. Tôi hiểu là tình yêu và sự kỳ vọng đã tạo nên sự so sánh đó. Cũng lại có không ít người trong số quý vị độc giả sợ sự so sánh, kỳ vọng làm ảnh hưởng tới Công Phượng. Điều này cũng giản đơn: So sánh dễ tạo ra sự ngộ nhận, áp lực.

+ Độc giả Quang Vinh: Có cầu thủ giỏi nhờ năng khiếu như Văn Quyến, có cầu thủ thành công nhờ siêng năng rèn luyện như Công Vinh, và có nhiều cầu thủ thành tài nhờ công đào tạo như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... Nếu chỉ có năng khiếu mà thiếu đào tạo thì dễ bị tàn.

Và lứa HAGL ngoài chơi bóng còn phải học văn hóa, học làm người... Vì vậy ở lứa tuổi 19 có thể các cầu thủ HAGL chưa nổi như Văn Quyến, nhưng vài năm sau thì sao? Muốn đánh giá một chương trình đào tạo phải đánh giá toàn diện, đâu chỉ nhìn một vài khía cạnh để nâng cao hoặc phủ định. Nếu nhìn nhận thiển cận để phán xét đánh giá thì sẽ gây hại cho sự nghiệp chung.

- Nhà báo Phạm Tấn: Đúng thế. So sánh một cầu thủ mới bắt đầu sự nghiệp với một người đã kết thúc sự nghiệp là không thể. Nhưng nếu bảo Văn Quyến chỉ nhờ năng khiếu thì không đúng. Quyến trưởng thành từ lò Sông Lam, nơi đào tạo được nhiều nhất những tài năng cho đội tuyển Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua.

Và điều làm sự nghiệp của Văn Quyến bị ảnh hưởng không phải là thiếu điều đạo về ý thức. Văn Quyến có những người thầy dẫn dắt được tôn trọng cả về tư cách lẫn nghề: Đó là ông Nguyễn Văn Thịnh, người vẫn được gọi là Thịnh “đen”. Văn Quyến thiếu may mắn khi xung quanh anh là các đồng đội và cũng là những đàn anh có những “thành tích” ngoài sân cỏ lẫy lừng hơn cả trên sân cỏ.

+ Độc giả Tám Xệ: Tôi nghĩ, trong bóng đá chúng ta rất khó so sánh một cầu thủ hiện tại với cầu thủ bậc 'tiền bối'?. Mỗi thời, bóng đá phát triển theo một 'hướng' khác nhau. Bóng đá là môn tập thể. Cho nên, một cầu thủ giỏi may mắn phát huy hết khả năng của mình vì xung quanh họ có các vệ tinh tốt hỗ trợ.

Do vậy, chỉ mang một cầu thủ so với một cầu thủ thì khó mà phán chính xác được ai giỏi hơn ai? Hiện tại, khó ai nói chính xác được Messi với Maradona ai giỏi hơn hay 'Ro béo' và Pele ai tài hơn? Khó đấy!


Sát cánh cùng Văn Quyến là một loạt những tài năng của bóng đá Việt Nam như Quốc Vượng. Ảnh: V.S.I

- Nhà báo Phạm Tấn: Bạn đã chỉ ra một thực tế của Văn Quyến ngày trước. Chơi cùng Quyến ở U23 Việt Nam tại SEA Games 2003 là những vệ tinh xuất sắc.

Có thể kể ra Nguyễn Hữu Thắng, người chơi hai chân đều như nhau và thể hình cao lớn, Quốc Vượng đánh chặn hay, sút xa tốt, cặp tiền vệ Tài Em, Minh Phương lúc đó cũng đã bắt đầu toả sáng rồi. Rồi các cầu thủ chạy cánh là Thanh Phương (Thể Công), Tuấn Phong (Đồng Tâm Long An) cũng là những người xuất sắc.

Văn Trương (Huế) đá hậu vệ cánh còn được ca ngợi hay hơn cả đàn anh Lê Đức Anh Tuấn. Ngay cả người đá cặp trên hàng công cũng bổ sung rất tốt cho Văn Quyến là Thanh Bình với khả năng chạy cắt mặt.

Còn đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại gần như là một ẩn số, dù cho có các gương mặt cũ đã thể hiện được khả năng của mình ở ASIAD 17 và AFF Cup 2014.

Vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho Công Phượng hay bất cứ cầu thủ HAGL nào ở thời điểm này: Lên tuyển với ông Miura là họ rời xa một tập thể và một HLV đã gắn bó với nhau gần chục năm, nhưng có thể giờ đây họ lại có những đồng đội có năng lực tốt hơn.

+ Độc giả Nguyễn Nhật Khánh: Xét về trình độ văn hóa, Công Phượng may mắn được học tập rèn luyện trong môi trường HAGL nên hơn Quyến. Nhưng cả 2 đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Nghệ nên chất Nghệ khá đậm đặc là điểm chung của 2 người.

