HLV Troussier tính chuyện SEA Games...

Thứ Sáu, 14/04/2023 05:16 GMT+7

Google News

Môn bóng đá ở SEA Games từng đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của làng cầu Đông Nam Á, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó đang trở nên lạc lõng về chuyên môn. Rõ ràng, nếu tính trong khuôn khổ SEA Games, thì đó là một môn thi đấu được cả Đại hội quan tâm và chiếc HCV cũng rất danh giá. Nhưng để nói về tầm quan trọng thì khác.

Môn bóng đá ở SEA Games từng đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của làng cầu Đông Nam Á, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó đang trở nên lạc lõng về chuyên môn. Rõ ràng, nếu tính trong khuôn khổ SEA Games, thì đó là một môn thi đấu được cả Đại hội quan tâm và chiếc HCV cũng rất danh giá. Nhưng để nói về tầm quan trọng thì khác.

1. Một trong những rắc rối lớn nhất, đến từ việc SEA Games tổ chức 2 năm/lần. Với các môn thể thao khác thì không có vấn đề gì, nhưng với bóng đá nam, thì đang lại rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội". Như đã biết, sau khi khôi phục lại giải U23 Đông Nam Á, thì hiện nay mỗi năm các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chơi ít nhất 2 giải U19 và U23.

Rồi khi các giải U20 và U23 châu Á diễn ra theo chu kỳ 2 năm/lần, do trình độ của bóng đá trẻ Việt Nam đã tăng lên, việc chúng ta dự VCK các giải trẻ này gần như mặc định. Thế là mỗi năm, lại có thêm các vòng loại chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Sự có mặt của SEA Games tự nhiên thành dư thừa.'

Nói là dư bởi chiếc thắng hay bại ở SEA Games không phản ảnh được chất lượng bóng đá trẻ của mỗi quốc gia. Lấy ví dụ cụ thể là Việt Nam, hiện chúng ta đang đo lường năng lực dựa trên thành tích thi đấu ở các kỳ VCK của tuổi U20 hoặc U23.

Căn cứ vào 2 giải gần nhất, thì mục tiêu của các đội U Việt Nam hiện nay đã là vượt qua vòng bảng, đi sâu vào tứ kết, bán kết chứ chẳng còn tham gia để học hỏi. Đẳng cấp của các giải U châu Á này cao hơn hẳn SEA Games dù độ tuổi như nhau.

Trong một bối cảnh như vậy, thì chiếc huy chương ở SEA Games chẳng khác gì các môn thi đấu khác. Kiểu như trong môn điền kinh hay bơi tại SEA Games, câu chuyện nằm ở thông số thi đấu chứ không phải huy chương màu gì. Đoạt HCV SEA Games mà không đủ chuẩn dự Olympic thì chắc cũng khó mà vui.

Ngoài ra, SEA Games đối với bóng đá Việt Nam cũng chỉ có 2 trận đấu cuối cùng là đáng để quan tâm. Từ năm 1995 đến nay, mới chỉ 3 lần U23 Việt Nam bị loại ngay tại vòng bảng. Một giải đấu rất dài ngày, đá nhiều trận, nhưng xét về chất lượng thì chỉ ngang với giải U23 Đông Nam Á hàng năm mà thôi.

Đây là lý do mà trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, có thêm +3 cầu thủ quá tuổi để tăng thêm sự hấp dẫn. Nhưng vì cái sự mở rộng này mà môn bóng đá nam SEA Games càng thêm lạc lõng về sự đóng góp vào phong trào chung, khác hẳn với bóng đá nữ và futsal tại SEA Games.

Nhưng như đã nói, SEA Games vẫn cứ đều đều 2 năm/lần và chiếc HCV vẫn là một đề tài không nhỏ với giới mộ điệu. Ở 2 vòng đấu của V-League vừa trở lại, người ta đã phải đếm xem có bao nhiêu cầu thủ đá SEA Games được ra sân trong màu áo CLB.

Quan tâm đến mức đó thì có khác gì đội tuyển quốc gia đâu. Nói như vậy để thấy SEA Games là cái gì đó mang tính quyết định "số phận" với bóng đá Việt Nam. Chúng ta từng lấy chiếc HCV SEA Games để làm cột mốc đánh dấu cuộc hành trình vươn lên, có được nó rồi, vẫn cứ tìm một lý do nào đó để tiếp tục xem chiếc HCV là một cột mốc khác dành cho bóng đá trẻ.

2. Không biết HLV Philippe Troussier may hay là không may khi đấu trường chính thức đầu tiên mà ông cầm quân lại là SEA Games. Nói là may khi đây là sân chơi của đội U22 trong khi công việc chính của ông Troussier là đưa đội tuyển Việt Nam tìm vé World Cup. SEA Games cũng không phải là nơi tập trung của những cầu thủ tốt nhất đến từ Thái Lan hay Malaysia, Singapore nên triển vọng chiến thắng tương đối cao.

Câu chuyện thể thao: Tính chuyện SEA Games... - Ảnh 1.

HLV Troussier đã có kinh nghiệm ở World Cup cũng như vô địch Asian Cup, nhưng giờ lại phải chứng tỏ bản thân ở một sân chơi như SEA Games. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng có một cái "dớp" rất đáng quan ngại. Từ khi SEA Games chuyển thành U23 thì nhà cầm quân nào mà khởi đầu công việc tại đấu trường này đều chẳng giữ được ghế lâu. Năm 2001 là HLV Dido, đến 2011 là Falko Goetz, sau đó là Hoàng Văn Phúc ở năm 2013.

