Bàn thua ở phút bù giờ hẳn nhiên là nghiệt ngã, cả về khía cạnh cảm xúc lẫn yếu tố kết quả. Rõ ràng, 1 điểm trước đối thủ tầm cỡ như Iraq là không tồi một chút nào. Nhưng ở một góc nhìn khác, khi gạt bỏ cảm xúc của một CĐV Việt Nam, thì bàn thắng đó là sự tưởng thưởng cho nỗ lực đến tận giây cuối cùng của đội khách trong một trận đấu mà đối thủ của họ không có cơ hội để ghi bàn hay chiến thắng.
Tất nhiên chúng ta sẽ không thể nói là Việt Nam không xứng đáng có 1 điểm, nghe quá phũ phàng. Nhưng nếu như chúng ta đang xây dựng một đội bóng hướng đến tấm vé dự World Cup, một đội bóng có khả năng cạnh tranh với các đội nằm trong tốp 10 châu Á, thì việc đưa ra một kết luận khó nghe như vậy, là điều cũng nên cân nhắc thay vì tiếc nuối hay cảm thấy tổn thương. Lấy ngay ví dụ cụ thể: Iraq là đội tấn công tìm bàn, chúng ta thì cố ngăn cho họ ghi bàn để cầu hòa, vậy thì có thể nói chiến thắng đã thuộc về đội bóng nỗ lực hơn.
Chúng ta có quyền tiếc nuối, nhưng cũng cần phải sòng phẳng. Chính bàn thua phút cuối đó đem lại cho trận đấu sự minh bạch cần thiết. Thứ nhất, đội tuyển Việt Nam vẫn đang tồn tại một khoảng cách với nhóm đầu châu Á, mà thứ hạng FIFA giữa Iraq và Việt Nam là con số tương đối chính xác. Suốt trận đấu, dù có những thời điểm chủ động chơi bóng với khối đội hình dâng cao, nhưng về bản chất thì đội tuyển của HLV Troussier chỉ trì hoãn việc thủng lưới, không có nhiều cơ may ghi bàn vào lưới đối phương.
Kế đến, chính thất bại này đặt ra một vấn đề: Liệu các chọn lựa nhân sự của HLV Troussier có hợp lý hay không? Hay nói một cách trực diện: Có phải HLV người Pháp đang sai lầm khi mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ trong một trận đấu mà thứ ông cần và thực tế là thiếu trong 10 phút cuối, là kinh nghiệm.
Hãy trở lại một chút trước khi vòng loại World Cup 2026 bắt đầu. HLV Troussier luôn nhắc đến việc chọn người dựa trên yếu tố phong độ, sự trải nghiệm tại V-League. Vậy nhưng, Hoàng Đức lại ngồi dự bị suốt cả 2 trận đấu. Xin nhắc lại: Cầu thủ số 1 V-League hiện tại không chơi một phút nào dù được triệu tập lên ĐTQG.
Có lẽ lịch sử sẽ ghi nhận quyết định kỳ lạ này của HLV Troussier. Một cầu thủ có đẳng cấp cao nhất hiện nay, nếu không ra sân thi đấu ở trận đấu chính thức của ĐTQG thì chỉ có duy nhất một lý do: anh ta không được triệu tập, có thể vì chấn thương hoặc vì không phù hợp với triết lý của HLV. Như trường hợp của Quang Hải, đâu có ai thắc mắc gì vì cá nhân Hải cũng chưa hòa nhập được với V-League. Nhưng trường hợp của Hoàng Đức thì quá lạ. Vậy triệu tập Hoàng Đức lên ĐTQG để làm gì?
Thật khó tin, ngôi sao số 1 V-League ấy lại lên ĐTQG để ngồi dự bị cho một loạt cầu thủ trẻ, mà có những người còn chưa đá V-League. Mặc dù quyền của HLV trưởng là tối thượng, thì cái cơ chế vận hành nhân sự này dường như cần xem xét kỹ lưỡng, thậm chí nếu không có những phản biện nghiêm túc, thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi việc một cầu thủ chơi một trận đấu ở đẳng cấp vòng loại World Cup mà không cần đến quá trình thi đấu tại giải vô địch quốc gia, chỉ cần ông thầy lựa chọn và trui rèn qua các trận giao hữu. Thế thì ý nghĩa của việc nâng cấp V-League để phục vụ cho cái gì?
Sự mạo hiểm của ông Troussier đúng hay sai, liệu chúng ta đá với các cựu binh, chơi một thứ ít phiêu lưu hơn, thì diễn biến và kết quả có khác hơn được không thì chỉ có ông mới biết. Nhưng công chúng cần ai đó trả lời cho một câu hỏi khác: Sự mạo hiểm của ông Troussier còn diễn ra bao lâu, và kết quả sau cùng của nó là gì?
Tags