HLV Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá, chân chạy tốc độ Trần Thị Nhi Yến sẽ cứng cáp hơn nhờ hành trình vừa qua ở Paris, Pháp.
Nhi Yến đã có khởi đầu ấn tượng khi vượt qua vòng sơ loại để đi tiếp vào vòng loại và ghi dấu ấn cho điền kinh Việt Nam tại Olympic 2024. Nhi Yến trở thành 1 trong số 17 VĐV đoạt vé đi tiếp vào vòng loại trong số 36 VĐV tham dự theo suất mời phải trải qua vòng sơ loại.
"Đó là một thành tích đáng kể đối với VĐV điền kinh Việt Nam, điều chưa từng VĐV nào làm được trước đó. Các VĐV chạy ở vòng sơ loại đều nghĩ như Nhi Yến, đó là cố gắng duy trì thành tích trong Top 3 để có mặt ở vòng trong. Đó là lý do Nhi Yến về nhất vòng sơ loại nhưng thành tích cũng không phải là tốt nhất của mình", HLV Thanh Hương kể lại.
Sau khi về nhất vòng sơ loại với thành tích là 11 giây 81, Nhi Yến giành quyền đi tiếp đến vòng loại chính thức nhưng không có thời gian để nghỉ ngơi, chỉ có 20 phút là được thông báo phải sẵn sàng cho vòng loại ngay.
"Tôi chỉ kịp đến hỏi thăm em và dặn làm nóng, ép dẻo, rồi sau đó Nhi Yến bước ra sân. Địa điểm thi tiếp theo xa, VĐV phải đi bộ rất mỏi. Nhi Yến tập trung và rất sẵn sàng. Tuy nhiên, khi bước ra sân vận động với hơn 60 nghìn khán giả, lúc đọc giới thiệu đến tên VĐV người Mỹ là đương kim vô địch thế giới Sha'Carri Richardson, các khán đài như bùng nổ. Những tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả làm Nhi Yến như bủn rủn tay chân, mất hết sinh khí, thậm chí bị cóng khi đó. Olympic vẫn là một sân chơi quá lớn đối với Nhi Yến", theo lời HLV Thanh Hương.
Dẫu vậy, HLV Thanh Hương đánh giá, sân khấu lớn như Olympic Paris 2024 sẽ là cơ hội để Nhi Yến nhìn lại mình, phấn đấu cho tương lai. "Được thi đấu chung đường chạy với nhà vô địch thế giới người Mỹ thì thực sự tương lai không biết có VĐV Việt Nam mình làm được điều đó hay không. Nhi Yến sẽ có bài học thực tế để cải thiện bản thân trong tương lai. Có rất nhiều điều bổ ích được rút ra sau một giải đấu lớn.
Nhi Yến được ví như một viên ngọc thô, khác với Tú Chinh được đào tạo bài bản từ nhỏ thì Nhi Yến mới có hành trình hơn một năm qua. Nhi Yến vừa thi đấu ở giải trẻ, vừa thi đấu ở giải cho VĐV lớn. Sau giải này, em ấy sẽ xác định con đường mình đi, hướng mục tiêu chinh phục là gì".
Cũng theo HLV Thanh Hương, thành tích tương lai của VĐV là điều không dễ nói trước. Đơn cử như Tú Chinh và VĐV Veronica Shanti Pereira (Singapore). Shanti đã nằm dưới cái bóng của Tú Chinh hàng chục năm, nhưng sau khi Tú Chinh chấn thương, VĐV này đã vươn lên mạnh mẽ. Shanti nhận được nhiều sự đầu tư và đã giành tấm HCV lịch sử ở nội dung 200m nữ tại Asiad 2023 và hàng loạt HCV SEA Games, HCV châu Á khác.
Với Nhi Yến, thành tích của VĐV sinh năm 2005 là 11 giây 40 (thành tích giúp Nhi Yến có HCB giải trẻ châu Á 2024), nhưng đến Olympic Paris, Nhi Yến chạy tốt nhất với thành tích 11 giây 79. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, ví dụ như thời tiết lạnh ở Paris và Nhi Yến cũng chỉ có 3-4 buổi tập, chưa làm quen với nhịp sinh học (cách biệt 5-6 tiếng so với điều kiện ở Việt Nam), ảnh hưởng lớn đến thành tích.
HLV Thanh Hương nhận định, Nhi Yến có thể còn cải thiện được thành tích trong tương lai để mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Ở tuổi 19, con đường của VĐV quê Long An còn nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, Nhi Yến cần khiêm tốn và cầu tiến. Olympic chỉ là một bước đệm để Nhi Yến học hỏi nhiều điều.
Tags