VFF đã ký hợp đồng với HLV Philippe Troussier với thời hạn 3 năm, kéo dài đến 2026, điều đó cho thấy một cam kết hết sức tham vọng của bóng đá Việt Nam với mục tiêu đoạt vé dự World Cup. Vận hội đã mở ra, nhưng đó chỉ mới là điểm khởi đầu.
1. Là HLV có tuổi đời lớn nhất trong số các chuyên gia ngoại từng làm việc với bóng đá Việt Nam, nhưng bản lý lịch đồ sộ của nhà cầm quân quốc tịch Pháp này khiến cho tuổi tác không còn là trở ngại. Cái thời mà cứ mỗi lần tập trung cầu thủ lên tuyển là HLV phải "cầm tay chỉ việc" đã qua từ lâu.
Bây giờ, điều quan trọng mà bóng đá Việt Nam cần là những kinh nghiệm mà ông Troussier đã tích lũy, đặc biệt là các trải nghiệm không phải ai cũng có ở các kỳ World Cup hoặc những vinh quang mà ông có cùng đội tuyển Nhật Bản.
Tất nhiên, thời điểm mà ông đạt đến đỉnh cao trong nghiệp cầm quân cùng bóng đá Nhật Bản cũng đã cách đây 20 năm, với ngôi á quân Cúp liên lục địa, vô địch Asian Cup và vào vòng 2 World Cup 2002.
Đây cũng là lý do chính để người ta hồ nghi về năng lực của ông Troussier hiện nay, khi hơn 20 năm trôi qua, cuốn theo bao nhiêu khát khao và đam mê của một nhà cầm quân so với thời thanh xuân trước.
Thực tế thì càng về sau, dấu ấn của ông Troussier càng mờ nhạt. Có thể ông vẫn xuất sắc nhưng bóng đá thế giới đương đại hiện đang có một thế hệ HLV hoàn toàn khác biệt, với khả năng tiếp cận công nghệ và quan điểm về chiến thuật mới mẻ.
Nhưng thẳng thắn mà nói, với trình độ của bóng đá Việt Nam hiện nay, HLV Troussier là thứ lấp lánh nhất mà chúng ta từng tiếp cận, chứ chưa nói đến việc ông chính thức là "người trong nhà".
Có đôi chút khập khiễng, nhưng ở góc độ nào đó, sự xuất hiện của ông Troussier gần giống cách mà ông đến với Nhật Bản 2 thập niên trước. Thời điểm đó, người Nhật cũng chỉ 1 lần dự World Cup và thất bại nặng.
Họ cũng chỉ 1 lần vào đến vòng 4 đội mạnh nhất Asian Cup (vô địch năm 1992). Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp (J-League) cũng chỉ mới cải tổ, chưa lớn mạnh như bây giờ, thậm chí đội tuyển Nhật Bản phải dùng đến chính sách nhập tịch cầu thủ để cải thiện chất lượng.
Ông Troussier lúc đó như một người đi khai phá vùng đất mới, bắt đầu từ lứa U20 của Nhật Bản và trong vòng 4 năm đã thay đổi toàn diện làng cầu xứ Phù tang với các chiến tích mà thực ra cho đến bây giờ, cũng chưa có nhà cầm quân nào làm tốt hơn ông ở bóng đá Nhật Bản.
Những gì mà ông Troussier đã làm với bóng đá Nhật Bản có lẽ là điều mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam kỳ vọng. Ông Troussier có thể lớn tuổi nếu so với yêu cầu của Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện nay, nhưng với bóng đá Việt Nam, thì hoàn toàn phù hợp.
Đẳng cấp là thứ không thay đổi theo thời gian. Vướng mắc duy nhất, có lẽ là niềm đam mê với bóng đá, với tham vọng chinh phục, liệu có còn nhiều hay không trong người ông Troussier. Những yếu tố đó thường là "kẻ thù" của tuổi tác.
2. Thế nên, cần phải phân định rất rõ: Đẳng cấp của HLV Troussier là một chuyện, nhưng niềm tin của chúng ta về tầm nhìn của mình lại là chuyện khác. Không có gì bảo đảm HLV Troussier sẽ thành công ngay lập tức, nhất là từ sau AFF Cup 2022, chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu đạt đến giới hạn của một thế hệ cầu thủ.