Ngược lại, những Henrique Calisto, Afred Riedl hay Toshiya Miura, Park Hang Seo, Nguyễn Hữu Thắng đều khởi đầu bằng các giải đấu khác hoặc ở cấp độ đội tuyển nên thời hạn hợp đồng của họ kéo dài hơn mặc dù cũng khá nhiều người "mất ghế" vì thất bại ở SEA Games.  

Ông Troussier có thể không phải là ngoại lệ dù ông là người có đẳng cấp cao nhất và đến vì mục tiêu lớn hơn SEA Games gấp chục lần. Bởi vấn đề không phải nằm ở ông, mà ở cách chúng ta nhìn nhận về thành tích ở các sân chơi trẻ.

Đơn cử như việc tự nhiên số lượng các cầu thủ U tăng vọt ở 2 vòng đấu V-League vừa qua như thể là chuyện "ủng hộ SEA Games" mang tính ngắn hạn trong khi cái quan trọng là cách dùng cầu thủ trẻ lâu dài ở cấp độ CLB kìa. Cần phải giữ nguyên tắc: trẻ có xuất sắc đến mấy mà "không đủ tuổi" đá V-League thì cũng phải ngồi dự bị, không thể vì việc kêu gào sử dụng cầu thủ trẻ để "ép" các CLB tuân theo một cách miễn cưỡng. Nếu bắt buộc phải "ép" thì nên làm theo kiểu cấp "quota" đối với cầu thủ ngoại, tức là luôn phải có ít nhất 2 cầu thủ U21 đá trên sân mỗi trận chẳng hạn.

SEA Games hay chuyện phát triển cầu thủ trẻ là vấn đề lâu dài, theo cách tuần tự lo-gích, gạn lọc đúng tiêu chuẩn. Hãy nhìn nhận mọi thứ theo cách nhẹ nhàng nhất, quan trọng vẫn là tạo thêm sân chơi cho cầu thủ trẻ nếu họ chưa đủ khả năng đá V-League chứ không phải là làm theo kiểu "nuôi gà chọi" như hiện nay.

Những giải trẻ quốc tế, bao gồm SEA Games, hiện diễn ra quanh năm nhưng hệ thống thi đấu trẻ, và các chiến lược để cầu thủ trẻ được thi đấu thì khá tủn mủn. Các CLB ở V-League hiện nay đang chờ cầu thủ trẻ chơi tốt trên đội tuyển U rồi mới dùng, thay vì công thức phải ngược lại mới đúng.

3. Việt Nam đã đoạt HCV liên tiếp tại SEA Games, nhưng thực tế là ở 2 kỳ  này thì sự đóng góp của các tuyển thủ quốc gia lớn tuổi chiếm tỷ trọng lớn. Thế nên, nếu có thể thì chính chúng ta cứ trả SEA Games về đúng với bản chất của nó, một môn thể thao của Đại hội, một cuộc thử sức cho các cầu thủ trẻ để xem thử mặt bằng chung trong khu vực là như thế nào. "Đối xử" được với SEA Games như vậy thì sẽ tránh được việc gây khó dễ cho V-League.

Hi vọng là đến một ngày trong tương lai gần, thay vì phải tổ chức U19, U21 thì chúng ta sẽ có một V-League của bóng đá trẻ, đá khoảng 30 trận mỗi năm để từ đó hình thành nên những đội U19, U23 và cả cho các kỳ SEA Games. Khi đó, chẳng có ai phải gây áp lực cho các HLV như ông Troussier về chuyện thành – bại của lứa cầu thủ kế cận. 

HLV Troussier gọi 31 cầu thủ U22 cho SEA Games 32

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 32, HLV Philippe Troussier đã quyết định lựa chọn 31 cầu thủ vào danh sách ĐT U22 Việt Nam cho đợt tập trung quan trọng sắp tới tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Đây là đợt tập trung duy nhất của ĐT U22 Việt Nam trước khi di chuyển sang Campuchia tham dự SEA Games 32, do vậy có thể dễ dàng nhận thấy lực lượng chủ lực vẫn là những cái tên đã trải qua 4 giai đoạn tập huấn và tham dự giải U23 Cup hồi tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, nhà cầm quân người Pháp cũng trao cơ hội cho một số nhân tố trẻ nổi bật trong đội hình U20 Việt Nam thi đấu tại VCK U20 châu Á 2023 nhưng chưa góp mặt ở các đợt tập trung trước, như thủ môn Cao Văn Bình, hậu vệ Hồ Văn Cường, tiền vệ Nguyễn Đức Phú, Đinh Xuân Tiến và tiền đạo Bùi Vĩ Hào.

Theo kế hoạch, ĐT U22 Việt Nam sẽ tập trung trở lại từ ngày 16/4 tới tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, do vướng lịch thi đấu tại các giải chuyên nghiệp cũng như Vòng loại U19 QG, nên các cầu thủ sẽ hội quân theo từng đợt khác nhau. Phải tới ngày 18/4, HLV Philippe Troussier mới có thể có được đầy đủ quân số. Đội đóng quân tập luyện tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến ngày 26/4 sẽ lên đường sang Campuchia tham dự SEA Games 32.

Ở môn bóng đá nam, ĐT U22 Việt Nam cùng bảng đấu với Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Theo lịch, thầy trò HLV Troussier sẽ đá trận ra quân gặp U22 Lào vào ngày 30/4. Tiếp đó lần lượt gặp U22 Singapore vào ngày 3/5, gặp U22 Malaysia vào ngày 8/5 và gặp U22 Thái Lan vào ngày 11/5.

 

Long Khang

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›