Tôi cho rằng cả Công Phượng và Văn Quyến đều không phải là những người khéo léo trong ăn nói, họ khá bản năng khi trả lời báo chí, dù Phượng vẫn được cho là trả lời báo chí tốt hơn.

- Nhà báo Phạm Tấn: Đó là nhận xét tinh tế, nhưng khả năng thành công ở đội tuyển thì lại không liên quan tới việc trả lời báo chí có khéo hay không. Văn Quyến thậm chí rất kém khi được phỏng vấn trên báo giấy chứ chưa nói tới truyền hình.

 + Độc giả HLV Chân Đất: Tài bóng đá của Văn Quyến là bẩm sinh, khéo léo, tinh quái, rất bóng đá đời. Cái này của Công Phượng là năng khiếu và cần cù, rất bóng đá học viện.

Ai hơn thì khó mà nói được, nhưng nếu nói là có một cầu thủ quyến rũ nhất trên sân cỏ sau thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh... thì cho tới nay vẫn chưa ai bằng được Văn Quyến. Tự hại mình, thật tiếc cho cầu thủ này.

- Nhà báo Phạm Tấn: Chắc chắn là có nhiều người cũng chia sẻ như thế. Văn Quyến là người chơi thứ bóng đá tạo ra rất nhiều cảm xúc. Nhưng nếu chọn một khoảnh khắc giàu cảm xúc nhất của BĐVN hai thập kỷ qua, tôi lại chọn cú đánh đầu của Công Vinh vào lưới Thái Lan mang về chức vô địch Đông Nam Á năm 2008. Điều này là để nói: Bóng đá cần có những kết quả cụ thể để bất tử.


Với tài năng đang có, Công Phượng xứng đáng được HLV Miura chọn là hạt nhân khi xây dựng đội hình đội tuyển Olympic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

+ Độc giả Huỳnh Thanh Hoàng: Công Phượng sẽ chơi tiền đạo ảo như Messi. Có lê ống Miura cũng nhìn được chiến thuật này.

- Nhà báo Phạm Tấn: Nếu có ai đó nói với ông Miura như thế, tôi cho rằng ông ấy sẽ… sốc. Không thể chọn bất cứ ai của thế giới bóng đá hiện tại, chứ đừng nói một cầu thủ ở vùng trũng như Việt Nam để so sánh với Messi.

Thực tế một chút để phán đoán: Nếu Công Phượng trong một trận rê dắt bóng mà mất bóng tới ba lần, khiến khung thành bị uy hiếp, ông Miura có lẽ sẽ thay người ngay. Ông ấy là HLV ưa thích sự giản đơn.   

Ông Miura cũng là người đề cao lối chơi tập thể, nhưng tôi nghĩ HLV nào cũng cần có những quân bài then chốt trong tay. Công Phượng xứng đáng để ông Miura chọn làm hạt nhân.

Năm 2003, ông Alfred Riedl tin dùng vào Văn Quyến – sự lựa chọn này không cần bàn cãi. Nhưng ông còn tin dùng Thanh Bình, chứ chưa dùng Công Vinh. Ông thấy ở tiền đạo này khả năng chạy cắt mặt đánh đầu xuất sắc.

Bình là sự lựa chọn lý tưởng nhất khi đội tuyển chơi mở biên và dùng các đường tạt hay căng ngang. Bàn thắng duy nhất vào lưới U23 Indonesia trên sân Hàng Đẫy ở SEA Games 2003 do Bình thực hiện là mẫu mực.

Năm 2008, ông Calisto thành công nhờ nhìn ra những phẩm chất đặc biệt của Công Vinh. Và ông đi nước cờ quyết định ở trận chung kết lượt đi với Thái Lan.

Sau khi xem đội tuyển tập trên sân Rajamangala, về khách sạn, tôi đã phỏng vấn Công Vinh, rằng có phải ông Calisto sẽ xếp Vinh chơi tiền đạo cánh trái, thứ nhất là để tận dụng tốc độ của Vinh, ở kỹ năng đi bóng từ phía trong vào và dứt điểm bằng chân phải; thứ hai là để khoét sâu vào cách chơi thường xuyên dâng cao tấn công của hậu vệ Suree Sukha của người Thái.

Công Vinh chỉ cười, nhưng những gì diễn ra trên sân đấu đã đúng như thế. Thái Lan thất bại ngay trên sân nhà với tỉ số 1-2.     

Điều rút tỉa từ đây là HLV nào cũng cần có những quân bài chiến thuật.

Lối chơi của ông Miura áp dụng cho đội tuyển là ưu tiên cho các pha tấn công trực diện, bật tường thì đó cũng là nơi mà Công Phượng có nhiều ưu điểm nhất. Và dù ông tối đa hoá sự đơn giản trong cách chơi, thì đội tuyển ở AFF Cup cũng có những ngoại lệ khi có những cá nhân được phép cầm bóng tạo đột biến.

Bởi vậy, Công Phượng có thể không phải là duy nhất, nhưng sẽ là một trong những hạt nhân.  

Phạm Tấn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›