Áp lực dành cho ông Troussier không hề nhỏ. Triều đại của HLV Park Hang Seo vừa khép lại không như ý, sau khi để thua trận chung kết AFF Cup 2022 trước Thái Lan, nhưng các chiến tích dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc thì thực sự to lớn. Công lao của HLV Park Hang Seo đối với bóng đá Việt Nam chính là một phiên bản ở tầm vóc nhỏ hơn một chút so với những gì ông Troussier làm cho Nhật Bản 20 năm trước.
Có lẽ, chỉ tấm vé dự World Cup mới giúp những người kế nhiệm HLV Park Hang Seo vượt qua được cái bóng của ông thầy Hàn Quốc trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Đoạt vé dự World Cup chưa bao giờ là việc đơn giản với bất kỳ HLV nào trên thế giới dù tài năng đến đâu. Cứ lấy bài học của Marcelo Lippi, Guus Hiddink với bóng đá Trung Quốc là rõ. Thế nên, việc chọn HLV Troussier chỉ mới cho thấy tham vọng cũng như tầm nhìn rất rõ ràng của bóng đá Việt Nam, đó là hiện thực giấc mơ World Cup cho đội tuyển bóng đá nam trong thời gian ngắn nhất. Nhưng chỉ vậy thôi.
3. Nói gì thì nói, việc HLV Troussier háo hức tái ngộ với bóng đá Việt Nam sau khoảng thời gian làm việc ở Trung tâm PVF cũng là một tín hiệu rất tốt. Nếu không nhìn thấy những triển vọng sáng sủa, thì một người giàu kinh nghiệm như ông Troussier có lẽ sẽ chọn làm bóng đá trẻ cho an toàn, phù hợp sức khỏe, thay vì nhận nhiệm vụ vượt qua các đỉnh núi chót vót mà ông Park Hang Seo đã tạo ra.
World Cup đã mở rộng lên 48 đội, với hơn 8 suất dành cho bóng đá châu Á. Thông thường, 5 suất đầu tiên sẽ thuộc về tốp 6 đội mạnh nhất châu lục (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Iran), thì 3 suất còn lại của châu Á tương đối dễ cạnh tranh do cách biệt trình độ không lớn.
Dựa trên phong độ hiện tại, Việt Nam vẫn đang đứng nhất nhì Đông Nam Á, nằm trong nhóm 15-16 đội hàng đầu châu lục, nghĩa là để có vé dự World Cup thì chúng ta chỉ phải "chọi" với 10 đội ngang bằng trình độ để có 1 trong 3 suất còn lại. Tỷ lệ này không khác gì thời ông Troussier đến làm việc ở Nhật Bản, hoàn toàn khả thi.
Hơn nữa, ông Troussier có ít nhất 2 năm để xây dựng đội bóng cho đến thời điểm bắt đầu vòng loại của World Cup 2026. Riêng trong năm 2023 này, ông chủ yếu làm việc với U23, lại là một sự thuận lợi khác để tiến hành những thay đổi lớn tại đội tuyển quốc gia cả về con người lẫn tư duy chiến thuật.
Đấy cũng có thể là lý do mà hợp đồng của ông có thời hạn lên đến 3 năm, chưa từng có ai ký lâu như vậy. Nó phù hợp với đẳng cấp và niềm tin mà ông Troussier đem đến cho bóng đá Việt Nam.
Chuyện còn lại, "khổ lắm noí mãi", quan trọng hơn cả là chất lượng của cầu thủ, khả năng đầu tư, ý chí của cả một nền bóng đá. Dù HLV Troussier có là "Phù thủy da trắng" đi nữa thì bản thân ông cũng cần một lộ trình, và thời gian để thực thi nhiệm vụ.
Kỳ vọng HLV Troussier làm tốt hơn là một chuyện, nhưng nếu không được thì ứng xử thế nào cho phù hợp? Vì tham vọng của bóng đá Việt Nam là chiếc vé dự World Cup 2030, điều này chắc chắn gây áp lực cho hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, cho sự ổn định của giải vô địch quốc nội (V-League) và cho cả các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư.
Coi như bóng đá Việt Nam đã "leo lên lưng cọp" rồi.